Năm 2024, cuộc thi viết thư quốc tế UPU có chủ đề là: “Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để kể về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa”.

Tiếng Anh là: "At 150 years old, the UPU has served people around the world for more than eight generations. The world has changed enormously since then. Write a letter to future generations about the world you hope they inherit".

Chủ đề của cuộc thi năm nay gắn với kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (1874-2024).

Dưới đây là bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53:

Ngày… tháng… năm 

Chào các bạn - thế hệ tương lai của chúng tôi!

Tôi viết lá thư này vào năm 2024 - kỷ niệm 150 năm kể từ khi Liên Hiệp Bưu chính Thế giới (UPU) được thành lập. Nội dung của lá thư này đều là những điều mà tôi và nhiều bạn đồng trang lứa đã, đang trải qua - vấn nạn so sánh. Tôi hiểu những áp lực và khó chịu khi bị mang ra so sánh tồi tệ đến mức nào. Vì vậy tôi mong ở thì tương lai, các bạn sẽ không phải trải qua cảm giác này.

Bố mẹ tôi có nhóm bạn và vô tình con cái họ đã trở thành “nạn nhân” trong mỗi cuộc so sánh, tôi cũng không phải ngoại lệ. Nhớ ngày thi chuyển cấp lên khối THCS, khi biết điểm thi tôi vui mừng chạy về khoe ngay với mẹ. Tôi hý hửng mường tượng mẹ sẽ ôm, xoa đầu và dành cho mình những lời khen. Nhưng, thực tế phũ phàng thay, khi biết điểm của tôi, mẹ tặc lưỡi đáp: “Cái N. con bác A. được tới 9,5 điểm đó, con có 8,5 điểm mà khoe gì”. 

Ngay lúc đó sự phấn khởi, hạnh phúc của tôi như vỡ ra thành trăm mảnh. 

Bao nỗ lực không được ghi nhận mà còn bị mẹ "dội cho một gáo nước lạnh". Tôi thầm nghĩ, hoá ra bấy lâu nay, bố mẹ chỉ xem trọng kết quả chứ không cần biết quá trình tôi đã cố gắng ra sao. Và hình như tôi có cố gắng đến đâu cũng chẳng làm vừa lòng bố mẹ.

Khi xã hội ngày càng phát triển, sự kỳ vọng của các gia đình đặt lên con cái ngày càng cao. Nhưng thay vì động viên, khích lệ, đồng hành cùng con, nhiều bậc phụ huynh lại chỉ biết so sánh con mình với “con nhà người ta". Có thể mục đích của việc làm này là tăng tính phấn đấu, nỗ lực cho các con. Tuy nhiên, việc bị so sánh quá nhiều vô tình gây nên những áp lực, trở thành nỗi ám ảnh đeo bám những đứa trẻ như tôi mãi sau này. Điều này khiến trẻ dần mất đi tự tin và tự ti về bản thân nhiều hơn.

Song không chỉ vậy, vấn nạn so sánh còn dẫn đến những điều tiêu cực như sự đố kỵ, ghen tị của trẻ. Ở các nước phát triển, nền giáo dục của họ xuất phát từ việc tôn trọng sở thích, năng lực của mỗi cá nhân. Từ đó phát hiện và định hướng trẻ phát triển theo con đường phù hợp nhất. Vì vậy, trẻ em các nước này đều rất hồ hởi mỗi khi đến trường.  

Dù là trẻ con hay người lớn, ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, có những giá trị riêng cần được tôn trọng. Do đó việc so sánh và áp đặt con cái với “tấm gương" mà bố mẹ muốn là hành động cần chấm dứt. Tôi hiểu quá trình dạy dỗ con cái không hề đơn giản. Nhưng mong những bậc làm cha mẹ hãy kiên trì, nhẫn nại và tin tưởng các con nhiều hơn mỗi ngày. Bởi lẽ cách giáo dục bằng những ngôn từ tiêu cực, so sánh sẽ khiến lòng tự trọng của một đứa trẻ sẽ bị tổn thương nặng nề.

Hy vọng, qua lá thư này, các bố mẹ có cái nhìn thoáng hơn, rộng hơn để con em của mình phát triển một cách tốt nhất. Bậc làm cha mẹ nên tập trung khám phá tiềm năng của con và phát triển nó thay vì đặt mục tiêu và kỳ vọng theo tiêu chuẩn của mình. Hy vọng, các bạn tương lai của tôi đều được sống trong tình thương cùng sự giáo dục thông thái nhất. 

Thân gửi!

Ký tên.