Cẩu thả, thiếu trách nhiệm
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhìn nhận sự việc xảy ra ở Trường ĐH Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội và Trường ĐH Tôn Đức Thắng chứng tỏ người trực tiếp thực hiện rất cẩu thả, còn người đứng đầu thì thiếu trách nhiệm.
Còn ông Nguyễn Văn Đáng, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, những sai sót này rất phản cảm, bởi xảy ra trong dịp cả nước hướng tới kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Dù xảy ra sai sót không phải chủ ý của các trường, nhưng theo ông Đáng, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên được giao phụ trách là rất lớn. Đó là sự thiếu cẩn trọng, kiểm tra và giám sát các sự kiện cũng như các kênh truyền thông liên quan đến cơ sở của mình, dẫn tới hậu quả là những sản phẩm truyền thông lệch chuẩn xuất hiện đầy phản cảm.
“Hậu quả và tác động của những vụ việc này tuy vô hình nhưng sẽ rất nghiêm trọng nếu tiếp tục xảy ra. Bởi vấn đề này tác động đến nhận thức chính trị của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ về quá khứ cũng như hiện tại.
Những bàn luận, suy diễn lệch lạc có thể khiến nhiều người nhận thức sai về lịch sử đất nước hay hình thành những quan điểm không phù hợp với quan điểm chính thống trong xã hội”- ông Đáng nói.
Ông Đáng cũng nhấn mạnh, sinh viên có tri thức nhất định nhưng chưa trưởng thành về trải nghiệm sống, bản lĩnh. Sinh viên là lực lượng trí thức trong tương lai, nên nếu nhận thức sai lệch về chính trị thì hệ lụy rất lớn sau này.
Ở góc độ của người từng làm truyền thông, ông Phùng Quán, Phó chủ tịch công đoàn, ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng việc thiết kế các áp phích, banner hiện nay thường vay mượn hình ảnh trên mạng, trong khi người thực hiện lại không hiểu nguồn gốc những hình ảnh này, thiếu các kiến thức về sở hữu trí tuệ, bản quyền nên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Cần xây dựng quy tắc ứng xử của giảng viên, sinh viên
Theo ông Phạm Thái Sơn, để xảy ra sự việc áp phích in cờ Trung Quốc, banner lấy hình lính Mỹ cho thấy cần báo động về việc giáo dục tư tưởng, lịch sử truyền thống dân tộc cho sinh viên, giảng viên. Việc này rất quan trọng nhưng lâu nay đang bị các trường đại học xem nhẹ và nếu có làm thì rất sơ sài.
“Trách nhiệm đầu tiên thuộc về thầy cô giáo. Muốn sinh viên hiểu được thì các thầy cô phải truyền được 'tính lửa' trong bài giảng của mình”.
Bên cạnh đó, theo ông Sơn, các ngày Thương binh liệt sĩ, ngày Quốc khánh 2/9, 30/4..., sinh viên cần được đi thực tế ở các căn cứ cách mạng.
Mặt khác, sự tham gia của báo chí, đặc biệt là truyền hình trong việc giáo dục tư tưởng, truyền thống dân tộc rất quan trọng. Chúng ta nên có những gameshow về truyền thống cách mạng để thu hút sinh viên tham gia.
Việc giáo dục tư tưởng, truyền thống dân tộc phải đi sâu hơn vào thực tế, phải thấy được thế hệ gen Z đang cần gì để có cách làm họ thẩm thấu và hiểu rõ các truyền thống dân tộc. Các trường đại học cũng nên đổi mới cách dạy những môn Triết học, Lịch sử... để thu hút sinh viên.
Ông Phùng Quán thì cho rằng, các trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị cho giảng viên, sinh viên, nâng cao tinh thần cảnh giác trước những hoạt động phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, suy thoái đạo đức.
Theo ông Nguyễn Văn Đáng, rất nhiều bài học cần được nghiêm túc rút ra. Trước hết, lãnh đạo nhà trường và giảng viên phải ý thức hơn về nguy cơ xảy ra khủng hoảng truyền thông trong các hoạt động từ giảng dạy, ngoại khóa, hay sự kiện kỷ niệm...
Nhà trường cũng cần xây dựng các quy tắc ứng xử của giảng viên, sinh viên, định kỳ phổ biến đến tất cả sinh viên trong trường. Trước mỗi sự kiện nào đó, cần phân tích kỹ tính chất, các yêu cầu đối với sự kiện để có thể đặt sự kiện trong tầm kiểm soát, tránh để xảy ra những tình huống bột phát, thậm chí vô ý thức
“Cần ý thức rằng chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số. Mọi lời nói, hành vi, hình ảnh… đều có thể được ghi lại và lan truyền rất nhanh chóng. Do đó, mỗi trường đại học cần có sự giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động cá nhân cũng như tập thể diễn ra trong không gian cơ sở, hoặc liên quan đến nhà trường”- ông Đáng nói.