Trước khi quyết định để các con tự học tại nhà (homeschool), cả hai con của chị Phạm Hiếu Thi cũng theo học trường công như các bạn đồng trang lứa khác.

Tuy nhiên năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, trường học đóng cửa, học sinh phải chuyển sang học online. Con trai chị thời điểm ấy đã lao vào con đường nghiện game.

Không thể thỏa thuận với nhà trường về việc “gap year” một năm, để cứu con, chị buộc phải cho con nghỉ học. Đó cũng là thời điểm giữa chị và con trai xảy ra rất nhiều mâu thuẫn.

Hai con của chị Thi theo đuổi homeschool gần 5 năm qua. Ảnh: NVCC

Chồng vừa mất vì căn bệnh ung thư, con không chịu học trong suốt quãng thời gian ở cùng bà ngoại, chị Thi không thể nhớ nổi mình đã đánh con bao nhiêu lần vì bất lực.

“Khi bình tâm trở lại, tôi nghĩ có đánh con tới thế nào cũng không thể thay đổi được thực tế. Cách duy nhất mình có thể làm là phải đồng hành cùng con”.

Cuối năm 2021, chị quyết định đưa con đi tới các tỉnh Tây Nguyên, miền Tây suốt gần 6 tháng với suy nghĩ sẽ “bỏ phố về rừng”. Trong những chuyến đi ấy, chị nhận thấy việc nương tựa vào thiên nhiên đã giúp mình và con như được chữa lành những tổn thương.

Vì vậy, vừa tìm hiểu và cho hai con homeschool hoàn toàn theo chương trình Abeka, chị vừa định hướng cho các con tìm hiểu về nông nghiệp, thảo dược thiên nhiên và âm nhạc – những thứ chị cho rằng “quay về cội nguồn dân tộc và giúp con có thể sống một cuộc đời ý nghĩa”.

Con trai lớn Nguyễn Duy Thanh của chị Hiếu Thi. Ảnh: NVCC

Con trai lớn Nguyễn Duy Thanh hiện 15 tuổi, trong khi em gái Nguyễn Ngọc Như Ý năm nay 11 tuổi. Cả hai đã theo đuổi homeschool được gần 5 năm. Trước đó, hai anh em từng có thời gian học homeschool bán phần (ban ngày học trên lớp, tối về học thêm chương trình online của Mỹ).

Chị Thi thừa nhận, homeschool ở Việt Nam chưa bao giờ là dễ dàng. Việc đi ngược chiều với số đông gặp rất nhiều khó khăn.

Trong đó, khó khăn nhất khi các con tự học tại nhà là phải đáp ứng yêu cầu kỷ luật. Bố mẹ cũng cần phải theo dõi và quan sát hành trình của con, từ đó có thể điều chỉnh cho phù hợp với nhịp độ cuộc sống, sự thay đổi của xu thế và cả tâm sinh lý của trẻ.

Tuy vậy, việc học ở nhà cũng có nhiều thuận lợi do được chủ động thời gian. Mỗi ngày, hai con của chị chỉ dành một khoảng thời gian cố định để học theo chương trình homeschool của Mỹ.

Ngoài thời gian này, các con được tự do tìm hiểu những môn năng khiếu mình thích hay học kỹ năng sống, cùng nhau làm vườn, chăm sóc gia cầm và thú nuôi. Phần lớn thời gian, cả ba mẹ con sẽ cùng nhau rong ruổi tới những địa điểm mới để học thêm chủ đề mà mình quan tâm. Ba mẹ con từng cùng nhau vượt qua những cung đường trải dài từ TP.HCM ra tới Huế, trèo đèo lội suối để tìm kiếm thảo dược.

Chị cũng kết nối con với host người nước ngoài để có môi trường giao lưu văn hoá với cộng đồng quốc tế. Gần đây nhất, cả gia đình cùng tham gia các buổi chia sẻ về nông nghiệp hữu cơ và tự nhiên.

Các con của chị Thi được gặp gỡ những chuyên gia về nông nghiệp và môi trường như ông Paul Olivier, người Mỹ đã sống ở Việt Nam 16 năm, nhà phát minh ra bếp sinh khối; ông Rei Yoon, chuyên gia về nông nghiệp người Hàn, người đã dành phần lớn cuộc đời mình để đi khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước nghèo ở châu Phi để lan toả miễn phí một nền nông nghiệp tự do.

Duy Thanh (áo đen) trong buổi gặp gỡ những chuyên gia về nông nghiệp và môi trường. Ảnh: NVCC

Tại đây, các con của chị đã học được những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn của chuyên gia trong việc hỗ trợ nông dân cắt giảm tối đa chi phí hoá chất, tiết kiệm nước, tăng năng suất, chế biến sản phẩm sau thu hoạch hay những kiến thức về bếp sinh khối và tận dụng phụ phẩm biochar…

"Trước khi tham gia những buổi workshop như vậy, con cũng đã chuẩn bị và tìm hiểu trước những kiến thức liên quan. Nhờ đó, con tham gia thảo luận sôi nổi và nhận được đánh giá cao từ chuyên gia.

Con cứ thế quan sát, đúc kết kinh nghiệm, làm sai rồi lại sửa… Nhờ vậy, con nắm bắt được rất nhiều điều không thể học được từ sách vở”, chị Thi nói.

Khi trường học ở khắp mọi nơi

Từ ngày quyết định cho con học tập theo hình thức homeschool, chị Thi cũng rời TP.HCM để tới sinh sống tại một vùng quê ở Đồng Nai. Quyết định của chị khiến nhiều người khó hiểu.

Tuy nhiên, khi cho con trở về với thiên nhiên, chị cũng nhận thấy rằng, các con rất hào hứng và học thêm được rất nhiều kỹ năng mới.

“Nhờ những kinh nghiệm sống ở trong rừng, khi con về quê, ai cũng ngỡ ngàng, tại sao một đứa trẻ thành phố lại có thể sử dụng bếp củi thuần thục đến vậy”.

Nhìn thấy đường đi và định hướng mình muốn trở thành người thế nào, chị Thi cùng các con cũng lựa chọn những nội dung tìm hiểu phù hợp theo định hướng ấy, không lãng phí thời gian cho những hoạt động không cần thiết.

Đến thời điểm hiện tại, chị Hiếu Thi cũng không tính được mình cùng các con đã đi qua bao nhiêu nghìn km, nhưng chị nhận thấy rằng, vốn kiến thức đời thường các con nhận được về trong 1 năm qua giá trị hơn rất nhiều lần so với 1 năm con học được trên trường.

“Con từng có cơ hội gặp rất nhiều chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực hay học từ những người nông dân chính hiệu. Trường học của con cũng không cố định mà ở khắp mọi nơi. 

Khi homeschool cho con, mình luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để con được tiếp xúc với những cộng đồng và con người tử tế. Mình hiểu rằng, nếu bản thân chỉ ôm con và giáo dục con trong gia đình thì sẽ không đủ”.

Dù vậy, chọn đồng hành cùng con học tại nhà, bản thân chị cũng phải chấp nhận lượng thời gian dành cho con là rất lớn. “Chính mình đôi khi cũng cảm thấy stress vì mình là mẹ đơn thân nên gần như không có ai san sẻ”.

Nhưng sau đó, chị Thi nhận ra rằng, hình thức homeschool sẽ rất tuyệt vời nếu bố mẹ không đặt nặng vấn đề phải học cùng con và phải biết hết những điều con đang học. 

“Khi theo đuổi con đường này, điều duy nhất mình có thể trao cho con là kỹ năng sống. Thông qua đó, con sẽ biết cách tìm hiểu, tư duy, đặt câu hỏi, phản biện, tính tự lập, kỷ luật… từ đó có thể hoàn thiện con người mình và hướng đến những điều con cảm thấy điều có giá trị với bản thân”.

Homeschooling hay homeschool là một phong trào giáo dục được coi là tiến bộ trên thế giới. Theo trào lưu này, cha mẹ thay giáo viên tự dạy dỗ con cái tại nhà thay vì gửi con đến trường học truyền thống. 

Các gia đình chọn học tại nhà cho con vì nhiều lý do khác nhau. Đó có thể là do hoàn cảnh sống phải di chuyển liên tục, do tôn giáo, do đặc thù riêng của đứa trẻ, điều kiện gia đình không phù hợp với mô hình trường học truyền thống và cũng bao gồm cả việc không hài lòng với các mô hình, mục tiêu và phương pháp giáo dục hiện tại trong nhà trường. 

Trào lưu này đã gây khá nhiều tranh cãi về mục tiêu, phương pháp, tính chất pháp lý trong việc công nhận kết quả học tập cũng như những mặt trái của nó. 

Có lẽ, cùng với sự phát triển của công nghệ, tác động của cuộc cách mạng 4.0 về phong trào giáo dục tại nhà và những gì liên quan khi cha mẹ giáo dục con cái của họ tại nhà lại một lần nữa cần được đặt ra và xem xét một cách đầy đủ, khách quan và nghiêm túc.

Ban Giáo dục báo VietNamNet mở diễn đàn về trào lưu Học tại nhà: "Có nên cho trẻ rời bỏ trường học để giáo dục tại nhà?". Bạn đọc có ý kiến có thể gửi về phần bình luận của bài hoặc email Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Các bài viết được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút theo quy định. Xin cảm ơn.

Không đến trường vẫn có thể học tốt?Tôi nhận ra rằng, đi học ở trường không phải là phương án duy nhất giúp con có thể sống tốt ngoài xã hội. Tôi có định hướng riêng và muốn con phát triển theo chiều dọc – tức học những gì thấy cần và con cảm thấy hứng thú.