Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và tác động của quá trình đô thị hóa, lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh có tốc độ tăng khoảng 10% mỗi năm.
Trước đây, mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh phát sinh 760 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tăng lên khoảng 950-1.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Trong đó thành phố Vũng Tàu chiếm khối lượng lớn nhất với hơn 400 tấn/ngày; huyện Côn Đảo tăng từ 15 tấn/ngày lên 22,5 tấn/ngày (tăng 37,5%), nhất là những ngày cao điểm du lịch, lượng rác thải của huyện tăng lên khoảng 27-30 tấn/ngày.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trừ huyện Côn Đảo, tất cả lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, phương pháp chôn lấp tạm thời với quy trình lạc hậu khiến chất thải rắn sinh hoạt được xử lý rất chậm và nhiều nguy cơ tác động ngược trở lại môi trường, đời sống.
Sở Xây dựng dự báo, lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn sẽ tiếp tục tăng thêm 350 tấn/ngày chỉ sau một năm nữa. Và dự báo đến năm 2025, khối lượng trên phát sinh trên địa bàn tỉnh sẽ đạt khoảng 1.590 tấn/ngày. Do đó, bài toán về xử lý rác sinh hoạt tiếp tục căng thẳng.
Để giảm áp lực vê rác thải, tháng 8/2023, UBND tỉnh đã ban hành phê duyệt đề án “Quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030”.
Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, 80-98% rác thải rắn sinh hoạt tại thành thị và nông thôn được thu gom, xử lý; tỷ lệ phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh đạt 30-50%...
Mục tiêu của Đề án là nhằm tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn, tiến hành đồng thời các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn; mở rộng mạng lưới thu gom chất thải rắn; thúc đẩy phân loại chất thải rắn tại nguồn với phòng ngừa và giảm thiểu phát sinh chất thải rắn trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.
Đồng thời, phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ phát sinh chất thải rắn gia tăng, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Để triển khai thực hiện Đề án trên, tháng 10/2023, UBND thành phố Vũng Tàu đã ban hành kế hoạch về thực hiện quản lý cất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố.
Mục đích của kế hoạch là thực hiện tốt việc quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra, làm thay đổi từ nhận thức đến hành động cụ thể để hạn chế việc phát thải chất thải rắn; tăng cường công tác thu gom phân loại rác thải tại nguồn; thu gom tài sử dụng, tái chế theo quy định.
Phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế về việc phát sinh chất thải, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Thành phố Vũng Tàu đề ra mục tiêu theo từng giai đoạn, phấn đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn trên địa bàn thành phố đạt trên 50%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường đạt 100%....
Như vậy, cùng với thành phố Vũng Tàu, thời gian tới, các địa phương khác cũng sẽ phải nhanh chóng vào cuộc để thực hiện phân loại rác thải tại nguồn nhằm hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên.