Buổi gặp mặt cán bộ hưu trí khu vực phía Bắc năm 2023 được Bộ TT&TT tổ chức ngày 17/8 vừa qua là lần đầu tiên có thành phần mở rộng, với sự tham dự của cán bộ hưu trí ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong các lĩnh vực của ngành. Tại buổi gặp mặt này, Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông đã có những chia sẻ xúc động về ngành. Nhân dịp kỷ niệm 78 Ngày truyền thống ngành TT&TT (28/8/1945 - 28/8/2023), Báo VietNamNet xin giới thiệu ý kiến của người cán bộ lão thành đã nhiều năm gắn bó với ngành.

Tuyến bài kỷ niệm 78 năm ngày thành lập ngành TT&TT:

Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính, Viễn thông Mai Liêm Trực đánh giá thời gian qua Bộ TT&TT đã làm được rất nhiều việc. 

Năm nay, Bộ TT&TT đã có sáng kiến mời tất cả cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong các lĩnh vực của ngành. Nhờ thế, tôi có dịp được gặp lại những người anh cũ, được gặp cả người cộng sự đã 30 năm mới có cơ hội gặp lại như anh Phạm Văn Đương - một cán bộ khoa học kỹ thuật hàng đầu của ngành trước đây. Phải nói rằng đây là dịp rất xúc động!

Bước vào hội trường của Bộ TT&TT, nhìn 10 chữ vàng truyền thống của ngành “Trung thành – Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo – Nghĩa tình”, tôi lại bồi hồi nhớ đến các đồng nghiệp của tôi. Ngồi đây, tôi cũng nhớ tới các bậc lão thành, tiền bối trước đây, những người đã tạo nên nền tảng phát triển cho ngành chúng ta.

Hiện nay, tôi vẫn còn tham gia một số việc được Bộ TT&TT giao với tư cách chuyên gia cũng như tham gia với xã hội về truyền thông chuyển đổi số, CNTT, Internet. Ở góc nhìn của mình, tôi rất ấn tượng với công việc của Bộ TT&TT, đặc biệt là việc gìn giữ truyền thống. Đứng về toàn cảnh, ở tầm vĩ mô, tôi nghĩ Bộ TT&TT thời gian vừa qua đã làm được rất nhiều việc.

Thời chiến tranh, Bưu điện là ngành đã hy sinh rất nhiều, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng. Sau chiến tranh, ngành Bưu điện đã có rất nhiều đổi mới, cố Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân đã là người dẫn dắt cho quá trình hiện đại hóa ngành Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Đó là giai đoạn thứ hai và là lần đổi mới đầu tiên của ngành.

Đến lần đổi mới lần thứ hai, hay nói cách khác là giai đoạn thứ ba của ngành, thời đại của chuyển đổi số, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà Bộ TT&TT là đơn vị tham mưu chủ yếu của Đảng, Nhà nước, tôi nghĩ rằng các đồng chí đã làm được rất nhiều việc.

Dấu ấn thứ nhất, tất cả các đồng chí lãnh đạo cao cấp giờ đều nói đến chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, coi đó là nền tảng chủ yếu nhất để đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường. Tất cả người dân không chỉ ở thành thị mà cả ở các làng xã, anh xe ôm hay chị bán rau cũng nói đến chuyển đổi số. Đó là nhận thức xã hội. Không dễ dàng để tạo ra một cuộc cách mạng mới được toàn dân, từ lãnh đạo các cấp đến người dân đều biết đến. Đó có công lao rất lớn của Bộ TT&TT, kể cả về mặt công nghệ cũng như truyền thông.

Là người trong cuộc, cũng là người gắn bó và vẫn theo dõi các hoạt động của Bộ TT&TT, việc tạo nhận thức trong toàn xã hội về công cuộc chuyển đổi số là không dễ dàng nhưng Bộ đã làm được.

Dấu ấn thứ hai của Bộ TT&TT tôi thấy rằng cũng rất rõ, đó là tính chất dẫn dắt cho các doanh nghiệp, địa phương trong triển khai chuyển đổi số. Tuy Bộ không có nguồn lực về tài chính, không có nguồn lực về đội ngũ tác nghiệp trực tiếp nhưng vẫn dẫn dắt được các doanh nghiệp, địa phương làm công cuộc chuyển đổi số. Việc này cũng không dễ dàng.

Tôi biết, nhiều buổi nói chuyện, nhiều hoạt động của Bộ TT&TT đã tạo cảm hứng cho các doanh nghiệp công nghệ, kể cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Qua một số buổi nói chuyện, qua các văn bản, chiến lược, quy hoạch của Bộ TT&TT trình Chính phủ, các doanh nghiệp, địa phương đã có hành lang pháp lý, có nhận thức. Đã có những kết quả rất cụ thể của các địa phương, như ở Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, nhiều nơi đang hình thành các khu công nghệ mới.

Dưới vai trò dẫn dắt, điều phối của Bộ TT&TT, công cuộc chuyển đổi số đã đạt được một số kết quả. 

Dấu ấn thứ ba của Bộ là đã làm rất tốt công tác cán bộ. Ở đâu nói chạy chức chạy quyền, ở Bộ TT&TT không có chuyện này. Phải là công việc, phải là năng lực, phải thực hiện có kết quả. Hay như việc luân chuyển cán bộ, Bộ TT&TT đã đưa hàng chục cán bộ của Bộ luân chuyển, biệt phái tới làm việc tại các cơ quan, địa phương. Trong nội bộ của Bộ TT&TT, cũng đã có nhiều sự thay đổi cán bộ giữa các đơn vị, thay đổi môi trường để thử thách cán bộ, và nhờ thế anh em trưởng thành rất nhiều.

Phải nói rằng, đội ngũ cán bộ của Bộ TT&TT hiện nay rất mạnh. Lãnh đạo Bộ TT&TT hiện rất mạnh. Đội ngũ lãnh đạo các Cục, Vụ tôi đã tiếp xúc, đều là những cán bộ rất tốt.

Bên cạnh ba kết quả rõ ràng trên, điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ là Bộ TT&TT rất chú ý đến truyền thống. Như vừa qua, Bộ TT&TT đã đứng ra xác minh để anh Trang Hồng Vinh được công nhận Liệt sĩ. Anh em trong Nam có gọi điện cho tôi, mọi người đều rất xúc động. Tôi đánh giá rất cao, và trân trọng các hoạt động của Bộ TT&TT về gìn giữ truyền thống của ngành.

Trần Thị Ngọc Minh, Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Thái Khang, Đinh Bạt Tuấn, Nguyễn Hoàng Hà