Gần 3 năm không bảo dưỡng, tắc nghẹt cổ hút vì muội bám kín

Anh Đinh Văn N. (quận Cầu Giấy, Hà Nội), chủ của chiếc Ford Ranger đời 2015 vừa có một phen hú vía khi xe của anh đang đi thì nổi đèn check 'cá vàng', kim nhiệt báo gần đến mức H (Hot), xe đi rất ì, đồng thời có hiện tượng rung giật và "doạ" chết máy.

Khi dừng lại trên đường và gọi điện miêu tả lỗi cho một người bạn làm chủ gara ô tô, câu đầu tiên người này hỏi anh N. là "bao lâu rồi không bảo dưỡng, vệ sinh cổ hút gió và bướm ga?"

Câu hỏi bất ngờ khiến anh N. giật mình bởi 2 năm qua, vì bận công việc và một phần do dịch bệnh nên anh rất ít khi đi bảo dưỡng xe. Có chăng chỉ là đưa xe đi thay dầu, đổ nước làm mát và sửa chữa các lỗi phát sinh nếu có, còn vệ sinh những bộ phận như người bạn của anh nhắc đến thì lần cuối cùng đã cách đây gần 3 năm.

Cổ hút trên chiếc Ford Ranger của anh N. đã bị kín đặc muội do quá lâu không được vệ sinh. (Ảnh NVCC)

Sau khi được cẩu xe về gara và tháo một số bộ phận, cả chủ xe và thợ đều không khỏi ngỡ ngàng bởi cổ hút gió, bướm ga, họng ga và van tuần hoàn khí xả (van EGR) trên chiếc xe bám đặc toàn muội và bụi bẩn đen kịt đến mức gần như két lại. Các kim phun ở trong tình trạng tắc nghẽn, thậm chí, van EGR bị kẹt cứng và không còn tác dụng nữa.

"Xe của tôi sau đó phải vệ sinh, xúc rửa lại hết hệ thống tuần hoàn khí xả, cân chỉnh lại kim bơm, thay lọc gió động cơ và hệ thống van EGR,...rồi cho hoá chất vào chạy không tải để vệ sinh buồng đốt. Thời gian khắc phục hết 2 ngày với tổng chi phí gần 10 triệu đồng. Thật đúng là nhớ đời", anh N. chia sẻ với VietNamNet.

Trên thực tế, hiện tượng xe ô tô bị “nghẹt” cổ hút do quá lâu không được vệ sinh như trường hợp chiếc Ford Ranger của anh N. là không hề hiếm gặp, thậm chí có trường hợp còn nặng hơn. 

Anh Nguyễn Thành Tâm, chủ gara ô tô Thành Tâm tại phường Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội) cho hay, cách đây 1 tuần, anh cũng vừa phải xử lý một ca "khó đỡ" liên quan đến việc tắc cổ hút do muội than bám kín trên chiếc Hyundai SantaFe đời 2014. Xe này thậm chí còn nghẽn nặng hơn chiếc của anh N. ở trên khi bướm ga mất tác dụng, còn bầu lọc khí thải Catalytic bị tắc nghẽn, không nổ được máy.

"Nguyên nhân chính là do chủ xe lười bảo dưỡng và vệ sinh các bộ phận định kỳ và đúng cách. Nếu chịu khó lau rửa các bộ phận thường xuyên thì vừa tốt cho động cơ mà chiếc xe lại có hiệu suất tốt nhất, tiết kiệm nhiên liệu và tiền sửa chữa", anh Tâm chia sẻ.

Cổ hút gió của chiếc Hyundai SantaFe đến xử lý tại gara Thành Tâm.

