Thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục khá ấn tượng trong vài phiên gần đây với nhiều thông tin tích cực như: Chính phủ ban hành Nghị định 08 sửa đổi bổ sung Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp; quỹ Fubon của Đài Loan (Trung Quốc) được cấp phép huy động thêm 4.000 tỷ đồng đổ vào cổ phiếu Việt và gần đây nhất là thông tin Trung Quốc nối lại tour du lịch với Việt Nam.

Nhiều cổ phiếu du lịch và hàng không tăng mạnh, trong đó có VietJet (VJC) của bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Cổ phiếu VJC của VietJet hôm 9/3 tăng thêm 3.500 đồng lên 101.800 đồng/cp.

Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng thời gian thực của Forbes, vị CEO của VietJet không còn được cập nhật tài sản liên tục trong danh sách tỷ phú USD

Sáng 9/3/2023, Forbes đã không còn cập nhập trực tiếp biến động tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Trang tính tài sản theo thời gian thực của bà Thảo được trả về ngày 4/4/2022, tức theo bảng xếp hạng năm trước. Thời điểm đó, bà Thảo có khối tài sản là 3,1 tỷ USD.

Chia sẻ với báo VietNamNet, bà Nguyễn Lan Anh, đại diện cho Forbes khu vực châu Á cho biết, trang cập nhập trực tiếp tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo bị lỗi và đã báo kỹ thuật xem xét.
Bà Nguyễn Lan Anh cho biết, theo cập nhập gần nhất, bà Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn nằm trong danh sách tỷ phú USD của Forbes.
Hiện Forbes đã có danh sách tỷ phú năm 2023 và sẽ được công bố trong tháng 3/2023.

Hôm 9/3, Forbes không còn cập nhật tài sản theo thời gian thực của bà Nguyễn Thị Phương Thảo. (Ảnh: FB)

Gần đây, vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2023, tài sản của bà Thảo ở mức 2,1 tỷ USD.

Trước đó, từ giữa tháng 11/2022, Forbes cũng thôi tính tài sản hai tỷ phú Việt, gồm ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát) và ông Bùi Thành Nhơn (Chủ tịch Novaland).

Sau một chuỗi ngày giảm sàn, sáng 14/11/2022, Forbes đã không còn cập nhập trực tiếp biến động tài sản của ông Bùi Thành Nhơn.

Trước đó, hôm 11/11/2022, ông Bùi Thành Nhơn chính thức không còn là tỷ phú USD theo bảng danh sách của Forbes, khi chiều cùng ngày, tài sản của ông chỉ còn 946 triệu USD. Đến 9/3/2023, ông Nhơn vẫn không nằm trong danh sách tỷ phú USD của trên bảng tính toán thời gian thực của Forbes.

Cũng sáng 14/11/2022, Forbes không còn cập nhật trực tiếp biến động tài sản của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. Trong phiên giao dịch hôm 10/11/2022, ông Trần Đình Long chính thức ra khỏi danh sách tỷ phú USD trong bảng xếp hạng của Forbes, khi tài sản chỉ còn trị giá 985,9 triệu USD.

Tuy nhiên, đầu năm 2023, cổ phiếu HPG tăng mạnh đã đưa ông Trần Đình Long trở lại danh sách này.

Tỷ phú Việt mất tỷ USD

Sau khi tăng mạnh trong tháng 1/2023, nhiều tỷ phú Việt ghi nhận tài sản tụt giảm trong tháng 2 và trầm lắng vào đầu tháng 3, khi giới đầu tư chưa thấy tín hiệu hồi phục từ nhóm cổ phiếu bất động sản.

Nhiều cổ phiếu trụ cột khác cũng chưa hồi phục.

Theo Forbes, tính đến 9/3/2023, Việt Nam có 5 tỷ phú USD so với con số 7 người như trong bảng xếp hạng hồi tháng 3/2022 (công bố đầu tháng 4/2022).

Tài sản của 5 tỷ phú USD người Việt tính tới 9/3/2023. (Biểu đồ: M. Hà)

Hiện, các tỷ phú USD người Việt xếp lần lượt theo bảng danh sách của Forbes gồm: ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch tâp đoàn đa ngành Vingroup), ông Trần Đình Long, ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Ngân hàng Techcombank), ông Trần Bá Dương và gia đình (ông chủ của nhà lắp ráp và sản xuất xe ô tô Thaco) và ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan).

Ông Trần Đình Long vượt lên trên ông Hồ Hùng Anh nhờ cổ phiếu Hòa Phát (HPG) hồi phục mạnh trước đó và gần đây điều chỉnh giảm không nhiều. Các tổ chức lớn vẫn đổ tiền vào cổ phiếu HPG.

Thống kê cho thấy, tính đến 9/3, cả 5 tỷ phú USD Việt khoảng 9,9 tỷ USD, thấp hơn mức 15,3 tỷ USD (ghi nhận trong bảng xếp hạng hồi tháng 3/2022.

Ông Phạm Nhật Vượng đứng đầu danh sách với 3,9 tỷ USD. Ông Nguyễn Đăng Quang xếp cuối với 1,2 tỷ USD.

Với VietJet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, hãng hàng không này lần đầu báo lỗ. Tính cả năm 2022, VietJet ghi nhận lỗ sau thuế hơn 2.171 tỷ đồng, so với mức lãi gần 122 tỷ đồng trong năm 2021.