PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), cho biết giới trẻ Việt Nam đã có những nhận thức tốt hơn về tác hại của thuốc lá và thay đổi hành vi, tích cực tham gia hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.

"Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022", ông Khuê cho biết.

Tuy vậy, những năm gần đây, xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 ở cả nam và nữ tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%). Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24. 

Trong khi đó, điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh độ tuổi 13-15 là 3,5%.

Một học sinh phả khói thuốc lá điện tử vào bạn cùng bàn. 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, các sản phẩm như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hay shisa hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng Internet.

"Các sản phẩm này được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh", lãnh đạo Bộ Y tế cho biết. 

Theo các chuyên gia, sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có thể gây tổn thương phổi, tim và não, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Giống như hút thuốc lá thường, thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử cũng tỏa ra các hóa chất độc hại như nitrosamines và hydrocacbon có trong khói xe ô tô và thuốc trừ sâu gây ung thư. Sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng nhanh chóng gây nghiện nicotine và khó cai nghiện.  

Bạch Yến, Võ Thu, Vũ Lụa, Giao Linh, Thu Thủy