Cũng theo nghiên cứu này, đại dịch Covid-19 đã có tác động mạnh mẽ tới đời sống xã hội của đại đa số người dân. Trong bối cảnh đó, mua sắm trực tuyến là lĩnh vực có bước nhảy vọt lớn nhất và trở thành một xu hướng bền vững.
Bốn xu hướng số nổi bật nhất mà người Việt quan tâm trong năm vừa qua, bao gồm: Thắt chặt chi tiêu, ưu tiên thiết yếu; Cao cấp hóa; Dịch chuyển số, mua sắm trực tuyến và Nâng cao trải nghiệm, giá trị sống. Trong đó, nổi bật nhất là mua sắm trực tuyến và thanh toán không tiền mặt.
Theo báo cáo, có tới 47% người dùng chọn sử dụng phương thức thanh toán hiện đại, bao gồm: chuyển khoản, ví điện tử, thẻ ngân hàng nội địa, thẻ tín dụng. Ích lợi của các phương thức thanh toán số này, như tiết kiệm thời gian giao dịch, dễ dàng thực hiện, có nhiều ưu đãi hơn so với mua và thanh toán trực tiếp là các nguyên nhân chính thu hút người tiêu dùng.
Bùng nổ thanh toán không tiền mặt
Những năm trở lại đây, thanh toán không tiền mặt đang trở thành một xu hướng mạnh mẽ tại Việt Nam. Theo Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hằng năm đạt tới hơn 90%. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, thanh toán di động ghi nhận tăng trưởng lần lượt 98,3% và 84,3% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện Ngân hàng Sacombank cho biết, đến hết tháng 10, số người dùng ứng dụng Sacombank Pay đạt khoảng 4 triệu người, tăng 110% so với năm ngoái. Số lượng giao dịch qua ứng dụng trong 10 tháng đầu năm tăng 87%, riêng thanh toán qua QR Code trên ứng dụng cũng tăng 84% so với năm ngoái.
Trong khi đó, nền tảng thanh toán Payoo ghi nhận mức tăng trưởng của QR Code tại Việt Nam trong quý III/2022 là 62% về số lượng và 53% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ. Theo từng lĩnh vực, nhóm có tỉ lệ tăng trưởng thanh toán QR Code mạnh mẽ nhất là siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thực phẩm, đồ uống,…
Ví điện tử MoMo cũng đang triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán di động, với QR Code là mũi nhọn. Đại diện công ty này cho biết, với những người bán hàng nhỏ lẻ, việc sử dụng hình thức thanh toán này mang đến cơ hội tiếp cận thêm nhiều khách hàng, bên cạnh việc số hóa sổ sách, quản lý dòng tiền tốt hơn, gạt bỏ nỗi lo tiền lẻ. Sự chuyển biến hành vi thanh toán của người dùng trong thời gian qua cũng tạo sức ép cho các doanh nghiệp ở mọi quy mô ngành nghề thay đổi để thích nghi và bắt kịp xu hướng đáp ứng trải nghiệm cùng nhu cầu mới nổi của khách hàng.
Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng Giám đốc VietUnion - đơn vị phát triển nền tảng thanh toán Payoo, nhận định một trong những nguyên nhân giúp QR code ngày càng phổ biến chính là chi phí đầu tư cho hình thức thanh toán này rẻ và triển khai nhanh chóng. So với thanh toán bằng thẻ NH vốn cần đầu tư thiết bị, cấu hình kỹ thuật và được các tổ chức tài chính kiểm định, thì thanh toán bằng QR code không cần máy móc chuyên biệt.
"Vì đầu tư rẻ, triển khai nhanh nên QR code đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí nhất định. Chúng ta có thể thấy rõ nhất sự thành công của hình thức thanh toán này ở Trung Quốc, nơi QR code dần thay thế hầu hết các phương thức truyền thống. Tại Việt Nam, QR code cũng đang đóng vai trò quan trọng giúp chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn so với trước".
Điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của các siêu ứng dụng
Số liệu từ Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, đến cuối năm 2021, Việt Nam có 91,3 triệu thuê bao điện thoại thông minh. Tính đến tháng 3/2022, đã có thêm hơn 2 triệu thuê bao sử dụng smartphone, nâng tổng số thuê bao dùng điện thoại thông minh tại Việt Nam lên con số 93,5 triệu. Trong đó, tỷ lệ người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh ước tính khoảng 72,46 triệu, tương đương 73,5% và dự báo đạt 82,17 triệu thuê bao smartphone vào năm 2025.
Về số lượng đăng ký 5G, nhà sản xuất thiết bị mạng Cisco dự báo số lượng thuê bao của Việt Nam có thể đạt 6,3 triệu vào năm 2025 nhờ giá thành rẻ, dễ tiếp cận với nhiều gói cước đa dạng, linh hoạt về giá, cùng với đó là chất lượng Internet ngày càng được cải thiện và việc tự sản xuất được các thiết bị 5G. Điều này sẽ đưa Việt Nam trở thành top những quốc gia có Internet di động được phủ sóng rộng rãi, giá thành Internet rẻ nhất trên toàn cầu và đứng thứ 2 Đông Nam Á về tốc độ Internet di động trong năm 2025.
Đây là các điều kiện thuận lợi, góp phần làm bùng nổ của các "siêu ứng dụng" trong đó nổi bật nhất là các ứng dụng thương mại điện tử. Theo báo cáo của Cốc Cốc, cuộc chiến mua sắm trực tuyến không chỉ còn là "cuộc chơi" của các sàn thương mại điện tử mà còn có sự góp mặt của các mạng xã hội.
Theo báo cáo của Côc Cốc, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và sự hồi phục của du lịch sau đại dịch, là xu hướng được thể hiện rõ nhất qua các nhu cầu cơ bản: Ăn và ở. Cụ thể, người dùng mạnh tay chi tiêu cho các loại hình lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp trong mùa du lịch. Lượng tìm kiếm về các từ khóa "villa," "resort," "khách sạn 5 sao" đều tăng so với quý trước với mức tăng trưởng lần lượt là 53%, 35% và 21%.
Thế Vinh