Ngày 4/10, theo thông tin từ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương (Hà Nội), thời gian gần đây các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận các ca cấp cứu nhiễm trùng, áp xe, thậm chí hoại tử vành tai do xỏ khuyên, bấm lỗ tai.
Bệnh nhân P.T. K.L, 18 tuổi (ở Thạch Thất, Hà Nội), nhập viện trong tình trạng 2 tai sưng đau với 4-5 lỗ xỏ khuyên mỗi bên, chảy mủ vàng. Bác sĩ chẩn đoán L. bị viêm sụn vành tai 2 bên, áp xe sụn vành tai phải, phải chích rạch dẫn lưu mủ, nạo sạch tổ chức viêm.
Bệnh nhân nam P.Đ.M.T, 23 tuổi (ở Hoài Đức, Hà Nội) nhập viện với tình trạng đau nhức, sưng nóng đỏ ở vành tai phải, có lỗ rò mủ.
Trước đó 2 tuần, bệnh nhân đi xỏ khuyên tai bên phải. Sau khoảng 4 ngày, T. có biểu hiện sốt nhẹ, sưng đau vành tai phải. Bệnh nhân đi khám và điều trị tại một cơ sở y tế nhưng không đỡ, tình trạng sưng và đau nhức vẫn còn và kèm theo mủ.
Bác sĩ chẩn đoán T. bị áp xe sụn vành tai do xỏ khuyên, phải phẫu thuật chích rạch dẫn lưu áp xe, nạo vét sụn hoại tử rồi khâu cố định băng ép bằng gạc tẩm mỡ kháng sinh.
Theo bác sĩ nội trú Phạm Anh Tuấn - Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương, các biến chứng của bấm lỗ tai, xỏ khuyên là tình trạng viêm sụn vành tai. Nhiễm trùng sụn tai khó điều trị hơn nhiễm trùng ở các mô mềm như dái tai.
Người bệnh nhiễm vi khuẩn gây viêm sụn phải dùng kháng sinh dài ngày, nạo vét sụn hoại tử dễ để lại di chứng. Một số trường hợp không tới bệnh viện kịp thời, sụn vành tai đã bị tiêu một phần. Sau điều trị, tình trạng viêm cải thiện nhưng để lại di chứng nặng nề là vành tai biến dạng, nhăn nhúm, co rút phải phẫu thuật tạo hình lại vành tai.
Ngoài ra, bấm lỗ, xỏ khuyên tai còn có nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường máu như viêm gan B, C, HIV… Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, khi người dân có nhu cầu bấm lỗ tai cần lựa chọn cơ sở uy tín, đồng thời tìm hiểu kỹ về cách chăm sóc, giữ vệ sinh sau khi thực hiện thủ thuật. Cần cân nhắc khi xỏ lỗ tai ở nhiều vị trí, đặc biệt là sụn vành tai do dễ gây nguy cơ viêm sụn và các biến chứng.