Tháng 12/2022, trong khí thế hào hùng hướng tới kỷ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tư lệnh về chính trị Quân chủng phòng không – Không quân chọn rộn với các hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.

Gặp lại đồng chí, đồng đội, vị tướng 86 tuổi tay bắt mặt mừng, ông vẫn minh mẫn như ngày nào, kể tường tận những ngày tháng chiến đấu oanh liệt tại thủ đô cách đây 50 năm. Ông Nguyễn Văn Phiệt từng là Tiểu đoàn trưởng Tên lửa 77, Sư đoàn phòng không 361, một trong những đơn vị trấn giữ thủ đô.

50 năm, với rất nhiều thay đổi, nhưng những ký ức về cuộc chiến đấu trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người dân thủ đô, trong đó có Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt.

Máy bay B-52 - một trong bộ ba vũ khí chiến lược

Để cứu vãn sự thất bại của chính quyền tay sai, đế quốc Mỹ điên cuồng mở cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc. Mỹ dùng B-52, loại máy bay chiến lược “siêu pháo đài bay”, “pháo đài bay thượng đẳng”, là thần tượng của không lực Mỹ, là thứ vũ khí linh hoạt nhất trong bộ ba vũ khí chiến lược (tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược B-52).

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt

Cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội".

Ngày 5/4/1972, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho các Quân khu, Quân chủng Phòng không - Không quân sẵn sàng đối phó với khả năng Mỹ cho không quân, kể cả không quân chiến lược đánh phá trở lại miền Bắc.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt kể, dù luôn trong tâm thế sẵn sàng đối phó máy bay B-52, nhưng từ tháng 4 đến 6/1972, lực lượng phòng không vẫn chưa bắn rơi được chiếc nào tại chỗ bởi đội hình bay B52 liên tục thay đổi và trang bị máy phá nhiễu để đối phó với hệ thống radar của Việt Nam. "Ức lắm, sốt ruột lắm nên phải tìm cho bằng được cách đánh", ông chia sẻ.

Trên thực tế, cách đánh B-52 bắt đầu được nghiên cứu, bổ sung từ năm 1966-1967 bởi dự liệu sớm muộn gì Mỹ cũng đưa loại máy bay này ra đánh Hà Nội. Trải qua những trận giao chiến bảo vệ miền Bắc, bộ đội phòng không nhiều lần họp rút kinh nghiệm, liên tục sáng tạo cách đánh mới.

Nhân dân thủ đô theo dõi bản tin về chiến dịch. Ảnh tư liệu/TTXVN

Tháng 10/1972, tình hình chính trị, quân sự thế giới, trong nước có những diễn biến hết sức phức tạp. Mỹ ép ta về mặt quân sự trên chiến trường và tại Hội nghị Paris vì chúng còn con át chủ bài B-52 bất khả xâm phạm, luôn đe dọa đánh vào Hà Nội, đưa Hà Nội “về thời kỳ đồ đá”.

Cẩm nang cách đánh B-52

Quân chủng đã chỉ thị cho các đơn vị, các binh chủng tên lửa, không quân, rađa tổ chức rút kinh nghiệm bàn cách phát hiện, bắt, đánh B-52.

Cuối tháng 10/1972, hội nghị rút kinh nghiệm của bộ đội tên lửa được tổ chức tại Sư đoàn phòng không 361 do Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri chủ trì. Các thành phần được triệu tập gồm kíp trắc thủ, sĩ quan điều khiển, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng tên lửa, các trợ lý chủ chốt quân chủng, sư đoàn, trung đoàn. Hội nghị tập trung bàn cách đánh máy bay B-52.

Trong hội nghị, các kíp chiến đấu thảo luận, tranh luận theo đề dẫn của cơ quan tham mưu quân chủng rất sôi nổi, tâm huyết, có quyết tâm cao. Họ mang cả những tâm tư, tình cảm, những vướng mắc từ lâu để cùng nhau chia sẻ, giải quyết.

Kết luận hội nghị, Tư lệnh Lê Văn Tri đã chỉ rõ: Máy bay B-52, máy bay chiến thuật đã thay đổi cách đánh, đội hình bay. Các phương tiện gây nhiễu ngày càng hiện đại, tiên tiến hơn.

Cuốn tài liệu về cách đánh B-52, năm 1972. Ảnh: QĐND

Tại hội nghị, các câu hỏi tại sao chỉ thấy tín hiệu B-52 khi chúng bay ngang hoặc bay vào ở cự ly nhất định? Cách vận dụng xạ kích trong trường hợp này? Phương pháp phân biệt các tốp B-52 thật với các tốp B-52 giả? Vấn đề chống tên lửa không đối đất shrike?... được hội nghị bàn luận sôi nổi, bổ sung vào cách đánh B-52.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt nhớ lại, khi đó Tư lệnh Lê Văn Tri đã làm thỏa mãn những mong đợi của kíp chiến đấu, đã khích lệ, động viên mọi người, kíp chiến đấu bình tĩnh, tự tin trong luyện tập cũng như trong chiến đấu, hãy chọn bám sát đúng dải nhiễu B-52 mà bắn, nhất định ta sẽ bắn rơi tại chỗ máy bay B-52. Cuốn cẩm nang 29 trang in rônêô cũng ra đời từ đây.

