Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2021 trên địa bàn huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã phát huy hiệu quả, giúp nhiều hộ nghèo nhanh chóng thoát nghèo.

Trong giai đoạn 2016-2021, toàn huyện Đăk Hà có gần 4.000 hộ thoát nghèo, đến cuối năm 2021, tổng số hộ nghèo toàn huyện giảm so với đầu năm 2016 là hơn 2.920 hộ. Thực hiện chính sách hỗ trợ y tế, huyện Đăk Hà đã triển khai rà soát, cấp trên 73.400 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng chính sách khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định. 

Ngoài ra, huyện cũng triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở hộ nghèo theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, toàn huyện đã có 116 hộ thực hiện việc xây dựng, sửa chữa nhà ở và được giải ngân nguồn vốn với số tiền gần 3 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016 - 2021, từ nguồn quỹ “Vì người nghèo”, huyện đã cùng các đơn vị tài trợ hỗ trợ xây dựng mới 279 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo chưa có nhà và đang ở nhà tạm với số tiền hơn 7 tỷ đồng.

Nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số ở Đăk Hà tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.

Đặc biệt, những năm gần đây, xuất phát từ nhận thức và nghị lực, nhiều hộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đây là tín hiệu tốt, cho thấy công tác giảm nghèo của địa phương được triển khai hiệu quả, xóa dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thể hiện ý chí quyết tâm vươn lên trong cuộc sống của hộ nghèo.

Sau nhiều năm nằm trong diện hộ nghèo, anh A Bình, dân tộc Xê Đăng ở thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi làm đơn xin thoát khỏi diện hộ nghèo. Trước đây, do thiếu vốn sản xuất, gia đình đã xoay xở nhiều công việc nhưng chưa tìm được hướng đi có hiệu quả. Năm 2019, từ nguồn quỹ sinh kế của thôn, anh được vay tiền để đầu tư cải tạo lại khu vườn, làm chuồng trại chăn nuôi heo sọc dưa và nuôi bò. Có nguồn thu nhập ổn định, anh xin thoát nghèo.

Khi xin thoát khỏi hộ nghèo, các gia đình sẽ không được nhận các khoản hỗ trợ cho hộ nghèo như trước đây. Bên cạnh đó, việc đi học của các em học sinh cũng bị ảnh hưởng khi không còn được miễn giảm các khoản chi phí về học tập, phí bảo hiểm y tế… nhưng với gia đình anh A Bình và nhiều hộ dân khác trong thôn, đây lại chính là động lực để các gia đình quyết tâm xóa cảnh đói nghèo đã đeo bám nhiều năm. 

Với trên 92% hộ dân là người dân tộc thiểu số, đến cuối năm 2021, xã Đăk Pxi có tổng số 514 hộ nghèo, chiếm gần 60% tổng số hộ toàn xã. Xác định muốn thoát nghèo, bên cạnh ý thức, động lực của người dân, xã đã chủ động lồng ghép nhiều nguồn lực, tạo cơ chế, xây dựng các mô hình hiệu quả để bà con phát huy tiềm năng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, làm giàu chính đáng. 

Hiệu quả nhất là phát triển mô hình nuôi heo, nuôi bò, nuôi dê, thậm chí có nhiều hộ đã xây dựng được các trang trại chăn nuôi tại rẫy. Nhờ đó, đến cuối năm 2022,  xã có 222 hộ thoát nghèo, giảm trên 43% tổng số hộ nghèo so với đầu năm.

Tại thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi, những gia đình viết đơn xin thoát nghèo không hẳn vì đã khá giả, mà đó là bước ngoặt rất lớn trong sự thay đổi về nhận thức tự vươn lên phát triển kinh tế gia đình, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. 

Bà con đã nhận thức được và đã có sự thay đổi giữa việc thuộc diện hộ nghèo hay không nghèo khác nhau như thế nào, từ đó có thêm động lực để vươn lên. Đặc biệt là các hộ gia đình trẻ.

Như Sỹ, Thu Hà, Mai Hương, Bảo Phùng, Hà Sơn