Chỉ số chứng khoán tầm rộng của Mỹ S&P 500 hôm 12/10 giảm điểm phiên thứ 6 liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.

Trên CNBC, Giám đốc phụ trách Thị trường Vốn và Tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, thị trường chứng khoán Mỹ có thể giảm thêm 20% do lãi suất tăng và kỳ vọng lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai giảm.

Trước đó, CEO JPMorgan Jamie Dimon cũng đưa ra dự báo đáng lo ngại rằng chỉ số S&P 500 “có thể dễ dàng rớt thêm 20%” cho dù chỉ số này đã giảm khoảng 25% kể từ đầu năm.

Tình hình vẫn không mấy tươi sáng sau khi Biên bản họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa công bố cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ vẫn rất “diều hâu” và tiếp tục tăng lãi suất đồng thời giữ ở mức cao cho đến khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt.

Sự chậm lại chỉ xảy ra nếu có thêm bất ổn trên thị trường tài chính.

Mỹ tăng lãi suất, gây áp lực lớn lên thị trường ngoại hối và tài chính quốc tế. (Ảnh: CNBC)

Trước đó, thị trường chứng khoán châu Á đã có nhiều phiên đồng loạt giảm mạnh.

Chứng khoán thế giới diễn biến khá xấu sau khi IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 giữa lúc các nước đang chịu tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh.

Trên thị trường, nhiều người lo ngại về “khoảnh khắc Lehman” sau khi chứng kiến cú sốc của ông lớn ngân hàng Thụy Sĩ Credite Suisse, với cổ phiếu sụt giảm và giới nhà giàu ồ ạt rút tiền, có thời điểm bị lo ngại đứng bên bờ phá sản.

Một tín hiệu cũng đáng lo ngại là chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 9 của Mỹ tăng vượt kỳ vọng, khiến nhiều người lo ngại lạm phát chưa dừng tăng. Nếu lạ phát cao, Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất và sức ép lên nền kinh tế rất lớn, qua đó tác động tiêu cực tới thị trường cổ phiếu Mỹ.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay chính là tình trạng thiếu tiền.

Việc ngân hàng trung ương các nước đồng loạt rút tiền về khiến hệ thống tài chính ở khắp nơi rơi vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản, không cho vay được. Tại nhiều nước, trong đó có Anh, không chỉ thiếu thanh khoản trên hệ thống ngân hàng mà tình hình cũng xấu đi trên một kênh huy động vốn quan trọng khác là trái phiếu doanh nghiệp.

Thiếu tiền có thể làm nhiều loại tài sản giảm giá, từ chứng khoán, vàng cho tới bất động sản. Trong khi đồng nội tệ các nước lại sụt giảm do USD lên giá theo những động thái mạnh tay của Fed.

Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lên một mức khác. Mỹ áp một loạt quy định mới lên thị trường chip của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh có động thái khá lạ, không đúng như kỳ vọng của thị trường. Đó là mở cửa kinh tế khá chậm, chưa từ bỏ chính sách Zero-Covid. Sức cầu yếu từ Trung Quốc có thể gây khó khăn thêm cho nền kinh tế thế giới.

Giá dầu giảm mạnh trong vài phiên gần đây do thông tin từ Trung Quốc và quyết định của OPEC+ giảm sản lượng.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden không tin suy thoái kinh tế Mỹ xảy ra. Trên CNN, ông Biden cho rằng người dân Mỹ không cần chuẩn bị cho một cuộc suy thoái.