Vietjet Air lần đầu báo lỗ

Công ty cổ phần (CTCP) Hàng không VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022 và cả năm 2022 với doanh thu tăng vọt nhờ hoạt động vận chuyển khách nội địa và quốc tế hồi phục sau đại dịch.

Doanh thu quý IV/2022 tăng mạnh, từ mức chưa tới 2.789 tỷ đồng cùng kỳ lên hơn 11.807 tỷ đồng. Cả năm 2022, doanh thu tăng hơn 3 lần lên 39.342 tỷ đồng nhờ biến chuyển tích cực ở mảng vận chuyển nội địa.

Tuy nhiên, giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ cao hơn nhiều khiến VietJet của nữ tỷ phú Phương Thảo lỗ gộp gần 2.167 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VietJet còn ghi nhận chi phí tài chính trong năm 2022 tăng thêm hơn 1.920 tỷ đồng, lên gần 2.733 tỷ đồng, qua đó khiến hãng hàng không của nữ tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam thêm lỗ.

Mặc dù vậy, nhờ khoản lợi nhuận khác hơn 2.064 tỷ đồng, cho nên, tính trong cả năm 2022, VietJet ghi nhận lỗ sau thuế chỉ còn ở mức hơn 2.171 tỷ đồng, so với mức lãi gần 122 tỷ đồng trong năm 2021.

Như vậy, đây là năm đầu tiên Vietjet Air (VJC) báo lỗ.

Tổng nợ phải trả của VietJet tăng mạnh. (Nguồn: BCTC)

Trong các năm trước đó, VietJet cũng gặp nhiều khó khăn nhưng hãng hàng không của bà Thảo vẫn lãi nhờ các khoản lợi nhuận khác, mà chủ yếu là từ cách hạch toán việc mua bán máy bay và quyền mua bán máy bay trong tương lai.

VietJet vẫn đối mặt với khó khăn do giá nhiên liệu cao và đường bay quốc tế chưa hồi phục hoàn toàn cũng như lãi suất tăng mạnh và tỷ giá ở mức cao.

Trong quý IV/2022, VietJet ghi nhận chi phí tài chính tăng gấp 4,5 lần, lên hơn 1.352 tỷ đồng, trong đó lãi vay tăng vọt lên hơn 408 tỷ đồng. Lỗ chênh lệch tỷ giá gần 570 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VietJet cũng phải dự phòng giảm giá 490 tỷ đồng cho khoản đầu tư mua 50 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Dầu Việt Nam (OIL).

Tính tới cuối năm 2022, VietJet cũng ghi nhận nợ phải trả tăng vọt gấp hơn 1,5 lần so với cuối năm 2021, lên hơn 52.905 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn tăng gần gấp đôi lên hơn 30.822 tỷ đồng.

Nợ thuế, phải trả người lao động, chi phí phải trả ngắn hạn, phải trả người bán ngắn hạn... hầu hết đều tăng mạnh.

Tới cuối năm 2022, tổng vay và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn (vay ngân hàng, trái phiếu... ) của hãng hàng không của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn ở mức khá cao, gần 17,5 nghìn tỷ đồng. Doanh nghiệp còn khoản tiền và tương đương tiền khá ít: hơn 1.858 tỷ đồng.

Vietnam Airlines lỗ hơn 10 nghìn tỷ đồng, nguy cơ bị hủy niêm yết

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa có công văn lưu ý về nguy cơ hủy niêm yết đối với cổ phiếu HVN của Tổng CTCP Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) do thua lỗ 3 năm liên tiếp.

Trong năm 2022, Vietnam Airlines báo lỗ hơn 10.369 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên hơn 34.000 tỷ đồng.

Tới cuối năm 2022, Vietnam Airlines âm vốn chủ sở hữu khoảng 10.200 tỷ đồng, trong khi đầu năm 2022 còn dương 500 tỷ đồng.

Vietnam Airlines lỗ cho dù doanh thu năm 2022 tăng gấp hơn 2,5 lần so với năm 2021 lên gần 70.960 tỷ đồng.

Vietnam Airlines lỗ lớn 3 năm liên tiếp. (Nguồn: BCTC)

Cũng như VietJet, Vietnam Airlines có doanh thu tăng mạnh nhờ hoạt động vận chuyển khách nội địa và quốc tế hồi phục sau đại dịch. Tuy nhiên, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam gặp khó khăn do giá nhiên liệu cao, lãi suất tăng mạnh và tỷ giá ở mức cao.

Trong năm 2022, Vietnam Airlines ghi nhận chi phí tài chính tăng hơn 2.200 tỷ đồng, lên 3.767 tỷ đồng (trong đó chi phí lãi vay là hơn 1.163 tỷ đồng). Thua lỗ vì chênh lệch tỷ giá cũng lớn.

Tỷ giá USD/VND trong quý IV/2022 có lúc lên tới 24.888 đồng/USD (Vietcombank).

Vietnam Airlines còn khoản tiền mặt khiêm tốn 3.400 tỷ đồng so với quy mô tài sản gần 60,6 nghìn tỷ đồng.

Cổ phiếu HVN đã thuộc diện kiểm soát từ 3/11/2021. Với kết quả kinh doanh 3 năm thua lỗ liên tiếp, hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN sẽ bị huỷ niêm yết theo luật định.

Ngành hàng không còn gặp khó

Ngành hàng không gần đây ghi nhận kết quả kinh doanh sáng dần với doanh thu tăng rất mạnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đối mặt với khó khăn do giá nhiên liệu tăng, lãi suất cao...

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), trong năm 2023, ngành hàng không thế giới sẽ có lãi trở lại khi lượng khách sử dụng dịch vụ bay tiếp tục tăng sau gần 2 năm thế giới áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại để phòng dịch Covid-19. 

Giá nhiên liệu gần đây giảm và được dự báo sẽ không tăng mạnh trong năm 2023.

Dù vậy, IATA cảnh báo rằng nhiều hãng hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2023 do những quy định chặt chẽ hơn của các nước, chi phí tăng cao, các chính sách của các quốc gia không nhất quán và nhiều yếu tố khác.

Tại Việt Nam, thách thức còn là các điểm nghẽn hạ tầng hàng không ở Việt Nam, nguy cơ thiếu hụt phi công và nhân viên kỹ thuật.

Tuy vậy, tại Việt Nam, lượng khách nội địa tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 và dự báo lượng khách quốc tế sẽ tăng mạnh (nhờ việc Trung Quốc mở cửa) trong năm 2023. Do vậy, dự báo lợi nhuận ngành hàng không sẽ hồi phục.