Trước đó, hôm 25/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đã ra quyết định về việc hủy niêm yết gần 568 triệu cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros từ ngày 5/9 do công ty này vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các cơ quan chức năng nhận thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa ra thông tin chưa xem xét cho cổ phiếu ROS chưa được giao dịch trên UPCoM trong bối cảnh trên thị trường xuất hiện thông tin ROS sẽ được đăng ký giao dịch trên UPCoM sau khi bị hủy niêm yết trên HoSE.

Nhiều nhà đầu tư hy vọng sẽ “thoát hàng” khi ROS giao dịch trên UPCoM.

Hôm 30/8, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có thông báo về việc thực hiện chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký cổ phiếu ROS của FLC Faros từ sàn HoSE sang UPCoM. Đây là lý do khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng ROS sẽ được giao dịch trên UPCoM với biên độ dao động 15%/phiên.

HNX cũng cho biết, việc VSD chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký cổ phiếu ROS từ sàn HoSE sang UPCoM chỉ là xử lý kỹ thuật trên hệ thống đối với cổ phiếu bị hủy niêm yết.

Theo quy định, công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc hoặc hủy bỏ tự nguyện nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM.

Ông Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch ROS (Ảnh: Hoàng Hà)

Nhưng trong trường hợp FLC Faros, đại diện HNX cho biết theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, việc nâng khống vốn điều lệ của công ty từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng thuộc hành vi bị cấm theo quy định và đang trong quá trình điều tra. 

Do vậy, HNX chưa có cơ sở để xác định số vốn điều lệ của công ty này là hợp lệ cũng như tính đại chúng của FLC Faros cùng số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch.

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2014 đến năm 2016, Trịnh Văn Quyết cùng hai em gái Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga và bà Hương Trần Kiều Dung (cựu phó chủ tịch Tập đoàn FLC và nguyên chủ tịch Chứng khoán BOS) đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của CTCP Xây dựng Faros (ROS).

Sau khi 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, nhóm này đã bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Cụ thể, tính đến ngày 24/02/2021, Trịnh Văn Quyết (nguyên chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do Quyết nhờ dựng tên), thu được tổng cộng hơn 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Trước đó, ngày 29/3, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán. Cơ quan điều tra cũng đã khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Trịnh Văn Quyết để phục vụ điều tra. Hai em gái ông Quyết cũng đã bị bắt tạm giam để điều tra về cùng tội danh.

Tính tới hết ngày 12/8 - khi ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros của cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị đình chỉ giao dịch - cổ phiếu này chốt ở mức 2.510 đồng/cp So với đỉnh cao gần 160.000 đồng/cp (giá điều chỉnh), ROS đã rớt vài chục lần.

Đến thời điểm này, ROS vẫn chưa công bố thông tin BCTC kiểm toán năm 2021, báo cáo thường niên 2021, BCTC quý I và quý II/2022. Đồng thời, ROS cũng chưa tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, chưa có đủ số lượng thành viên HĐQT tối thiểu, chưa có người đại diện theo pháp luật…

ROS được xem là một cổ phiếu "lạ thường" nhất sàn chứng khoán và là yếu tố giúp ông Trịnh Văn Quyết vào cuối 2017 trong tích tắc trở thành người giàu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) nếu tính tài sản dựa trên số lượng và giá các cổ phiếu mà ông Quyết nắm giữ khi đó.

Trong 4 năm xuất hiện trên sàn, cổ phiếu này đã khuynh đảo thị trường chứng khi lọt vào rổ VN-30 và sau đó ghi nhận chuỗi ngày tăng “bất tận”, qua đó giúp cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết có khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng, giàu nhất trên sàn chứng khoán vào cuối năm 2016 và đầu 2017.

ROS tiền thân CTCP Xây dựng và Đầu tư Hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, ROS có vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng và niêm yết 430 triệu cổ phiếu lên Sở GDCK TPHCM (HOSE) vào tháng 9/2016.

Trong quý trình ROS tăng giá, ông Trịnh Văn Quyết liên tục mua vào cổ phiếu này để gia tăng sở hữu. Trong khoảng gian thời cuối 2016, ông Trịnh Văn Quyết bất ngờ vượt ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup và trở thành người giàu  nhất trên sàn chứng khoán. Khi đó, khối tài sản của ông Quyết đạt khoảng hơn 34 nghìn tỷ đồng, chủ yếu nhờ vào gần 290 triệu cổ phiếu ROS (vốn tăng giá khó tin).

Sang 2017, cổ phiếu ROS tiếp tục tăng giá, giúp tài sản của ông Quyết có lúc lên trên 50 nghìn tỷ đồng và trở thành tỷ phú USD tiếp theo của Việt Nam, nhưng không được Tạp chí danh tiếng Forbes công nhận.

Tuy nhiên, cổ phiếu ROS sau đó lao dốc cũng ít ai ngờ tới. Cổ phiếu này bốc hơi khoảng 10 lần trong vòng 1 năm. Tới 2020, ROS về gần ngưỡng 2.000 đồng/cp (giá điều chỉnh). Nhưng tới đầu 2022, ROS lại leo lên trên ngưỡng 15.000 đồng/cp, trước khi về mức 2.500 đồng/cp trước khi bị hủy niêm yết. Cổ phiếu ROS tăng giảm ở mức khó tưởng tượng và không thể giải thích theo phân tích cơ bản hoạt động của doanh nghiệp.

Về tính thanh khoản, cổ phiếu này cũng ghi nhận những diễn biến lạ thường. Có những khoảng thời gian như gần cuối 2019, giao dịch ROS lên tới cả nghìn tỷ đồng nhưng có khoảng thời gian sau đó dòng tiền mất hút, thanh khoản nhỏ giọt.

ROS được biết đến là nhà thầu xây dựng cho phần lớn dự án nghỉ dưỡng, BĐS của tập đoàn FLC và doanh nghiệp này có những năm ghi nhận lợi nhuận rất cao. Dù vậy, doanh nghiệp này chưa năm nào trả cổ tức bằng tiền mặt.

M. Hà