Với những lời quảng cáo có cánh như không cần thế chấp hay chứng minh thu nhập, chỉ cần "alô là có tiền" với lãi suất thấp, các đối tượng cho vay nặng lãi - tín dụng đen như “vòi bạch tuộc” len lỏi khắp nơi, đã khiến nhiều người, chủ yếu là người nghèo sập bẫy, trở thành con mồi để "hút máu".

Người vay vào "đường cùng" vì tín dụng đen

Tín dụng đen không chỉ xuất hiện ở riêng Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới và đều giống nhau ở chỗ, hình thức cho vay không chính thống, mức lãi suất cho vay rất cao và kèm theo các hành vi đòi nợ trái pháp luật.

Tại Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Công an, hoạt động tín dụng đen không còn lộng hành, công khai, nhưng các đường dây tín dụng đen vẫn lách luật hoạt động và gây ra nhiều vụ việc phức tạp.

Sau 1 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" cho thấy, từ 15/4/2019 đến 15/4/2020, Bộ Công an đã tiếp nhận tin báo, phát hiện 1.152 vụ, 2.423 đối tượng liên quan đến tín dụng đen; khởi tố 602 vụ, 1.427 bị can, xử phạt hành chính 382 vụ, 911 đối tượng; ra quyết định không khởi tố vụ án 137 vụ, 173 đối tượng, đang xác minh 143 vụ, 191 đối tượng.

{keywords}

Tín dụng đen như “vòi bạch tuộc” len lỏi khắp nơi, đã khiến nhiều người, chủ yếu là người nghèo sập bẫy, trở thành con mồi để "hút máu".

Riêng 9 tháng đầu năm 2020, Bộ Công An đã khởi tố 513 vụ, 815 bị can về các tội danh liên quan đến hoạt động tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê; trong đó đã khởi tố 243 vụ, 528 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự).

Trong 2019, trên cả nước đã phát hiện đến 1.772 vụ việc liên quan tín dụng đen, khởi tố 573 vụ, 1.336 bị can, thậm chí có nhiều đường dây liên quan đến người nước ngoài.

Mới đây nhất, Công an quận Long Biên (TP Hà Nội) vừa bắt giữ cặp vợ chồng cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 182,5 %/năm.

Hay như tại Quảng Bình, Công an tỉnh này vừa triệt phá 10 băng nhóm tín dụng đen cho vay lãi suất "cắt cổ" 365%/năm.

Cũng trong tháng 1 này, Cơ quan CSĐT, Công an thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam hai cha con ông Lê Thái Thiện để điều tra hành vi rửa tiền và cho vay lãi nặng. Theo công an thị xã Phú Mỹ, đơn vị đã nhiều lần nhận đơn tố giác tội phạm của công dân về việc hai cha con ông Thiện cho vay với lãi suất 9-12% mỗi tháng. Khi nạn nhân không có tiền trả nợ thì hai cha con ông Thiện ép họ phải bán các tài sản cho mình. Rõ ràng, những vụ việc liên quan đến tín dụng đen, số lượng các vụ án và bị can bị khởi tố về cho vay lãi nặng như vừa kể trên cho thấy, tín dụng đen đến nay vẫn còn rất nhức nhối và đáng báo động.

Chia sẻ tại một Hội nghị về triển khai các giải pháp đẩy lùi tín dụng đen, Trung tá Ngô Hồng Vương - Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự cho biết, hiện nay lãi suất trong tín dụng đen thường rất cao, có khi lên đến 300 – 700%/năm. Nếu cộng cả phí và lãi quy ra lãi suất có thể lên đến 1.400%/năm (gấp 700 lần so với quy định) hoặc cao hơn.

Đáng chú ý, hoạt động thu hồi nợ gắn với tín dụng đen thường có các hành vi như bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, gọi điện, nhắn tin đe dọa, chửi bới, đổ chất bẩn, chất thải, bom xăng, đổ bê tông trước cửa nhà, đặt vòng hoa tang, treo đầu động vật, phun sơn, máu tươi, kéo đông người đến nhà riêng, nơi làm việc để gây áp lực với người vay tiền và thân nhân của họ...  

