Dưới đây là 5 cuốn sách về trí tuệ nhân tạo đáng đọc mà bạn có thể tham khảo:
Remaking the world - Toward an Age of Global Enlightenment, nhóm tác giả thuộc Diễn đàn Toàn cầu Boston (BGF) và Liên hợp quốc 100 năm (UN100)
Cuốn sách là tập hợp những bài viết của những nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng, nhà khoa học lớn cho Sáng kiến Liên hợp quốc 100 năm, hay những diễn văn của họ khi tham gia các sự kiện do Diễn đàn Toàn cầu Boston tổ chức. Cuốn sách phác thảo một mô hình chính trị, kinh tế, xã hội mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số, blockchain để tạo dựng một xã hội “của dân, do dân, vì dân”, và “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”. Mọi công dân đều có quyền và có thể chủ động tạo ra các giá trị cho người khác, cho xã hội, cuốn sách cũng nêu những tư duy, giải pháp tổ chức nền kinh tế tài chính mới, những phương pháp luận mới cho trí tuệ nhân tạo.
The Alignment Problem (2020), tác giả Brian Christian
Mặc dù cuốn sách được xuất bản vào năm 2020, hoặc có thể nói là từ thời tiền sử nếu xét về lĩnh vực phát triển công nghệ AI, nhưng đây vẫn là một cuốn sách có cái nhìn khách quan hơn nhiều phỏng đoán ngày nay dựa trên những báo cáo được nghiên cứu kĩ lưỡng bởi các kĩ sư khoa học máy tính, nhà tâm lý học nhận thức và các triết gia.
Trong cuốn sách, tác giả Christan cho rằng vấn đề với AI không nằm ở chỗ nó sẽ kết thúc thế giới này như thế nào mà là cách chúng ta điều chính hành vi của chúng sao cho phù hợp với các giá trị của con người. “Cùng với sự phát triển của các hệ thống học máy thông minh, chúng ta sẽ thấy mình rơi vào vị trí của một triệu hồi sư. Chúng ta triệu hồi một thực thể mạnh mẽ và phục tùng chúng ta, đưa cho nó một bộ hướng dẫn, sau đó điên cuồng để ngăn chặn nó khi ta nhận ra có vẻ hướng dẫn của mình đã không đầy đủ và chính xác”, ông bổ sung thêm.
Tác giả cũng đưa ra khẳng định: Rắc rối không chỉ nằm ở máy móc mà còn ở con người. Để gắn kết máy móc với các giá trị của con người, chúng ta phải biết giá trị của con người là gì.
Artificial Intelligence (2019), tác giả Melanie Mitchell
Có thể ví von cuốn sách này như một chiếc Honda Civic trong lĩnh vực AI, nó cung cấp những thông tin có uy tín và mang tính bền vững. Tác giả của cuốn sách cũng là một chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học máy tính, chính vì vậy cô có thể xâu chuỗi lại các vấn đề với nhau và trình bày một cách mạch lạc; khiến cho cuốn sách trở nên vô cùng hữu ích.
Câu chuyện mà Mitchell kể có trình tự thời gian và chi tiết, bao gồm những đột phá về trí tuệ của nhóm Đại học Dartmouth đã đặt ra thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo” vào giữa những năm 1950 như thế nào cũng như sự ra đời của ngôn ngữ xử lý tự nhiên vào những năm 2010. Cô trả lời các câu hỏi thiết yếu về trí tuệ nhân tạo một cách đơn giản và tinh tế.
The Algorithm, tác giả Hilke Schellmann (2024)
Đây là một cuốn sách với tiêu đề có chút “đặc biệt” khi nội dung của nó là về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo của bộ phận nhân sự. Điều làm cho cuốn sách này trở nên gần gũi ở chỗ tác giả đã đề cập đến AI dưới góc nhìn là công cụ để con người sử dụng.
Nguồn nhân lực là bước đệm tuyệt vời để giải quyết các vấn đề của trí tuệ nhân tạo, bởi vì nó liên quan đến rất nhiều hoạt động khác nhau: tuyển dụng, đánh giá, giám sát và giữ chân nhân viên. Những lợi ích dựa trên lý thuyết về AI đã trở nên rõ ràng như: tăng năng suất và giảm sự thiên vị. Nhưng những khả năng về lợi dụng công nghệ cũng tương ứng xuất hiện. Tác giả Hilke đã mô tả một cách chân thực và chi tiết nhất ở cả hai góc độ trên.
Sau nhiều nghiên cứu và hy vọng đặt vào trí tuệ nhân tạo và giải pháp nó đem lại trong vấn đề nhân sự, tác giả nhận thấy rằng không phải ứng dụng nào cũng có ích, thậm chí nó còn làm cục diện trở nên rối rắm thêm.
Progressive Capitalism, tác giả Ro Khanna (2022)
“Chủ nghĩa tư bản tiến bộ” là một cuốn sách được viết bởi một chính trị gia, nó chứa đựng đầy đủ những góc nhìn, bối cảnh tiêu chuẩn của một chính trị gia. Nhưng nếu bạn bỏ qua những “phần đi kèm” đó, bạn sẽ thấy Khana đã đưa ra được những giải pháp hiệu quả nhất về cách ứng phó với những biến động kinh tế và xã hội không thể tránh khỏi trong quá trình chuyển sang công nghệ mới.
Khanna đề xuất xây dựng các “trung tâm công nghệ” để gây dựng những ảnh hưởng tích cực - bằng cách hỗ trợ nghiên cứu và đào tạo nghề nghiệp - trong khi vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông đặc biệt quan tâm đến việc ngăn chặn phân biệt đối xử của thuật toán, yếu tố nguy hiểm nhất dẫn đến rối loạn xã hội.
Thế Định