Bắc Giang là một trong những địa phương điểm về xây dựng nông thôn mới của cả nước. Những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự linh hoạt, nỗ lực và quyết tâm cao, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã gặt hái được nhiều thành tựu.

W-ntm-4-1.jpg
Nhiều cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới được tỉnh triển khai đã phát huy hiệu quả.

Khí thế thi đua xây dựng nông thôn mới

Lão Hộ là một trong 3 xã của huyện Yên Dũng được lựa chọn xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2023. Ngay từ đầu năm, UBND xã đã ban hành các quyết định, kế hoạch chi tiết thực hiện nhiệm vụ, đồng thời chỉ đạo xây dựng thôn Toàn Thắng đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Đến nay, xã đã tập trung xây dựng và hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đến năm 2024, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 

Trong đó, có một số kết quả nổi bật như: Đường giao thông được cứng hóa 100%, cả 4 trung tâm văn hóa thôn đều khang trang, thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện thể dục thể thao và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ... Đặc biệt, dọc các tuyến đường thôn được người dân đặt chậu hoa, cây cảnh, kẻ vẽ hàng trăm mét tranh bích họa, khẩu hiệu tuyên truyền trực quan, tạo không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp.

Năm 2014, xã Lão Hộ đạt chuẩn nông thôn mới và tiếp tục tập trung nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách cấp trên cũng như sự đóng góp của người dân để nâng cao các tiêu chí. Tuy nhiên, khó khăn nhất khi bắt tay xây dựng nông thôn mới nâng cao chính là chỉ tiêu “cứng” về sản phẩm OCOP. 

Là xã thuần nông với thế mạnh chủ yếu nuôi trồng thủy sản nên việc lựa chọn sản phẩm để xây dựng không dễ dàng. Sau khi rà soát, đánh giá tình hình, nhận thấy trên địa bàn có rượu men bắc Linh Sơn đủ tiềm năng, địa phương đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ, xây dựng thành công thương hiệu này đạt OCOP 3 sao. Mới đây, đoàn công tác của tỉnh về thẩm tra, bước đầu đánh giá các tiêu chí nông thôn mới nâng cao của xã đều đạt.

Tại xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang, cấp ủy, chính quyền và nhân dân đang tập trung cao xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Ở cả 8 thôn của xã, các đoàn thể, người dân đang khẩn trương lắp đặt hệ thống thiết bị tập luyện thể dục thể thao, vẽ tranh bích họa, dọn dẹp vệ sinh môi trường, cắt tỉa cây xanh, đường hoa tại các khu vực công cộng. 

Theo ông Bùi Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng, để đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu với lĩnh vực nổi trội là văn hóa, xã vừa đầu tư hơn 300 triệu đồng lắp đặt thiết bị tập thể dục thể thao ở sân vận động và các nhà văn hóa thôn. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn thành lập các câu lạc bộ, tổ chức hoạt động phù hợp với từng nhóm đối tượng, lứa tuổi nhằm tạo sự mới mẻ, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân tham gia. Xã chọn thôn Khoát để xây dựng thôn thông minh với hơn 81% người dân đã được cấp định danh điện tử.

Theo đánh giá, Nghĩa Hưng đã hoàn thành 100% tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện địa phương khẩn trương hoàn thành nốt một số phần việc và xây dựng hồ sơ minh chứng trình cơ quan chức năng quyết định công nhận.

Gặt hái những thành tựu

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều cơ chế, chính sách được tỉnh Bắc Giang triển khai thực hiện đã phát huy hiệu quả. Qua đó huy động được nguồn lực lớn trong nhân dân vào việc xây dựng nông thôn mới, tác động tích cực đến đời sống và diện mạo khu vực nông thôn. 

Bên cạnh cơ chế, chính sách của Nhà nước và của tỉnh, mỗi huyện, thành phố đều chủ động ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, bố trí ngân sách hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023. Trong đó, huyện Lục Nam hỗ trợ 2,5 tỷ đồng/xã nông thôn mới; từ 2 - 4,5 tỷ đồng/xã nông thôn mới nâng cao. Huyện Lục Ngạn hỗ trợ 2,5 - 3,5 tỷ đồng/xã nông thôn mới; từ 1,6 - 2,5 tỷ đồng/xã nông thôn mới nâng cao. Huyện Sơn Động hỗ trợ 2,5 tỷ đồng/xã nông thôn mới. Huyện Hiệp Hoà hỗ trợ 4 - 5 tỷ đồng/xã nông thôn mới nâng cao...

