Tháng 8/2019, Thành phố Đà Nẵng được Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) trao tặng giải thưởng ASOCIO Smart City 2019. Ngoài giải thưởng quốc tế mới nhận được này, Đà Nẵng cũng đã đạt những giải thưởng quốc tế khác như giải thưởng chương trình “Thách thức thành phố thông minh” của IBM năm 2012; giải Xuất sắc của WeGO năm 2014; giải Nhất ASEAN ICT Awards năm 2015…

{keywords}
Những năm qua, việc triển khai ứng dụng CNTT và xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh của Đà Nẵng được các cơ quan, tổ chức và cộng đồng CNTT đánh giá cao (Ảnh minh họa: Internet)

Việc triển khai ứng dụng CNTT và xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh của Đà Nẵng trong những năm qua cũng đã được các cơ quan, tổ chức và cộng đồng CNTT trong nước ghi nhận, đánh giá cao. Liên tiếp 11 năm từ năm 2009 đến năm 2019, Đà Nẵng luôn dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT Việt Nam (Vietnam ICT Index) khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong 2 năm 2018 và 2019 Bộ TT&TT thực hiện đánh giá, xếp hạng ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương, Đà Nẵng luôn có mặt trong Top 2 địa phương dẫn đầu cả nước.

Trong tham luận đóng góp cho hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ TT&TT, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh của địa phương mình.

Ông Hồ Kỳ Minh cho biết, năm 2014, với sự tư vấn, hỗ trợ của của Ngân hàng Thế giới, UBND TP. Đà Nẵng đã hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin chính quyền điện tử Thành phố, hệ thống được cập nhật, sử dụng thường xuyên cho đến nay. Cũng trong năm 2014, với sự tư vấn của IBM, Đà Nẵng bắt đầu thí điểm ứng dụng thông minh cho 5 lĩnh vực (giao thông, cấp nước, thoát nước, an toàn thực phẩm và thành phố kết nối); sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm và năm 2018 mới triển khai chính thức trên cơ sở Kiến trúc tổng thể xây dựng thành phố thông minh, Đề án xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Một số kinh nghiệm, cách triển khai xây dựng Chính quyền điện tử, thành phố thông minh đã được lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng đúc rút ra trong quá trình triển khai:

Kết hợp “tập trung” và “phân tán”

Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, về mô hình, hệ thống thông tin chính quyền điện tử Đà Nẵng triển khai theo mô hình “tập trung”; các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã tham gia sử dụng chung để tiết kiệm tài nguyên, nhân lực, thuận lợi tạo lập và chia sẻ sử dụng, đầu tư nhanh và chi phí thấp.

Trong khi đó, xây dựng và vận hành thành phố/đô thị thông minh tại Đà Nẵng thiết kế, triển khai theo mô hình “phân tán”; trong đó bước 1 (Tạo ra và thu thập dữ liệu), bước 5 (Ra quyết định và điều hành) trong Quy trình xử lý dữ liệu do các sở chuyên ngành và địa phương (quận, huyện) thực hiện để nhằm tạo chủ động cho các cơ quan, địa phương trực tiếp xử lý, điều hành. Còn các bước từ 2 đến 4 (Kết nối, truyền dẫn dữ liệu; Lưu trữ dữ liệu; Phân tích, xử lý dữ liệu) do cơ quan chuyên trách CNTT triển khai, hỗ trợ các cơ quan, địa phương sử dụng chung.

Hạ tầng CNTT phải đi trước một bước

Theo đại diện lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng, triển khai trước việc thiết lập hạ tầng CNTT, thành phố đã xây dựng Trung tâm dữ liệu với khả năng tính toán, bảo đảm dịch vụ dữ liệu lớn; Mạng kết nối các cơ quan thành phố và mạng Wi-Fi, mạng vô tuyến công cộng rộng khắp, Trung tâm Thông tin dịch vụ…. để sẵn sàng triển khai các ứng dụng một cách nhanh chóng.

Nhất quán chính sách triển khai

“Một Nền tảng- một Chính sách - đa Ứng dụng- đa Đối tác” là chính sách được Đà Nẵng tuân thủ trong quá trình triển khai xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh.

Trong đó, “Một nền tảng” - triển khai tất cả ứng dụng và cơ sở dữ liệu trên một nền tảng; bảo đảm được tương thích, liên thông, chia sẻ dữ liệu; kế thường được các phân hệ, thư viện dùng chung, giảm chi phí xây dựng và vận hành; đặc biệt người dùng chỉ đăng nhập một lần (SSO) để sử dụng nhiều ứng dụng. Đối với thành phố thông minh, nền tảng phải bảo đảm phân tích dữ liệu lớn, tạo ra giá trị, hỗ trợ ra quyết định; không phải thu thập thông tin chỉ để “xem” hoăc “giám sát” trên màn hình.

“Một chính sách” bao gồm bộ tài liệu Kiến trúc chính quyền điện tử, Kiến trúc xây dựng thành phố thông minh, quy chế an toàn thông tin, quy chế chia sẻ dữ liệu, quy chế vận hành cho từng ứng dụng/hệ thống.

“Đa ứng dụng” - bảo đảm cung cấp nhiều dịch vụ, tiện tích cho người dân, doanh nghiệp. Đa ứng dụng với một chính sách, trên một nền tảng bảo đảm tương thích, đồng bộ giữa các ứng dụng với nhau.

“Đa đối tác” - việc triển khai nhiều ứng dụng với một chính sách, trên một nền sẽ tạo môi trường, chính sách “mở” cho nhiều đối tác tham gia xây dựng thành phố thông minh, huy động được nguồn lực xã hội và nâng cao cạnh tranh, chất lượng.

Bốn nhân tố, cách làm quyết định sự thành công

Cũng theo ông Nguyễn Kỳ Minh, bốn nhân tố, cách triển khai quyết định sự thành công trong triển khai chính quyền điện tử, đô thị thông minh của Đà Nẵng gồm có: vai trò đầu tàu, trách nhiệm của “Lãnh đạo”; phải có “Nguồn lực” về tài chính, nhân lực và cả môi trường pháp lý đầy đủ; phải “Liên kết”, phối hợp giữa các cơ quan địa phương, hỗ trợ bộ ngành, hợp tác của doanh nghiệp và phải thực hiện “Liên tục” để đáp ứng yêu cầu của người dân và phát triển kinh tế- xã hội; không thể có triển khai vài năm rồi công bố hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử hoặc thành phố thông minh.

Thí điểm ở phạm vi hẹp trước khi đánh giá, nhân rộng

Vị đại diện lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng cũng cho rằng, cần chọn các dự án có ưu tiên cần thiết, có sức lan tỏa và triển khai thí điểm ở phạm vi hẹp, đánh giá và chính thức, nhân rộng. Cụ thể, với TP.Đà Nẵng, từ năm 2014 thành phố đã triển khai thí điểm ứng dụng thông minh cho 5 lĩnh vực gồm giao thông, cấp nước, thoát nước, an toàn thực phẩm và thành phố kết nối; sau khi đánh giá mới chính thức triển khai từ năm 2018.

Đại diện lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng cũng cho biết, Nghị quyết 07 ngày 16/4/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về phát triển hạ tầng CNTT-TT tiếp cận xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0; Kiến trúc tổng thể xây dựng thành phố thông minh, Đề án xây dựng thành phố thông minh của UBND TP.Đà Nẵng đã đặt ra mục tiêu với từng mốc thời gian cụ thể: đến năm 2020 “Sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh”, đến năm 2025 là “Thông minh hóa các ứng dụng” để thực hiện tập trung, đánh giá và đo lường được.

Vân Anh