Cuốn cẩm nang có 12 nội dung lớn, đóng bằng bìa màu đỏ nên thường được gọi là cẩm nang bìa đỏ "Cách đánh B-52". Cuốn cẩm nang chính thức được sử dụng làm tài liệu để huấn luyện bộ đội Tên lửa về cách đánh B-52 trước khi bước vào cuộc chiến đấu với "siêu pháo đài bay" cuối tháng 12/1972.

Kỳ tích 10 phút bắn rơi 2 máy bay

Đúng như nhận định, ngày 18/12/1972, không quân Mỹ mở cuộc cuộc tập kích đường không chiến lược mang mật danh Linebacker II kéo dài 12 ngày đêm (18-29/12) vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc. Mục đích nhằm hủy diệt tiềm lực của ta, làm giảm khả năng chi viện cho cách mạng miền Nam, buộc ta phải chấp nhận các điều khoản sửa đổi có lợi cho Mỹ tại Hội nghị Paris.

Đêm 18 rạng sáng 19/12 Mỹ huy động 90 lần máy bay B-52 và 135 lần máy bay chiến thuật; đêm 19 rạng ngày 20/19, chúng huy động 87 lần máy bay B-52 và 165 lần chiếc máy bay chiến thuật.

Máy bay B-52 của Mỹ ném bom xuống các thành phố, làng quê miền Bắc Việt Nam. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Ông Phiệt nhớ lại, lúc đó, không quân Mỹ thi nhau cày xới miền Bắc, trọng tâm là Hà Nội, tạo nên mật độ đạn bom ác liệt chưa từng có. “Không khuất phục được ý chí của quân và dân ta, đêm 20 rạng ngày 21/12, chúng đánh đòn quyết định vào Hà Nội”, ông kể.

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt chia sẻ, đó cũng là thời gian để lại kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đối đầu với B-52.

4h46 ngày 21/12/1972, B-52 Mỹ bay vào Hà Nội đánh phá. Tiểu đoàn ông Phiệt được lệnh vào cấp 1 sớm để đón đánh địch. Trên tiêu đồ lúc này, các tốp B-52 liên tục xuất hiện, có tốp ở gần, có tốp ở xa.

Trong tình huống hết sức khẩn trương, Trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 57: “Bình tĩnh, dũng cảm chiến đấu, quyết tâm bắn trúng, bắn rơi tại chỗ B-52”.

Lúc 5h5, có 45 lần chiếc B-52 từ hướng Tây Bắc lao vào đánh phá Hà Nội, quân ta phát hiện các tốp số 518, 532, 533... Trung đoàn giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 57 tiêu diệt tốp số 518.

Khi mục tiêu vào khu vực phóng, ông Phiệt khi đó ra lệnh phóng đạn, nhưng đạn hỏng, không phóng đi. Ông liền ra lệnh phóng tiếp quả thứ 2, đạn nổ ở cự ly 25km. Trên màn hiện sóng cường độ nhiễu giảm nhanh, mờ dần. Mục tiêu bị tiêu diệt lúc 5h9 ngày 21/12.

Chưa đầy 10 phút sau, lại có báo động xuất hiện B-52 ở cự ly 45 km. Máy bay vào tầm sát thương thì đạn nổ. Chiếc máy bay thứ hai này rơi tại khu vực chợ Thá, gần Núi Đôi lúc 5h19.

Như vậy, chỉ sau 10 phút với 2 quả đạn, Tiểu đoàn 57 đã bắn rơi 2 máy bay B52, góp phần vào thành tích bắn rơi 7 máy bay B-52 của bộ đội ta trong đêm 20 rạng ngày 21/12.

Trong chiến dịch, bộ đội tên lửa đánh 192 trận, tiêu diệt 36 máy bay các loại, trong đó có 29 máy bay B-52. Riêng bộ đội tên lửa bảo vệ Hà Nội đánh 137 trận, tiêu diệt 25 máy bay B-52, có 16 chiếc rơi tại chỗ.

Chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội - Hải Phòng 1972 là chiến dịch đầu tiên trên thế giới bắn rơi nhiều máy bay B-52. Chiến thắng mang ý nghĩa chiến lược, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thể hiện sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam và được nhân dân tiến bộ trên thế giới cổ vũ, khâm phục.