Xác lập rõ mục tiêu, mũi nhọn của thành phố

Cần xác lập rõ ràng, cụ thể các mục tiêu ưu tiên, mũi nhọn của thành phố. Để xác lập đúng và trúng các mục tiêu ưu tiên, mũi nhọn, các cán bộ lãnh đạo thành phố, người đứng đầu các sở ban ngành, hay quận/huyện cùng các chuyên gia, nhà khoa học giỏi, các nhà chuyên môn cần ngồi với nhau thảo luận, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng qua nhiều vòng...

Phân công rõ ràng, cụ thể trách nhiệm cá nhân

Phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể đầu mối, trách nhiệm cá nhân, nhất là, cần cá nhân hóa trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, các sở ban ngành trong hoàn thành các mục tiêu KPI ưu tiên, mũi nhọn.

Chẳng hạn, chính quyền cấp quận/huyện ký bản thỏa thuận, cam kết hoàn thành mục tiêu KPI ưu tiên, mũi nhọn với chính quyền thành phố, thống nhất về thang đo và cách đo cũng như kế hoạch cụ thể để hoàn thành. Những vấn đề về chính quyền thuộc trách nhiệm của Chủ tịch thì Chủ tịch ký, những vấn đề về Đảng thuộc trách nhiệm của Bí thư thì Bí thư ký…

Kết quả hoàn thành mục tiêu KPI ưu tiên, mũi nhọn là căn cứ thực hiện chế độ thưởng phạt công minh cả về “kinh tế” và “chính trị” ở cấp độ cá nhân và cấp độ tổ chức. Các quận/huyện được xếp hạng theo tổng điểm của tập thể, tiền thưởng được trả cho tất cả các cán bộ của quận/huyện tương ứng với thứ hạng của tập thể. Cá nhân Bí thư và Chủ tịch quận/huyện được nhận mức thưởng cao hơn so với cán bộ thường theo quy định.

Cần xác lập rõ ràng, cụ thể các mục tiêu ưu tiên, mũi nhọn của thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: VietNamNet

Mức tiền thưởng do thành phố quyết định nhưng nguồn kinh phí thưởng do thành phố chi 30%, 70% còn lại lấy từ quỹ của chính quyền địa phương, sở ban ngành và do đó, số tiền thưởng tùy thuộc vào điều kiện tài chính của chính quyền địa phương, sở ban ngành đó. Chính quyền địa phương, sở ban ngành được tạo cơ chế để có nguồn quỹ lương, thưởng của mình. Tùy theo mỗi nơi mà có cách làm phù hợp.   

“Phần thưởng chính trị” có thể là được bổ nhiệm chức vụ cao hơn bên Đảng và chính quyền... Phần thưởng chính trị khác như người đứng đầu chính quyền quận/huyện, sở ban ngành có thứ hạng hàng đầu được tặng thưởng danh hiệu lãnh đạo điển hình, là hình mẫu lãnh đạo cho các lãnh đạo quận/huyện, sở ban ngành khác noi theo,  được đưa lên phương tiện truyền thông của thành phố và được thông báo tới tất cả các phòng ban liên quan của thành phố.

Ngược lại, người đứng đầu quận/huyện, sở ban ngành có thứ hạng thấp sẽ bị thuyên chuyển, xem xét cho thôi chức vụ.

Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc hoàn thành mục tiêu KPI ưu tiên, mũi nhọn cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Các Tổ kiểm tra thành phố tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả của các quận/huyện, sở ban ngành hàng quý, công khai kết quả kiểm tra trên trang web của Tổ, đưa ra cảnh báo nếu như không đạt được mục tiêu.

Việc đánh giá toàn diện thực hiện 2 lần một năm, xếp thứ hạng và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân tiện theo dõi, giám sát. Biểu thị kết quả bằng đồ thị với màu sắc bắt mắt, trực quan sinh động để cán bộ, nhân dân có thể thấy rõ hiện trạng của các địa phương, sở ban ngành đang phát triển hay thụt lùi so với kỳ trước trên mỗi mục tiêu KPI ưu tiên, mũi nhọn.

Tạo động lực, áp lực thúc đẩy cán bộ

Tạo động lực, áp lực đủ mạnh thúc đẩy đội ngũ “Cán bộ muốn làm, dám làm và làm tốt” công việc, nhiệm vụ. Cụ thể, cần tập trung vào thực hiện các biện pháp chủ yếu sau:

Một là, bổ sung chế độ lương thưởng theo mức độ hoàn thành các mục tiêu KPI ưu tiên, mũi nhọn. Ai đạt kết quả tốt thì được hưởng lương cao, thưởng lớn. Ai có kết quả kém thì hưởng lương thấp, thưởng ít, có sự khác biệt lớn, người đạt kết quả cao được hưởng phần thưởng lớn hơn nhiều người đạt kết quả thấp. Ai không đạt chỉ tiêu tối thiểu thì không được hưởng chế độ lương, thưởng này.

Hai là, cần thiết lập cơ chế thăng tiến công bằng, rộng mở cho mọi người, ai cũng có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng để được thăng tiến nhưng chỉ những người xuất sắc nhất được lựa chọn.

Như vậy sẽ thôi thúc mạnh mẽ các cá nhân nỗ lực hết mình, phát huy tối đa tài năng để đạt sự xuất sắc, tạo dựng sự nghiệp. Từng cá nhân vận động, phấn đấu liên tục thì thành phố sẽ phát triển không ngừng, làm nên những điều phi thường.

Bởi vậy, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế thi tuyển cạnh tranh mở, công khai đối với các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính. Cơ chế này không những tuyển chọn được những cá nhân xuất sắc nhất mà còn tạo cho những người vượt qua kỳ thi nghiêm ngặt, cạnh tranh cảm thấy tính chính danh, niềm kiêu hãnh về công việc.

Từ đó, họ càng yêu quý, trân trọng và có trách nhiệm hơn đối với chức trách của mình. Đồng thời ngăn chặn những người hám danh lợi, kém đạo đức luồn lách trèo cao gây tổn hại uy tín, năng lực của bộ máy chính quyền thành phố... 

Cơ chế tuyển chọn này cho phép bất cứ ai cũng có thể tham gia nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn và kết quả thi là tiêu chí công nhận trúng tuyển. Thông tin về cuộc thi được công bố đủ dài để nhiều người biết đến và ứng viên có đủ thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng.

Minh bạch hóa về số chức vụ, tiêu chuẩn trình độ, cách các ứng viên xuất sắc nhất được lựa chọn ra sao và lúc nào… Cần có quy định về các chức vụ xác định và tỷ lệ % tối thiểu số cán bộ lãnh đạo, quản lý được tuyển chọn từ cơ chế này.

Cán bộ UBND phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh minh họa: TTXVN

Thực hiện cơ chế cạnh tranh nội bộ đối với các vị trí lãnh đạo, quản lý trong Đảng. Cơ chế này giúp tuyển chọn được lãnh đạo tài năng, trong sạch, sàng lọc nhân sự yếu kém vì những người ứng tuyển đã tự sàng lọc, những ai thực tài và đời tư trong sạch mới dám ra tranh cử...

Cách làm như sau: Tất cả đảng viên đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định có thể đăng ký ứng tuyển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong Đảng. Bước 1: Các ứng viên cần vượt qua các hội đồng tuyển chọn để tham gia tranh cử. Bước 2: Ứng viên tranh cử công khai để chọn ra những người xuất sắc nhất. Đối với các chức vụ quan trọng có thể phải trình bày phần tranh cử trên truyền hình của thành phố. Trước hết, thử nghiệm đối với cấp quận/huyện ủy viên, sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm và nếu thành công thì thực hiện ở cấp thành phố...

Ba là, có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Thành phố cần có Nghị quyết về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Trước hết, áp dụng cho đối tượng là người đứng đầu trong thực hiện các mục tiêu KPI ưu tiên, mũi nhọn.