Bảo dưỡng xe định kỳ chính là cách tiết kiệm tiền tốt nhất

Tại gara ô tô Đại Linh của kỹ sư Lê Hồng Đại tại thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) trong khoảng 2 tháng vừa qua cũng đã tiếp nhận gần chục trường hợp tương tự từ nhẹ đến nặng, đa số là các xe máy dầu đời cũ như Ford Ranger, Ford Everest, Toyota Hilux, Hyundai SantaFe hay Starex. Có xe không thể làm sạch được hoặc đã hỏng sang các bộ phận khác phải thay thế phụ tùng và khắc phục hết cả chục triệu đồng. 

Trao đổi với VietNamNet, kỹ sư ô tô Lê Hồng Đại cho biết, xe ô tô nhất là động cơ diesel sử dụng trong một thời gian dài không được vệ sinh, bảo dưỡng sẽ rất dễ bị bám bẩn bởi nguyên lý hoạt động của hệ thống tuần hoàn không khí là đưa trở lại 1 phần khí xả từ động cơ có chứa tạp chất, trong đó có cả muội than sinh ra từ quá trình đốt.

Trường hợp sử dụng nhiên liệu chứa nhiều tạp chất thì lượng muội này càng sinh ra nhiều hơn gây bẩn, nghẹt, giảm lưu lượng khí, kẹt van EGR, kẹt bầu khí xả Catalytic,...

Đặc biệt, van tuần hoàn khí xả EGR (Exhausted Gas Recirculation) là bộ phận nằm trên đường ống xả của động cơ, với nhiệm vụ chính là đưa một phần khí thải trở lại buồng đốt để giảm lượng khí NOx ra ngoài môi trường, thường được điều khiển bằng ECU.

"Van EGR có ở cả động cơ xăng và diesel là bộ phận rất dễ hỏng khi bị bám bẩn, nhất là trên các dòng bán tải bởi lượng khí tuần hoàn lớn. Giá bán trên thị trường của loại van này cho các dòng xe bán tải hoặc xe 7 chỗ dao động từ khoảng 2,5-5 triệu đồng tuỳ loại. Thế nên nếu lười bảo dưỡng xe có thể dẫn tới những hư hại cho xe và tốn kém cho người sử dụng", anh Đại nói.

Lượng muội than bám trong khoang động cơ và trong bầu lọc khí thải Catalytic của xe nếu không được vệ sinh sẽ tích tụ cực lớn. (Video: Lê Hồng Đại)

Theo kỹ sư Đại, các xe bị bám nhiều muội than thường có những hiện tượng "đặc trưng" như: Động cơ rung, giật, máy yếu, không thoát ga và rất tốn nhiên liệu; khí xả có mùi khó chịu; nhiệt độ động cơ tăng cao bất thường; xuất hiện đèn báo lỗi động cơ có thể sáng màu cam báo check hoặc bánh răng tuỳ hãng xe,...

Để hạn chế những hỏng hóc và tốn kém không đáng có, vị chuyên gia này đưa ra lời khuyên đến các chủ xe nên bảo dưỡng, thay dầu máy, vệ sinh hệ thống họng hút, kim phun định kỳ hoặc theo hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật.

"Xe động cơ diezel đã sử dụng trên dưới 10 năm, với điều kiện chạy ở thành phố, đường bằng phẳng thì nên bảo dưỡng khoảng 4 vạn km/lần. Còn ở địa hình đèo núi, vùng mỏ và nơi có yếu tố môi trường khắc nghiệt thì khoảng 2 vạn km/lần.", kỹ sư Lê Hồng Đại chia sẻ.

Các chuyên gia kỹ thuật cũng cho rằng, bảo dưỡng xe định kỳ chỉ tốn từ vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng, nhưng sẽ giúp chiếc xe vận hành bền bỉ, trơn tru, tiết kiệm nhiên liệu. Nhưng nếu không để ý hoặc "lười" bảo dưỡng, hậu quả có thể tốn kém gấp cả chục lần, cùng với đó là những rủi ro không đáng có trên đường.

Bạn có góc nhìn nào về câu chuyện trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mọi câu hỏi tư vấn về sử dụng, mua bán xe xin gửi tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!