1. Kiểm soát đường huyết
Theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên: Kiểm tra lượng đường trong máu đều đặn giúp biết được tình trạng sức khỏe. Từ đó, người bệnh có thể điều chỉnh thuốc và chế độ ăn uống kiểm soát bệnh tốt hơn, giảm nguy cơ biến chứng. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ, các mốc thời gian nên đo đường huyết là khi mới thức dậy, chưa ăn uống gì; trước bữa ăn; 2 giờ sau bữa ăn; giờ đi ngủ.
Uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ: Sử dụng thuốc không đúng cách có thể khiến lượng đường trong máu dao động, thậm chí gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng. Bất cứ khi nào cảm thấy không khỏe hoặc có thắc mắc về thuốc, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ kịp thời thay vì tự mình phán đoán, thay đổi liều lượng thuốc. Việc ngừng điều trị có thể khiến tình trạng trở nên trầm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Chế độ ăn uống: Tránh các món nhiều đường nhưng không nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn. Điều quan trọng không kém là phải chú ý đến chế độ ăn uống cân bằng, nhận đủ vitamin, khoáng chất và protein, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, năng động.
2. Khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ: Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời luôn mang lại hiệu quả cao hơn. Nhờ đó, có thể trì hoãn sự tiến triển của các biến chứng một cách hiệu quả, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của bệnh nhân.
Khám mắt hằng năm: Thực hiện khám mắt ít nhất mỗi năm một lần có thể phát hiện kịp thời bệnh võng mạc, đây là biến chứng mắt thường gặp nhất của bệnh tiểu đường. Nếu không được điều trị, bệnh võng mạc có thể dẫn đến mù lòa. Theo Mayo Clinic, ban đầu, người bệnh thường không có triệu chứng. Khi tình trạng tiến triển, mắt có thể bị mờ, xuất hiện các đốm hoặc vùng tối trong tầm nhìn.
Kiểm tra chức năng thận: Xét nghiệm liên quan tới thận, đặc biệt là protein trong nước tiểu và độ lọc cầu thận có thể giúp chúng ta biết liệu có dấu hiệu của bệnh thận do tiểu đường hay không và có biện pháp thích hợp.
Kiểm tra sức khỏe tim mạch: Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch nên cần thường xuyên đo các chỉ số như huyết áp, lipid máu, điện tâm đồ. Điều này cho phép phát hiện sớm những bất thường về sức khỏe tim mạch và có biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời.
3. Thói quen sống tốt và quản lý cảm xúc
Tập thể dục vừa phải: Hoạt động thể chất phù hợp không chỉ giúp tiêu thụ lượng đường dư thừa trong máu mà còn tăng cường sức khỏe cơ xương. Tập thể dục có thể làm tăng đáng kể độ nhạy insulin, cho phép cơ thể phản ứng tốt hơn với insulin và kiểm soát lượng đường huyết. Để đạt được kết quả tốt nhất, người bệnh nên lựa chọn phương pháp tập luyện phù hợp với mình như đi bộ, bơi lội, tập yoga hoặc đạp xe và đảm bảo tập thể dục với cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần.
Tránh hút thuốc và uống rượu quá nhiều: Hút thuốc có nguy cơ làm tổn thương mạch máu và khiến lưu lượng máu bị hạn chế, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Rượu có thể cản trở quá trình chuyển hóa lượng đường trong máu.
Kiểm soát cảm xúc: Căng thẳng, lo lắng, trầm cảm kéo dài và những cảm xúc tiêu cực khác sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng đường trong máu của người bệnh. Những cảm xúc trên dễ khiến cơ thể tiết ra nhiều hormone căng thẳng hơn, ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
4. Chủ động giải quyết biến chứng
Theo Aboluowang, bệnh tiểu đường là một bệnh mạn tính, dễ dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau. Trong đó, tăng huyết áp và mỡ máu cao là những bệnh chuyển hóa có liên quan mật thiết đến bệnh tiểu đường và gây tổn thương thêm cho hệ tim mạch.
Bệnh thận, đặc biệt là bệnh thận do đái tháo đường, cũng là vấn đề thường gặp ở nhiều người, có thể dẫn đến suy giảm nghiêm trọng chức năng thận. Bệnh võng mạc là tổn thương chính do bệnh tiểu đường gây ra cho mắt, có thể gây suy giảm, mất thị lực.
Bệnh nhân tiểu đường sống trên 80 tuổi thường hiểu rõ về những biến chứng trên. Họ có khả năng nhận ra các triệu chứng sớm liên quan đến biến chứng và tìm kiếm sự trợ giúp y tế kịp thời khi có vấn đề phát sinh. Can thiệp sớm không chỉ ngăn ngừa sự tiến triển thêm của tình trạng mà còn cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.