Công tác quy hoạch và lập đề án xây dựng nông thôn mới được tỉnh quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, bảo đảm phát triển bền vững. Đến nay, 100% các xã đã hoàn thành xây dựng quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới; 7 huyện, thành phố được phê duyệt đồ án quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng đô thị.

Tại các xã nông thôn mới kiểu mẫu đang hình thành những miền quê đáng sống với sự đổi thay toàn diện. Từ cơ sở hạ tầng đến các thiết chế văn hóa, thể thao đều được đầu tư xây dựng khang trang, đường làng ngõ xóm, cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp; đời sống nhân dân được nâng cao...

Trên cơ sở tổng kết giai đoạn trước, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Bắc Giang tập trung nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới bằng cách tiếp tục phát động phong trào thi đua “Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”. Các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, đưa nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và thống nhất nhận thức “Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị, người dân là chủ thể”.

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã cứng hoá mới, cải tạo nâng cấp được hơn 1.000 km đường giao thông. Các huyện đạt kết quả cao là Lục Nam (176,1 km), Việt Yên (158,8 km), Tân Yên (126,5 km)… Tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn toàn tỉnh đến nay đạt 80,91%.

Công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất được đầu tư nâng cấp, cải tạo. Bắc Giang đã quản lý, duy tu, bảo dưỡng, khai thác và bảo đảm an toàn cho 1,3 nghìn công trình thủy lợi (gồm 274 hồ chứa, 203 đập dâng, 823 trạm bơm, 6.481 km kênh tưới, 1.443 km kênh tiêu), đáp ứng yêu cầu sản xuất theo kế hoạch, tiêu chủ động và cơ bản khắc phục tình trạng ngập úng.

Tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo ưu tiên triển khai các dự án đầu tư cải tạo hạ tầng lưới điện nông thôn, chú trọng đầu tư, nâng cấp, cải tạo nguồn, lưới điện hạ áp nông thôn nhằm tạo động lực để phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.

Hệ thống giáo dục tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố hóa và chuẩn hóa. Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp đạt 96%, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đạt 94,5%, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 đạt 21,06%. 

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt là ở cấp xã, thôn được quan tâm đầu tư xây dựng và khai thác có hiệu quả, góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Hệ thống chợ nông thôn được các địa phương quan tâm đầu tư, nâng cấp và cải tạo (gồm 131 chợ, 5 trung tâm thương mại, 5 siêu thị và 12 siêu thị mini).

Chương trình OCOP phát triển mạnh mẽ, với 276 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, tạo động lực mới trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn.

Công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn đạt kết quả tích cực. Toàn tỉnh hiện có 171 công ty, hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường chuyên trách thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại 100% xã; 2.199 điểm tập kết, trung chuyển rác thải tại các xã, thôn. Tỷ lệ rác thải được thu gom đạt 94,2%. 100% xã duy trì các khu thu gom, xử lý rác thải tập trung, vận hành tổng số 77 lò đốt công nghệ; tỷ lệ rác thải thu gom được xử lý đạt 93,5%.

Đến nay, toàn tỉnh có 6/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 144/182 xã nông thôn mới; 44 xã nông thôn mới nâng cao; 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 314 thôn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân đạt 17,1 tiêu chí/xã (tăng 0,8 tiêu chí so với năm 2020).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, thành công lớn nhất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh là đã thay đổi nhận thức của cấp uỷ, chính quyền và người dân; vai trò chủ thể của người dân được khẳng định, phát huy. Người dân chủ động tham gia đóng góp vật chất, ngày công để xây dựng công trình công cộng. Các địa phương đã phát huy tính chủ động, có nhiều cách làm hay, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế ở cơ sở...

Để hoàn thành kế hoạch có thêm 9 xã nông thôn mới, 15 xã nông thôn mới nâng cao, 11 xã nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2023, thời điểm này, các địa phương trong tỉnh Bắc Giang đang dồn sức hoàn thiện tiêu chí, xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thẩm định, công nhận.

Cùng với các chính sách thiết thực, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh nâng cao năng lực và truyền thông về nông thôn mới cho cán bộ, nhân dân. Các hoạt động truyền thông được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tham gia.

Văn Quý và nhóm PV, BTV