Đa dạng hình thức tuyên truyền

Bắc Giang là tỉnh miền núi có 09 huyện và 01 thành phố. Cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn chiếm 14,26% dân số toàn tỉnh với hơn 257 nghìn người tập trung, tại 73 xã thuộc 5 huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang. 

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ dân tộc thiểu số, coi đây là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong triển khai hoạt động trên tất cả các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

 Tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ dân tộc thiểu số.

UBND tỉnh Bắc Giang, các sở, ngành, Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch như: Kế hoạch thực hiện Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025; Kế hoạch thực hiện Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025; Kế hoạch tuyên truyền kiến thức, pháp luật về bình đẳng giới trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi. 

Trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022 - 2030, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 50% và đến năm 2030 đạt 60% cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tăng tỷ lệ lao động nữ dân tộc thiểu số làm công hưởng lương đạt 40% vào năm 2025 và khoảng 50% vào năm 2030. Giảm tỷ lệ lao động nữ dân tộc thiểu số làm việc trong khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản xuống 50% vào năm 2025 và dưới 30% vào năm 2030. Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của phụ nữ dân tộc thiểu số trong khám chữa bệnh lên 98% năm 2025 và 100% năm 2030…

Tỉnh cũng chú trọng kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác bình đẳng giới. Các đơn vị, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh hoạt động phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới, các văn bản pháp luật mới liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em. Tuyên truyền công tác cán bộ nữ, nội dung bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị... đến người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Trong năm qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng nhiều tin, bài viết, phóng sự tuyên truyền trên các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương, phát trên mạng lưới loa truyền thanh của 209/209 xã, phường, thị trấn... Bên cạnh đó, lồng ghép tuyên truyền nội dung bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong các hội nghị, tập huấn của ngành và địa phương cho hàng nghìn đại biểu các cấp, các ngành. 

Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 47 hội nghị tuyên truyền và lồng ghép tuyên truyền kiến thức, pháp luật, nâng cao năng lực về bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho 2.815 đại biểu là cán bộ làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cấp huyện, xã, thôn, bản, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tổ chức 1.526 hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức phụ nữ lồng ghép với tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em... thông qua nhiều hình thức như tọa đàm, hội thi, qua bản tin, website của Hội và các sinh hoạt chi hội hằng quý.

Tăng cường đào tạo nghề, tạo việc làm

Công tác giáo dục đào tạo được tỉnh Bắc Giang quan tâm và có chuyển biến tích cực. Nhiều học sinh dân tộc thiểu số đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện. Số học sinh nữ dân tộc thiểu số đi học trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học tăng nhiều hơn. Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng luôn quan tâm đào tạo, quy hoạch cán bộ, trong đó có cán bộ nữ vùng dân tộc thiểu số... 

Số lượng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số là đại biểu Quốc hội và tham gia vào Hội đồng nhân dân các cấp đã tăng so với những năm trước đây. Nhiều cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số được tín nhiệm bầu, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở các sở, ban, ngành, địa phương, các hội đoàn thể của tỉnh.

Nhiều chương trình đào tạo nghề ngắn hạn giúp phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo. 

Các hoạt động làm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động được triển khai thực hiện thông qua nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội góp phần thay đổi bộ mặt vùng dân tộc thiểu số. Cụ thể như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, Chương trình 30a, Đề án Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm tập trung vào khu vực nông thôn, Đề án 939 Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025… 

Với sự nỗ lực, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến của phụ nữ dân tộc thiểu số đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vươn lên làm giàu, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.

Điển hình là bà Nông Thị Huệ, dân tộc Nùng, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Thiên Phú với mô hình liên kết sản xuất “Trà xạ đen Diệp Nhật” và mô hình sản xuất rượu gạo men lá truyền thống “Rượu Diệp Nhật” đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. 

Bên cạnh đó, các cơ quan, ban ngành cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho phụ nữ. Tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số tiếp cận các chương trình của Nhà nước để thuận lợi vay vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. 

Trường hợp bà Thân Thị Hường ở huyện Yên Thế là một ví dụ. Có điều kiện tự nhiên, sinh thái, thổ nhưỡng thuận lợi phát triển ngành nông nghiệp đa dạng với nhiều mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng gắn với phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gà, sau khi được chuyển giao khoa học kỹ thuật và tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn về chăn nuôi, bà đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, nuôi gà với số lượng trên 1.000 con. Hiện đàn gà nhà bà Hường phát triển khỏe mạnh, mang lại nguồn thu nhập ổn định, kinh tế ngày càng khá giả. Bà còn giúp đỡ tư vấn cho nhiều phụ nữ tại địa phương cách chăn nuôi...

Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tổ chức đào tạo nghề cho người lao động vùng dân tộc thiểu số. Tổ chức 15 hội nghị tuyên truyền, vận động, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho 668 lao động ở các thôn, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của các huyện Lục Ngạn, Lục Nam và Lạng Giang. 

Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức 196 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về khởi sự kinh doanh, khởi sự hợp tác xã và phối hợp tổ chức khóa học “Phụ nữ tự tin làm kinh tế” cho 1.000 hội viên phụ nữ có ý tưởng kinh doanh (trong đó có 675 phụ nữ dân tộc thiểu số)… Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng dân tộc thiểu số ngày càng giảm mạnh.

Kết thúc năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo ở 73 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bắc Giang giảm bình quân 2,35% so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo của 28 xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 5,1% (trong đó có những xã giảm nghèo hơn 10%).

Với sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, từ đó nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Giao Linh và nhóm PV, BTV