Thông tin trên được công bố tại Tọa đàm giữa các doanh nghiệp xuất khẩu trong các ngành Dệt may, Nông sản và thực phẩm chế biến, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng các kênh phân phối, thu mua quốc tế, do Bộ Công Thương tổ chức chiều 11/8.

Cụ thể, chia sẻ tại diễn đàn, đại diện Amazon cho biết, 5 ngành hàng bán chạy nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trên nền tảng liên tiếp trong 2 năm qua là: Nhà bếp; Nhà cửa; May mặc; Sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và cá nhân; Tiện ích gia đình.

Đây cũng là các nhóm hàng Amazon kỳ vọng tìm kiếm thêm đối tác phát triển thông qua Chuỗi sự kiện Viet Nam International Sourcing 2023 sắp tới.

Cho đến nay, hàng nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam đã tham gia bán hàng, phát triển kinh doanh và thương hiệu thông qua Amazon.

Theo Amazon Global Selling tại Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu qua thương mại điện tử của Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD trong năm 2022, dự kiến sẽ tăng lên 13 tỷ USD vào năm 2027.

Sản phẩm may mặc là một trong những ngành hàng bán chạy trên Amazon. Ảnh: Hoàng Hà

Tại tọa đàm, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ, cho hay, xu hướng chung của các nhà nhập khẩu tại châu Âu, dù là thực phẩm chế biến, nông thủy sản hay hàng may mặc, da giày,... là ngày càng hướng đến các tiêu chuẩn của châu Âu, như các chương trình xanh hóa, sản phẩm thân thiện môi trường, giảm phát thải; tăng cường trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường...

“Điều này đã tác động tới xu hướng thu mua của các nhà nhập khẩu. Họ không còn đơn thuần đi mua hàng như trước, mà còn bắt đầu đồng hành với doanh nghiệp sản xuất để tạo một chuỗi, đáp ứng các tiêu chuẩn của EU, đảm bảo có một chuỗi sản xuất và cung ứng bền vững”, ông Quân nói.

Ông Shiotani Yuichiro, Tổng giám đốc Aeon TopValu Việt Nam, chia sẻ: Đặc trưng thị trường Nhật Bản những năm gần đây là nhận thức của người tiêu dùng về Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đang ngày càng được nâng cao. Các sản phẩm may mặc tái chế (recycle), tái sử dụng (re-use), sửa chữa lại (repair) đang rất sôi động và hiện đang tăng trưởng ở mức 135% so với thời điểm 10 năm trước.

Do vậy, Aeon đang rất chú trọng vào những sản phẩm may mặc có tính năng tích hợp, ví dụ như chống tia UV, chống thấm nước... Bên cạnh đó, Aeon cũng nắm bắt xu hướng đối với sản phẩm làm từ bông hữu cơ, polyester tái chế để áp dụng vào các sản phẩm của mình và mong muốn tìm kiếm nhiều hơn nữa các đối tác cùng tầm nhìn trên tại Việt Nam.

Theo Tổng giám đốc Aeon TopValu Việt Nam, một trong những điều kiện tiên quyết để ngành dệt may Việt Nam bắt kịp trình độ thế giới và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu đó là cải thiện năng lực sản xuất vải. Cho đến nay, đa số doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu vải, và chỉ thực hiện công đoạn gia công xuất khẩu (CMT). 

Đối với sản phẩm may mặc, chi phí vải có thể chiếm đến 70-80% giá trị thành phẩm, do vậy lợi thế cạnh tranh giữa các cơ sở gia công là giá nhân công. Tuy nhiên hiện nay, chi phí nhân công tại Việt Nam lại cao hơn các nước lân cận, trong khi năng suất lại không cao hơn.

Chính vì vậy, nếu phải nhập khẩu vải và thực hiện gia công đơn giản, khi chi phí phân phối tăng, doanh nghiệp trong nước sẽ gặp rất nhiều áp lực khi so sánh với các quốc gia cạnh tranh như Campuchia, Myanmar, Banglades, Ấn Độ.

"Để cải thiện năng lực cạnh tranh, điều cần thiết nhất trong thời gian tới là phải dần tự chủ ngành sản xuất vải", Tổng giám đốc Aeon TopValu Việt Nam gợi ý.