Để bảo đảm an toàn thông tin tại địa phương, một trong những việc đã được tỉnh Vĩnh Phúc tập trung thực hiện là triển khai Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (Ảnh minh họa) |
UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ra quyết định 2795 phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc phiên bản 2.0.
Phiên bản mới này là sự bổ sung, cập nhật của Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc phiên bản 1.0, bảo đảm phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 và phù hợp với sự phát triển của Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.
Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc phiên bản 2.0 là cơ sở để đưa ra các quyết định đầu tư, triển khai chính quyền điện tử kịp thời, chính xác; nâng cao hiệu quả, chất lượng các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; bảo đảm tính kết nối liên thông, tránh trùng lặp, lãng phí; và là cơ sở cho việc triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh.
Việc triển khai Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc phiên bản 2.0 hướng tới xây dựng chính quyền điện tử thành công ở các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, hướng tới các hoạt động hành chính không giấy;
Đồng thời, bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đặt mục tiêu sẽ đưa tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có kết quả cao về chỉ số đánh giá xây dựng Chính quyền điện tử.
Phiên bản mới của Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc được áp dụng các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, gồm: UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các cơ quan liên quan để làm cơ sở triển khai chính quyền điện điện tử tỉnh.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng khuyến khích các cơ quan và tổ chức khác áp dụng kiến trúc này để triển khai ứng dụng CNTT của đơn vị mình nhằm bảo đảm tính kết nối, liên thông và đồng bộ với hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Các kiến trúc thành phần của Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc phiên bản 2.0 gồm: kiến trúc nghiệp vụ; kiến trúc dữ liệu; kiến trúc ứng dụng; kiến trúc kỹ thuật - công nghệ và kiến trúc an toàn thông tin.
Sơ đồ tổng thể Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc phiên bản 2.0 |
Cũng theo quyết định 2795, các thành phần trong sơ đồ tổng thể Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc phiên bản 2.0 là: người sử dụng, kênh giao tiếp, kỹ thuật – công nghệ, an toàn thông tin, chỉ đạo – chính sách.
Trong đó, người sử dụng gồm có 2 nhóm chính: Nhóm người dân, doanh nghiệp - những cá nhân, tổ chức sử dụng các dịch vụ do tỉnh cung cấp như đọc, tra cứu thông tin trên Cổng thông tin điện tử; tra cứu, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến do tỉnh cung cấp thông qua Cổng dịch vụ công; sử dụng các dịch vụ khác mà tỉnh cung cấp cho người dân, doanh nghiệp; Nhóm cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hệ thống của tỉnh để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và thực hiện các nghiệp vụ nội bộ của tỉnh, các công việc được giao khác.
Về kênh giao tiếp, theo Kiến trúc mới ban hành, để phục vụ người sử dụng, tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp các kênh giao tiếp qua môi trường Internet như Cổng thông tin - giao tiếp điện tử của tỉnh và các cổng thông tin điện tử thành phần, hệ thống xử lý nghiệp vụ, Cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin một cửa điện tử, thông qua các thiết bị như máy tính, thiết bị di động, Kiosk...
Ngoài môi trường Internet, còn có các kênh thoại, SMS hoặc trực tiếp tại Trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa.
Đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố đảm bảo an toàn thông tin, đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ, bảo đảm an toàn thông tin là thành phần xuyên suốt và thống nhất trong Kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh phiên bản 2.0.
Để bảo đảm an toàn thông tin tại địa phương, Vĩnh Phúc đã triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; triển khai Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng; đồng thời thực hiện các phương án bảo đảm an toàn thông tin.
M.T
Hòa Bình nâng cấp kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh lên phiên bản 2.0
Một điểm mới của Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Hòa Bình phiên bản 2.0 so với phiên bản 1.0 là cập nhật các xu thế công nghệ như Cloud Computing, AI, Big Data và hạ tầng mạng Truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước.