Bác sĩ đi buồng với một chiếc máy tính bảng

Ngày 12/12, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức buổi "Trao đổi học tập kinh nghiệm trong công tác chuyển đổi số và xây dựng bệnh án điện tử của Bệnh viện Chợ Rẫy và Trung tâm Cấp cứu A9".

Tại cuộc trao đổi khoa học này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong năm 2024, bệnh viện đã triển khai nhiều đề án hiệu quả đặc biệt trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác khám và điều trị.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bệnh viện Bạch Mai đã lựa chọn phần mềm mã nguồn mở miễn phí để dùng trong các cơ sở y tế, qua đó không phải đấu thầu mà chỉ mất chi phí cài đặt. Sau 2 tuần chính thức triển khai, bệnh viện đã hoàn toàn không còn phải dùng bệnh án giấy, chuyển toàn bộ hồ sơ bệnh nhân sang bệnh án điện tử.

tri tue nhan tao (1).png
Bệnh án được đưa lên hệ thống dữ liệu bệnh viện và bác sĩ kiểm tra thông tin bệnh nhân trên máy tính bảng. 

Theo Tiến sĩ Vũ Văn Giáp, các bác sĩ đi buồng chỉ cần một chiếc máy tính bảng chứa tất cả dữ liệu, từ kết quả khám, chụp, cho tới thông tin bệnh án của người bệnh, thuốc sử dụng… Đặc biệt, chữ ký số đã được áp dụng trên toàn hệ thống góp phần thuận tiện trong công tác lập hồ sơ bệnh nhân, giải phóng các thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong quá trình thăm khám, chữa bệnh.

"Trong những ngày đầu thực hiện bệnh án điện tử, chúng tôi phải “vươn lên từ đáy" về trình độ công nghệ trong lộ trình chuyển đổi số. Tức là bác sĩ phải học cách thiết lập bệnh án điện tử trên nền tảng dữ liệu sơ sài, phần mềm hoàn toàn mới, con người vừa đào tạo vừa bổ sung và cập nhật công nghệ. Tuy nhiên, nhận thấy chuyển đổi số là tiến trình không thể đảo ngược nên Bệnh viện Bạch Mai đã quyết tâm thực hiện và bắt tay vào làm từ con số 0 để rồi bước đầu thu được trái ngọt", Tiến sĩ Vũ Văn Giáp nói.

AI phát hiện ung thư sớm 

Đáng chú ý, không chỉ thực hiện chuyển đổi số ở tất cả các quy trình nghiệp vụ, việc ứng dụng AI vào công tác thăm khám và điều trị cũng là một điểm sáng tại bệnh viện hàng đầu Trung ương này. Theo Tiến sĩ Vũ Văn Giáp, nhiều dấu hiệu bệnh lý nếu thăm khám thông thường thì sẽ khó phát hiện được các dấu hiệu của bệnh.

Ví dụ, nam bệnh nhân 49 tuổi đến Bệnh viện Bạch Mai khám tổng thể mới đây cho thấy, với bệnh nền tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đã đặt 3 stent. Người bệnh không có dấu hiệu gì, chỉ là đi khám tổng quát, ngay khi chụp X quang cũng chỉ phát hiện có đám mờ ở phổi. Dù được làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng khác như nội soi phế quản, cuống họng... cũng chưa có gì đáng chú ý.

Tuy nhiên, trong khám và điều trị thì mọi dấu hiệu dù là nhỏ nhất đều được tính đến. Do vậy, khi đưa các chỉ số của bệnh nhân vào phần mềm và AI hỗ trợ phân tích cho thấy, bệnh nhân được xác định bị tổn thương ở thùy phổi phải và có nguy cơ ung thư ác tính. 

tri tue nhan tao.png
AI gợi ý các nguy cơ và hỗ trợ nhân viên y tế chẩn đoán bệnh tốt hơn.

Từ gợi ý đó, bác sĩ đã quyết định cho bệnh nhân chụp CT lồng ngực. Kết quả đúng như phân tích, máy tự động đọc và nhận diện ra tổn thương với đám mờ phổi chính là triệu chứng thời kỳ đầu của ung thư phổi. Theo đó, nếu đúng quy trình bác sĩ sẽ cho người bệnh về nhà theo dõi 6 tháng và trong thời gian này nếu xuất hiện khối u (phát triển xâm lấn và có di căn) thì sẽ phẫu thuật và điều trị (dĩ nhiên lúc này K đã bước sang giai đoạn 1 hoặc 2 rồi).

Tuy nhiên, từ những dữ liệu có sẵn, Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện Bạch Mai quyết định cho bệnh nhân này được phẫu thuật cắt toàn bộ khối u phổi, làm mô bệnh học và bỏ qua khâu làm sinh thiết phổi (một sinh thiết xâm lấn có thể gây chảy máu, gây tràn khí...).

Từ việc đọc tiêu bản mô bệnh học dưới sự hỗ trợ của AI, kết quả đúng như những dự liệu ban đầu, người đàn ông này bị ung thư biểu mô tuyến. "Đây là một minh chứng cho thành công của AI trong hỗ trợ chẩn đoán sớm ung thư. Với chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư ở giai đoạn T1M0N0, nghĩa là giai đoạn sớm, phẫu thuật đã triệt căn hoàn toàn, không phải hóa chất, không phải xạ trị", Tiến sĩ Vũ Văn Giáp kết luận.