Từ mô hình một cửa hiện đại đến Công dân thông minh "Ba Đồn Smart”
Trong số 25 dịch vụ công thiết yếu, thì các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường trên địa bàn thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Trị) đã tổ chức triển khai thực hiện được 11 thủ tục hành chính (TTHC) theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Đến nay, tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các xã, phường được cài đặt và sử dụng phần mềm một cửa điện tử để quản lý hồ sơ một cửa, một cửa liên thông; hiển thị tình hình tiếp nhận, xử lý hồ sơ; phục vụ tra cứu TTHC và tình trạng giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân theo mô hình một cửa hiện đại…
Hiện 100% cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường trong thị xã đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành; 100% văn bản được ký số và thực hiện việc nhận, gửi văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.
Việc sử dụng phần mềm một cửa ở Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các xã, phường đã giảm thời gian giải quyết các TTHC. Thông tin về TTHC được cung cấp đầy đủ trên Trang thông tin điện tử thị xã và các xã, phường; qua đó công dân, tổ chức có thể khai thác thông tin và đăng ký trực tuyến các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, 3.
Một trong những sự kiện lớn đánh dấu bước chuyển mình trong việc thực hiện chuyển đổi số của thị xã đó là, đầu tháng 2/2023, thị xã Ba Đồn đã khai trương Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh giai đoạn 1. Dự án này đi vào hoạt động nhằm hiện thực hoá Nghị quyết số 165/NQ-HĐND về Đề án Phát triển chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh thị xã Ba Đồn có chức năng giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; chỉ tiêu báo cáo, thống kê; hiệu quả hoạt động chính quyền; quản lý quy hoạch và hạ tầng đô thị; an ninh trật tự cộng đồng; an toàn giao thông; tương tác, giao tiếp phục vụ công dân; chất lượng môi trường, lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch và giám sát thông tin báo chí, truyền thông…
Trong giai đoạn 1, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh thị xã Ba Đồn đã được triển khai gồm các thành phần, dịch vụ như: Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông; Trung tâm Giám sát, điều hành an ninh công cộng; Trung tâm Giám sát thông tin báo chí và truyền thông; Hệ thống wifi phục vụ du lịch; Ứng dụng công dân thông minh; Trung tâm giám sát An ninh mạng (SOC).
Theo Bí thư Thị ủy Ba Đồn Trương An Ninh, việc áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh thị xã Ba Đồn được kỳ vọng sẽ giúp lãnh đạo có cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các hoạt động của địa phương; là nơi phân tích dữ liệu lớn, đưa ra cảnh báo, hỗ trợ ra quyết định ở nhiều lĩnh vực khác bảo đảm nhanh chóng, chính xác, minh bạch và tăng tính tương tác ngược lại khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trên địa bàn biết về những sự cố, vấn đề phát sinh liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường… góp phần thúc đẩy chuyển đổi số cũng như xây dựng chính quyền số trên địa bàn.
Trong giai đoạn tiếp theo, Trung tâm điều hành đô thị thông minh thị xã Ba Đồn sẽ được mở rộng, nâng cấp và bổ sung thêm nhiều chức năng, dịch vụ để phục vụ người dân như: Quản lý quy hoạch và hạ tầng đô thị, quản lý chiếu sáng thông minh, du lịch thông minh, quản lý vệ sinh môi trường, bổ sung mở rộng hệ thống camera tầm cao, an ninh, giao thông… và tích hợp các công nghệ mới như nhận dạng đối tượng, AI, Bigdata…
Hiện tại, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh thị xã Ba Đồn (IOC) đã đưa vào thử nghiệm xử lý vi phạm giao thông, đến nay, đã có hơn 16.000 lượt tải ứng dụng Công dân thông minh "Ba Đồn Smart”; tiếp tục xử lý được nhiều phản ánh của người dân trên địa bàn; tổng hợp tin tiêu cực, tích cực liên quan đến thị xã Ba Đồn trên các báo đài, trang thông tin điện tử...
Ba trụ cột chính thực hiện chuyển đổi số
Bên cạnh việc cải cách TTHC, để thực hiện việc chuyển đổi số hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, thị xã Ba Đồn đã xác định 3 trụ cột chính để thực hiện đó là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, chính quyền số là trụ cột ưu tiên hàng đầu được thị xã khởi động từ nền tảng chính quyền điện tử.
Với quyết tâm thực hiện chuyển đổi số nhằm xây dựng chính quyền điện tử, ngay từ những ngày đầu, cấp ủy, chính quyền thị xã luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển chính quyền số nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động.
Theo đó, thị xã đã quan tâm đầu tư kinh phí để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị CNTT, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, tạo nền tảng xây dựng chính quyền số, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của tỉnh.
Thời gian qua, hạ tầng ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước ở thị xã tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Hiện nay, 100% các phòng, ban, UBND các xã, phường đã thiết lập mạng LAN và kết nối internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước đã sẵn sàng kết nối đến 16/16 xã, phường, hệ thống hội nghị truyền hình kết nối từ thị xã đến xã, phường hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh đó, để tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg, lực lượng Công an thị xã đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tập trung chỉ đạo tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của Đề án 06 để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hiểu rõ, ủng hộ, phối hợp thực hiện; triển khai thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”.
Về nhân lực, trong 9 tháng đầu năm 2023, Ba Đồn đã tạo điều kiện cho cán bộ, lãnh đạo, công chức cấp thị xã và cấp xã tham gia các lớp đào tạo trang bị kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số toàn diện; bồi dưỡng kỹ năng sử dụng phần mềm dùng chung; tập huấn 1 lớp về nghiệp vụ vận hành trung tâm điều hành thông minh IOC với 82 học viên.
Ngoài ra, các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường đã ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành có hiệu quả, cài đặt phần mềm giám sát, phát hiện tấn công có chủ đích và phòng chống mã độc tất cả máy tỉnh của công chức thị xã; rà soát danh mục thủ tục hành chính đề xuất tiếp nhận và giải quyết tại Bộ phận Một cửa thị xã.
Đặc biệt, thị xã đã hoàn thành việc cấp phát Chứng thư số. Theo đó, 100% cán bộ, công chức cấp thị xã, công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa cấp xã, cùng các phòng chuyên môn thị xã đã được cấp Chứng thư số; cung cấp 450 tài khoản thư công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức UBND thị xã và UBND cấp xã….
Nhờ triển khai thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nên thời gian qua, thị xã Ba Đồn đã tạo được môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí.
Việc xây dựng chính quyền điện tử đã giúp thị xã Ba Đồn nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước, hướng đến sự hài lòng trong công việc, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.