Báo cáo Nghiên cứu khu vực về mức độ sẵn sàng của chính sách việc làm xanh trong ASEAN đã xây dựng một khung đo lường mức độ sẵn sàng về chính sách và áp dụng khung đo lường này để thực hiện đánh giá mười quốc gia thành viên của ASEAN .
Việc làm xanh là việc làm thỏa đáng trong các lĩnh vực kinh tế và các hoạt động góp phần bảo tồn và phục hồi môi trường trong cả các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp và sản xuất và những lĩnh vực xanh mới nổi như năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả.
ASEAN cũng nhau hiện thực hóa tăng trưởng việc làm xanh |
Theo Báo cáo chung ASEAN - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố hôm 9 tháng 7, mặc dù nhiều lĩnh vực đã đạt được tiến bộ đáng kể, khung chính sách về việc làm xanh trong khuôn khổ Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần tiếp tục tăng cường hơn nữa để tăng trưởng việc làm xanh có thể phát huy hết tiềm năng vốn có.
Báo cáo cũng cho thấy mức độ sẵn sàng cao về chính sách việc làm xanh ở các quốc gia ASEAN trong các lĩnh vực bao gồm sự phối hợp giữa công tác lập kế hoạch phát triển với xanh hóa, ghi nhận sự cần thiết phải xây dựng chiến lược cho từng lĩnh vực cụ thể và điều chỉnh các hoạt động đào tạo và phát triển kỹ năng.
Những lĩnh vực mà mức độ sẵn sàng chính sách còn thấp liên quan đến xanh hóa nền kinh tế bao gồm việc xây dựng các chính sách thị trường lao động chủ động, an sinh xã hội cũng như an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.
Tiến sĩ Cristina Martinez, chuyên gia cao cấp của ILO về Việc làm Xanh cho châu Á và Thái Bình Dương, cho biết: “Mặc dù còn nhiều việc nữa phải triển khai, ASEAN đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng hệ sinh thái chính sách hỗ trợ tăng trưởng việc làm xanh. Việc thiết kế và triển khai chính sách hỗn hợp phù hợp là điều mới mẻ đối với các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới. Thông qua báo cáo này ASEAN đã xác định những hành động then chốt cần thiết để đảm bảo thực hiện kết hợp chính sách hiệu quả.”
Chính sách hỗn hợp để thúc đẩy kỹ năng xanh và sự chuyển dịch công bằng có phạm vi rộng và điều chỉnh nhiều lĩnh vực cũng như cấp độ khác nhau. Cần thiết phải có các chính sách như vậy để đảm bảo có thể tạo ra nhiều nhất việc làm xanh đúng với tiềm năng và lực lượng lao động có tay nghề, sẵn sàng đảm nhận những công việc này. Các chính sách cũng phải đảm bảo người lao động làm việc trong những ngành công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi những nỗ lực xanh được hỗ trợ và tạo cơ hội phát triển kỹ năng và cơ hội được đào tạo để họ có thể chuyển dịch sang việc làm mới một cách hiệu quả.
Báo cáo đã thể hiện những việc quan trọng mà ASEAN đã triển khai và đưa ra một loạt những khuyến nghị cho các quốc gia thành viên nhằm nâng cao hơn nữa mức độ sẵn sàng về chính sách của họ.
Đó là xây dựng một định nghĩa chung và thực tế về việc làm xanh, cũng như tạo cơ hội đối thoại giữa các bên liên quan thông qua Diễn đàn Việc làm Xanh ASEAN để thảo luận, xác định và chia sẻ những thực hành tốt nhất về phát triển kỹ năng xanh.
Báo cáo đưa ra khuyến nghị cần xác định các nhân tố thúc đẩy và lôi kéo khi xây dựng các chiến lược cụ thể cho từng lĩnh vực cũng như xem xét các cơ chế tài chính, cơ chế khuyến khích lĩnh vực tư nhân và vấn đề an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Báo cáo cũng khuyến nghị tìm hiểu và đánh giá tác động liên quan đến an sinh xã hội khi đạt được công cuộc chuyển dịch công bằng.
Báo cáo đề cập đến những lĩnh vực nhằm thực hiện Tuyên bố ASEAN năm 2018 về thúc đẩy việc làm xanh hướng tới công bằng và tăng trưởng bao trùm của cộng đồng ASEAN . Tuyên bố này đã đánh dấu một bước tiến quan trọng của ASEAN trong việc thúc đẩy và ưu tiên việc làm xanh. Các quốc gia thành viên của ASEAN có thể được hưởng lợi từ quá trình chuyển dịch công bằng sang bền vững môi trường, đặc biệt là đối với những lĩnh vực và nghề nghiệp nhất định liên quan đến chuyển dịch năng lượng như điện gió, điện sóng và thủy triều; năng lượng tái tạo cho sản xuất, xây dựng và lắp đặt; mở rộng ngành công nghiệp môi trường, vận tải xanh và lĩnh vực xây dựng và công trình xanh.
ASEAN là một trong những khu vực phải gánh chịu tác động của thiên tai nhiều nhất trên thế giới và đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động khí hậu nghiêm trọng. Nhìn chung, châu Á được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tạo việc làm xanh mới. Theo ước tính của ILO, đến năm 2030 dự kiến sẽ có khoảng 14 triệu việc làm mới được tạo ra, bù đắp những tổn thất do cắt giảm các ngành công nghiệp phát thải các-bon tại Trung Đông và châu Phi cũng như trong khu vực châu Á.
Văn Giáp