Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 của Cục Tin học hóa. |
Ngày 26/12/2018, tại Hà Nội, Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019, với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.
Báo cáo với Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng về kết quả công tác của Cục trong năm 2018, đại diện Cục Tin học hóa cho biết, trong năm qua, Cục đã xây dựng dự thảo và tham mưu lãnh đạo Bộ TT&TT trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách nền tảng, thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử như: dự thảo Nghị định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT (thay Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và Quyết định 80/2014/QĐ-TTg quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước); dự thảo Nghị định về quản lý kết nối và chia sẻ dữ liệu số, và dự thảo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam 2.0. Đây là những văn bản quan trọng đã được Cục Tin học hóa tổ chức nhiều phiên họp với các bên liên quan để xây dựng dự thảo kỹ lưỡng song hiện vẫn chưa được ban hành/ đang được hoàn thiện.
Bên cạnh đó, Cục Tin học hóa đã tham mưu Lãnh đạo Bộ TT&TT ban hành nhiều văn bản điều hành quan trọng, đơn cử như: Ban hành Bộ tiêu chí, quy định thống nhất về chức năng, tính năng kỹ thuật trong xây dựng Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin điện tử một cửa; Hướng dẫn kỹ thuật định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối cổng dịch vụ công quốc gia với cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và các cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG), CSDL chuyên ngành (Phiên bản 1.0); Hướng dẫn xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2019…
Đối với công tác chỉ đạo điều hành và thực thi quản lý nhà nước, năm 2018, Cục Tin học hóa cũng đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, cụ thể là: hoàn thành đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước 2017; công bố phần mềm một cửa điện tử thống nhất; thẩm định, cho ý kiến về kiến trúc Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử đối với hầu hết các bộ, ban, ngành, địa phương, với số bộ, ngành đã xây dựng, xin ý kiến Bộ TT&TT là 16/22 cơ quan và 59/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng, xin ý kiến Bộ TT&TT; thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy ứng dụng CNTT, gắn với cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến, gửi nhận văn bản điện tử (Hưng Yên, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau, Phú Yên, Hà Giang, Nam Định, Bộ VHTT&DL, Bộ Y tế)…
Trong năm 2018, Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT đã thẩm định, cho ý kiến về kiến trúc Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử của hầu hết các bộ, ban, ngành, địa phương (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Bên cạnh việc tham mưu Lãnh đạo Bộ TT&TT có công văn đôn đốc các cơ quan chủ quản CSDLQG thực hiện và báo cáo tình hình triển khai các CSDL này, trong năm 2018, Cục Tin học hóa đã triển khai Quy chuẩn quốc gia QCVN 109:2017/BTTTT về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với CSDLQG về dân cư: Cục đã đưa vào thử nghiệm trang thông tin chuyên đề và công cụ thử nghiệm hướng dẫn áp dụng Quy chuẩn tại địa chỉ http://qcvn109.gov.vn; chủ động tham mưu Lãnh đạo Bộ TT&TT có văn bản đề nghị Bộ Công an ra soát tình hình áp dụng Quy chuẩn để trường hợp có vướng mắc gửi Bộ TT&TT phối hợp, hỗ trợ nếu cần; đồng thời khuyến nghị cân nhắc áp dụng Quy chuẩn QCVN 109:2017/BTTTT để chuẩn hóa kết quả thu thập dữ liệu tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai xây dựng dữ liệu CSDLQG về dân cư.
Đặc biệt, Cục Tin học hóa đã triển khai kết nối các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Theo đó, Cục đã chủ trì soạn thảo công văn 1631/BTTTT-THH ngày 25/5/2018 của Bộ TT&TT gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị các đơn vị thúc đẩy công tác ứng dụng CNTT phục vụ việc liên thông, kết nối giữa các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương. Cùng với đó, Cục đã tổ chức triển khai kết nối một số hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương.
Ngoài ra, Cục đã xây dựng dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia; tham gia xây dựng dự thảo Biên bản ghi nhớ hợp tác và Quy chế phối hợp về Chính phủ điện tử giữa Bộ TT&TT với Văn phòng Chính phủ; chương trình hợp tác phát triển TT&TT giai đoạn 2019-2020 giữa Bộ TT&TT và UBND TP.HCM; biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ TT&TT và UBND tỉnh Quảng Bình, UBND tỉnh Cao Bằng về xây dựng Chính phủ điện tử; chương trình phối hợp giữa Bộ TT&TT với Bộ GD&ĐT về tuyên truyền và ứn dụng CNTT giai đoạn 2018-2022. Cục cũng đã góp ý Đề án xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Đà Lạt.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Cục Tin hóa cũng chia sẻvề những khó khăn của đơn vị trong năm 2018: “Năm qua, Cục đã thực hiện nhiều nhiệm vụ có tính phức tạp cao, nhu cầu phối hợp 2 chiều với các Sở, ban, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử ngày càng nhiều trong khi nguồn nhân lực hạn chế. Nhiều công việc đột biến, đòi hỏi thời hạn rất ngắn. Cường độ làm việc năm 2018 gấp 2 - 3 lần so với năm 2017”.
Trong phát biểu chỉ đạo hội nghị triển khai công tác năm 2019 của Cục Tin học hóa, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác Cục Tin học hóa đã thực hiện trong năm 2018, đồng thời chia sẻ những khó khăn Cục đang phải đối mặt.
Thứ trưởng chỉ đạo, để giải quyết khó khăn, thách thức về khối lượng công việc phải thực hiện nhiều trong khi nguồn nhân lực giới hạn, Cục Tin học hóa phải thể hiện được 4 nội dung cho công tác năm 2019, đó là: Bao quát; Chủ động; Kết nối và Tiên tiến. “Là đơn vị “anh cả”, “xương sống" trong các đơn vị khối CNTT của Bộ TT&TT, Cục Tin học hóa cần lưu ý 4 nội dung này để thay đổi, đáp ứng với tình hình công tác mới. Các đơn vị khác trong khối CNTT của Bộ TT&TT cũng cần lưu ý 4 nội dung này bởi trong bối cảnh hiện nay không có sự thay đổi chắc chắn sẽ tụt hậu”, Thứ trưởng yêu cầu.
Theo Thứ trưởng, Cục Tin học hóa hiện nay đang được giao đảm trách việc triển khai trực tiếp nhiều nhiệm vụ quan trọng của Bộ như triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh; xây dựng các văn bản quản lý nhà nước liên quan với những vấn đề rất mới như dữ liệu mở, triển khai khung kiến trúc Chính phủ điện tử; đề án chuyển đổi số quốc gia…, bên cạnh những nội dung công việc hàng ngày. Vì thế, Thứ trưởng yêu cầu Cục Tin học hóa cần phải có cách nhìn, cách làm khác.
“Cục Tin học hóa cũng cần huy động nguồn nhân lực chuyên gia bên ngoài Cục, phải dùng các công cụ trực tuyến để làm được nhiều việc, tiết kiệm thời gian, hỗ trợ tốt các đơn vị CNTT trong Bộ và bên ngoài. Ngoài ra, Cục phải cải thiện vai trò, vị trí trong cộng đồng CNTT. Riêng với việc xây dựng dự thảo Đề án Chuyển đổi số quốc gia, Cục nên nghiên cứu theo hướng giao nhiệm vụ của Chính phủ cho các bộ, ngành thực hiện những nội dung công việc cụ thể”, Thứ trưởng đề nghị.