Duy trì sản xuất đi liền với an toàn dịch bệnh

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tái khẳng định quan điểm Bộ Công Thương luôn đồng hành và chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Bộ cũng sẵn sàng trao đổi, lắng nghe đề xuất của doanh nghiệp để có thêm nhiều thông tin, nắm bắt thực chất vấn đề. Trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cũng như làm việc với các địa phương tìm hướng tháo gỡ, giúp doanh nghiệp sớm kết nối lại chuỗi sản xuất. 

Đồng quan điểm cho rằng duy trì hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh được xem như là giải pháp giúp đảm bảo mục tiêu kép mà Chính phủ đã đặt ra, tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo doanh nghiệp một lần nữa khẳng định: Duy trì sản xuất chính là duy trì huyết mạch của nền kinh tế. Việc khôi phục các hoạt động sản xuất không chỉ đảm bảo nền kinh tế nhanh chóng phục hồi khi dịch bệnh dần được kiểm soát mà quan trọng hơn, đó chính là đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Qua đó cũng giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội cho các địa phương. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp: Việc duy trì sản xuất phải đi liền với việc đảm bảo các điều kiện, yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, an toàn và sức khoẻ của người lao động.

“Sức khoẻ và an toàn của người lao động là trên hết. Mục tiêu vừa khống chế dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất là một thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà với nhiều quốc gia trên thế giới. Để sống chung với Covid-19, giải pháp tốt nhất đến thời điểm hiện nay vẫn là tiêm vaccine cho người dân, người lao động để đảm bảo miễn dịch cộng đồng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

{keywords}
Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, người lao động sớm khôi phục lại sản xuất.

Buộc sống chung với dịch

Chia sẻ trước lo lắng của doanh nghiệp về tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đáp ứng đủ vaccine cho toàn dân là một thách thức lớn. Chính phủ Việt Nam đã và đang rất nỗ lực để có được lượng vaccine nhiều nhất có thể cho người dân Việt Nam. 

Trong bối cảnh tiêm vaccine chưa thể phổ cập trên diện rộng thì việc xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR cho người lao động vẫn cần thiết và là một lựa chọn. Do vậy, các doanh nghiệp đang hoạt động trong những ngành có tác động lớn đến nền kinh tế, đến chuỗi cung ứng toàn cầu cần phối hợp với Chính phủ cùng tìm kiếm nguồn vaccine để người lao động thuộc nhóm ngành hàng này được ưu tiên tiêm sớm, nhanh chóng bắt nhịp vào sản xuất. 

Liên quan đến một số kiến nghị của doanh nghiệp về tính liên kết chuỗi, lưu thông hàng hoá, di chuyển lao động giữa các địa phương, xác nhận quy tắc xuất xứ… Bộ trưởng cho biết sẽ xem xét, nghiên cứu để sớm đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Tinh thần là Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như các bộ ngành địa phương sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, người lao động sớm khôi phục lại sản xuất trong trạng thái “buộc phải sống chúng với dịch”.

Gỡ vướng cho lao động “3 tại chỗ” 

Trước đó, sáng 26/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham gia đoàn công tác của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại TP HCM làm việc về vấn đề lao động “3 tại chỗ" ở một số khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, Bộ Công Thương cũng như các bộ ngành liên quan đang rất nỗ lực, tìm kiếm các giải pháp tốt nhất trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo Bộ trưởng, sau một thời gian triển khai giải pháp "3 tại chỗ" đã bộc lộ một số bất cập nhất định. Do vậy, trong văn bản gửi tới Bộ Y tế ngày 6/8 vừa qua, Bộ Công Thương đã đề xuất điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung một số giải pháp liên quan đến tiêm phòng và phòng chống dịch tại cơ sở sản xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người lao động, vừa duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý, doanh nghiệp cần xác định “sống chung với dịch” để có những phương án hoạt động phù hợp. Thực tế hiện nay, chưa có dự báo cũng như ai dám khẳng định khi nào dịch sẽ kết thúc.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong hướng dẫn của Bộ Công Thương thì điều kiện để doanh nghiệp có thể tái sản xuất cần phải tiêm cho người lao động 1 mũi vaccine trở lên. Điều kiện thứ 2 là người lao động phải được hỗ trợ xét nghiệm nhanh (2-3 ngày/lần), xét nghiệm PCR (1 tuần/lần) và phải tuân thủ nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, dù doanh nghiệp đã tiêm vaccine và xét nghiệm đầy đủ nhưng tuyệt đối không được chủ quan để đảm bảo an toàn và giữ sức khỏe cho công nhân duy trì sản xuất.

Đặc biệt, Bộ trưởng cũng gợi ý, từ hoạt động thực tiễn thời gian qua, doanh nghiệp gặp những khó khăn, bất cập nào thì cần chủ động đề xuất cơ chế, chính sách để Chính phủ tháo gỡ kịp thời.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bảo Anh