Họ cần được trang bị “tấm khiên” để yên tâm, tự tin xông pha, vượt “vòng vây” bởi cả “núi” quy trình, thủ tục cùng một “rừng” luật, đảm nhiệm tốt vai trò “nhạc trưởng” và đầu tầu hoàn thành tốt mục tiêu KPI ưu tiên, mũi nhọn, tạo sinh khí mới thổi bay “nỗi sợ trách nhiệm” trong cán bộ hiện nay.

Bằng không, với thể chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ về mặt pháp luật như hiện nay thì rủi ro giữa đúng và sai, rủi ro bị ghép tội “cố ý làm trái” hoặc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là một thực tế, nhất là đối với những việc chưa có tiền lệ hoặc đã có quy định nhưng lạc hậu, bất cập.

Bốn là, thiết lập cơ chế đảm bảo cơ quan, cán bộ chủ động, tích cực giải quyết yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp, người dân.

Cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ thấm nhuần tinh thần phục vụ, có nhận thức sâu sắc rằng doanh nghiệp, người dân đến với cơ quan nhà nước không phải nhờ vả hay làm phiền mà họ là khách hàng, mang lại cơ hội để cán bộ được phục vụ.

Đồng thời, cần áp dụng cơ chế hạn chót với chế tài nghiêm ngặt trong hệ thống dịch vụ công của thành phố để đảm bảo cơ quan, cán bộ chủ động, tích cực giải quyết yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp, người dân.

Ví dụ, đối với việc cấp phép xây dựng, thay vì dừng lại ở quy định kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 20 ngày. Cần có thêm quy định hết thời hạn 20 ngày mà cơ quan không cấp phép cũng không có thông báo bằng văn bản về lý do thì người xin cấp phép được phép khởi công xây dựng và gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp phép về việc khởi công. Khi đó, cơ quan cấp phép xây dựng chịu trách nhiệm như đã cấp giấy phép xây dựng. Như vậy, cơ quan, cán bộ phụ trách việc đó sẽ chủ động, tích cực hơn trong việc cấp phép đúng hạn cho doanh nghiệp, người dân…

Cùng với đó, cần áp dụng cơ chế “Một cửa, không nhầm cửa” quy định cơ quan, cán bộ khi nhận yêu cầu của doanh nghiệp, người dân nếu không thuộc chức trách, nhiệm vụ thì phải liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để doanh nghiệp, người dân đến đúng nơi giải quyết.

Trong trường hợp vấn đề không rõ thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nào thì cơ quan đầu tiên tiếp nhận yêu cầu phải nghiên cứu, làm rõ và phối hợp với các cơ quan khác để phản hồi, giải quyết.

Như vậy, khắc phục được sự đùn đẩy trách nhiệm, giúp liên thông, khắc phục tối đa hạn chế về ranh giới giữa các cơ quan,...  

Tóm lại, Nghị quyết 98 rất kịp thời, không những đúng mà còn rất trúng và để Nghị quyết đi vào cuộc sống đưa TP HCM trở thành đầu tàu đột phá đòi hỏi đội ngũ cán bộ TP HCM phải “muốn làm, dám làm và làm tốt” công việc, nhiệm vụ của mình.

Xin trích lại lời dạy lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Đây là lúc đội ngũ cán bộ TP HCM cần phải “cháy lên” và “cháy” hết mình để hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử đầy thách thức và cao cả nhằm đưa thành phố trở thành đầu tàu đột phá, xứng đáng với thành phố mang tên Bác.

Phạm Mạnh Hùng

Mới đây, Quốc hội ban hành Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.HCM với kỳ vọng thành phố trở thành đầu tàu đột phá.

Nghị quyết 98 với 10 điều quy định 44 cơ chế, chính sách trên 7 lĩnh vực, trong đó, nhiều cơ chế, chính sách lần đầu được trao cho TP.HCM. Nghị quyết có hiệu lực vào ngày 1/8/2023.