Bằng những chiêu thức đòi nợ "tàn khốc" như vậy, tín dụng đen đã đẩy hàng loạt gia đình vào cảnh cùng quẫn. Thậm chí, có những trường hợp phải trả giá bằng cả tính mạng, hậu quả nặng nề cho xã hội.

Cái chết của giảng viên một trường cao đẳng tại tỉnh Kiên Giang vào ngày 10/5/2020 do vướng đến vay tiền qua app là một dẫn chứng.

Theo đó, chỉ vay có 5 triệu đồng qua app để chi tiêu, đến hạn 7 ngày không trả kịp, số tiền phạt và tiền lãi liên tục tăng. Sau đó, app cho vay đã giới thiệu các app khác để anh vay tiếp, trả nợ khoản vay trước. Cứ thế, mấy tháng sau, số tiền nợ tăng lên hơn 200 triệu đồng. Liên tục bị đe dọa, khủng bố tinh thần, lại bị đe dọa bôi nhọ và làm mất uy tín, khiến vị này phải tìm đến cái chết để được giải thoát.

Trước đó không lâu, một nữ công nhân 23 tuổi ở Biên Hòa (Đồng Nai) cũng tìm đến cái chết vì tín dụng đen. Điều tàn nhẫn là sau khi nữ công nhân này qua đời, mẹ của nạn nhân vẫn liên tục bị các app gọi điện "khủng bố", nói xấu, bôi nhọ danh dự để "ép" bà trả nợ.

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng – tín dụng đen "khóc ròng"

Không phải tự nhiên tín dụng đen lại được coi là vấn nạn nhức nhối trong xã hội, nền kinh tế. Bởi tín dụng đen hoành hành đã và đang để lại những hậu quả nặng nề cả về mặt kinh tế, chính trị, xã hội cho đất nước và người dân.

Nhìn nhận về vấn đề này, một Phó Tổng giám đốc của một ngân hàng thương mại thừa nhận, bản thân tín dụng đen không phải là nguyên nhân bắt đầu nhưng lại là nguyên nhân kéo theo sự nảy nở phát triển không kiểm soát của các tệ nạn xã hội.

Tín dụng đen làm cạn kiệt sức lực và tinh thần của người đi vay, giống như chiếc "vòi bạch tuộc" len lỏi khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, bám riết và đe dọa cuộc sống của những người dân trót vướng vào vòng xoáy của tín dụng đen.  

{keywords}
Phát triển cho vay tiêu dùng để hạn chế tín dụng đen

Đồng quan điểm, PGS -TS. Đinh Trọng Thịnh cũng phải thốt lên rằng, tín dụng đen là vấn đề không mới. Thời gian qua, dù cơ quan quản lý đã có nhiều giải pháp ngăn chặn nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng.

"Tình trạng tín dụng đen vẫn "nóng đi nóng lại" qua các năm. Điều này cho thấy, nhu cầu về khoản vay nhỏ, cấp bách của người dân vẫn rất lớn nhưng lại không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng do không đủ điều kiện", ông Thịnh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, để chống tín dụng đen, việc trấn áp là chưa đủ. "Giải quyết vấn đề kinh tế phải bằng giải pháp kinh tế. Tín dụng đen bùng phát chủ yếu là do nhu cầu vay cấp bách của người dân. Vì vậy, để giải quyết tín dụng đen, giải pháp gốc rễ là phải đáp ứng được nhu cầu vốn của người dân có thu nhập thấp, trung bình. Muốn làm được điều này, cần khuyến khích các kênh cho vay chính thức như ngân hàng, công ty tài chính… tham gia cho vay tiêu dùng", ông Kiên nói.

Thời gian qua, rất nhiều ngân hàng, công ty tài chính cũng đã tích cực cho vay cá nhân với mục đích tiêu dùng, tiêu biểu như Agribank, BIDV, TPBank, VPBank, Techcombank…

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Ngân hàng Nhà nước không hạn chế các ngân hàng, công ty tài chính đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước còn khuyến khích các công ty tài chính, ngân hàng giảm lãi suất kích cầu cho vay. Bởi thúc đẩy tiêu dùng cũng chính là một trong những ưu tiên của Chính phủ.

(Theo Dân Việt)