Theo bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai, để phòng ngừa nguy cơ dị vật lọt vào đường tai mũi họng của trẻ nhỏ, các gia đình cần chú ý:

- Không cho trẻ chơi các đồ chơi có kích thước nhỏ

Các loại đồ chơi có kích thước nhỏ rất nguy hiểm vì bé có thể vô tình nhét vào mũi mình hoặc nuốt. Đồ chơi lego, các loại hạt vòng, các loại đồ chơi có kích thước nhỏ đều không an toàn cho trẻ nhỏ.

Trẻ chỉ nên chơi các đồ chơi có hình khối, kích thước lớn như quả trứng trở lên. Các đồ chơi mà trẻ không thể gặm vỡ, hoặc đồ chơi không sắc nhọn gây nguy hiểm.

- Không cho trẻ tự bốc ăn các loại hạt

Người lớn nên để mắt tới trẻ nhỏ, không nên để bé tự cầm ăn các loại hạt như mắc ca, óc chó, đậu phộng, hạnh nhân… vì các loại hạt này rất cứng, dễ gây hóc nghẹn. Ngoài ra, các loại hạt có kích thước tròn, nhỏ như hạt bắp (ngô), hạt đậu Hà Lan cũng không an toàn để trẻ nhỏ dưới 3 tuổi cầm nắm. Bé có thể vô tình nhét vào lỗ mũi của mình dẫn đến nghẹt thở.

W-hoc-di-vat.png
Cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ tự bốc ăn các loại hạt. 

Ngoài các loại hạt, các loại thạch cũng không an toàn cho trẻ dưới 5 tuổi. Thạch rất trơn và được sản xuất ở kích thước nhét vừa miệng nên miếng thạch dễ lọt xuống họng trước khi trẻ kịp nhai nhỏ.

- Không để trẻ nhỏ tự ăn thịt chưa tách xương

Hóc xương nguy hiểm có thể gây chảy máu cổ họng và suy hô hấp nhanh ở trẻ nhỏ. Nhiều gia đình chủ quan hay cho trẻ nhỏ cầm nắm đùi gà vịt để bé tự gặm ăn. Tuy nhiên, cách ăn này dễ gây hóc xương do khi chặt gà vịt vụn xương còn dính lại trên thịt.

Cách xử trí khi trẻ hóc dị vật đường thở

Nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, nói được, la hét, không khó thở, cha mẹ nên đặt ở tư thế ngồi thở, giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện để khám và gắp dị vật ra.

Nếu trẻ xuất hiện tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu, cha mẹ nhanh chóng gọi cấp cứu, người hỗ trợ và tiến hành thủ thuật vỗ lưng, ấn ngực.

Đối với trẻ dưới 2 tuổi, thao tác vỗ lưng, ấn ngực được thực hiện như sau:

Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái. Dùng ngón trỏ và ngón giữa tay trái đẩy cằm trẻ lên cho cổ ưỡn tránh gập đường thở.

Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.

Sau đó, lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu trẻ còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái.

Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.

Văn Thường và nhóm PV, BTV