Trung Quốc có thể có khả năng đưa ra những ‘bằng chứng’ rằng các thuỷ thủ TQ từng đến Biển Đông, nhưng theo luật pháp quốc tế, điều đó không có nghĩa chứng minh quyền sở hữu.
LTS: Những diễn biến nóng bỏng trên Biển Đông, cùng các quan điểm, góc nhìn, hành động từ nhiều phía của các nhà nghiên cứu trên thế giới đang thu hút sự chú ý đặc biệt của không chỉ các nước trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế.
Biển Đông ‘nguy cơ xung đột, cơ hội hợp tác’?
Ở góc nhìn của Trung Quốc, quốc gia đang có nhiều kế hoạch “biến Biển Đông thành… ao nhà mình” theo cách nói của nhiều trang mạng, ông Lý Quốc Cường, Phó giám đốc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) nhìn nhận rằng, để đối mặt với những sự diễn biến mới của Biển Đông, cần các bên cố gắng hơn nữa. Biển Đông vừa có nguy cơ xung đột, vừa có khả năng để hợp tác. Trước mắt, trong tình huống các bên rất khó nhất trí về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, sao lại không ưu tiên hợp tác và phát triển(!) Thông qua hợp tác và phát triển để tăng độ tin cậy, xóa bỏ sự cản trở và bất đồng.
Thế nhưng, tăng độ tin cậy thế nào, khi gần đây Trung Quốc diễn ra hàng loạt hành động khiến thế giới quan tâm, các quốc gia có lợi ích ở Biển Đông “quan ngại”, khi ráo riết biến đảo chìm thành đảo nổi, sử dụng trên 2.000 lao động làm suốt đêm ngày, lấy san hô từ dưới biển bồi đắp lên đảo chìm, ngang nhiên tuyên bố chủ quyền 200 hải lý tới tận Bà Rịa- Vũng Tàu của Việt Nam là của Trung Quốc.
Tăng độ tin cậy thế nào, nếu như Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài trong hai tháng rưỡi, từ 12h ngày 16/5 đến 12h ngày 1/8, lệnh cấm này áp dụng trong phạm vi từ 12 độ vĩ bắc trở lên, bao gồm cả vùng vịnh Bắc Bộ và vùng biển Hoàng Sa. Mà vịnh Bắc Bộ là vùng biển có phần chủ quyền của Việt Nam.
Ông Lý Quốc Cường (trái) PGĐ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS). Ảnh: Jim Gomez |
Với tư cách là một chuyên gia nghiên cứu cấp cao về Quản trị và An ninh, Trung tâm Nghiên cứu Đông Tây (Hoa Kỳ) ông Denny Roy nhận xét thẳng: Tôi khá chắc chắn rằng Trung Quốc cân nhắc kỹ lưỡng về những tác động có thể xảy ra từ những diễn biến với vấn đề căng thẳng và với quan hệ của Trung Quốc với các nước trong khu vực. Vấn đề là Bắc Kinh có vẻ như không tỏ ra lo ngại lắm về việc tỏ thái độ gây hấn và quyết tâm ép buộc các nước khác phải thừa nhận yêu sách của Trung Quốc.
Trong khi bà Sherry P. Broder (Giáo sư giảng dạy tại Trường luật William S. Richardson, thuộc Đại học Hawaiil, tại Honolulu, Hawaii cũng tỏ ra không tán đồng về quan điểm “tăng độ tin cậy’ chỉ… trên lý thuyết của ông Lý Quốc Cường, khi cho rằng, những quốc gia Châu Á khác khá e dè về góc nhìn của họ về các thái độ hung hăng của Trung Quốc và sức ép của họ để đạt được mục đích đòi kiểm soát khu vực, bao gồm cả vùng biển Nhật Bản và Biển Đông. Giáo sư Sherry P. Broder còn chỉ rõ, khoản đầu tư ngày càng tăng vào quân sự của Trung Quốc cho thấy nước này muốn gia tăng sức ép quân sự và sự căng thẳng trong khu vực.
Những quan ngại này đã được thảo luận công khai. Sau phiên họp cuối cùng vào ngày 28/4/2015, ASEAN đã tuyên bố rằng “những lo ngại nghiêm túc đã được các một vài lãnh đạo chia sẻ về các tuyên bố chủ quyền tại vùng Biển Đông, điều có thể làm sự tin cậy, tự chủ bị thách thức bị xói mòn; và có thể phá hoại hoà bình, an ninh và sự ổn định ở Biển Đông”.
‘Đường chín đoạn’ không có giá trị với luật pháp quốc tế
Không có gì mới trong lập luận, ông Lý Quốc Cường vẫn nhắc đi nhắc lại quan điểm của chính quyền Trung Quốc trước đây khi cho rằng : ‘Đường chín đoạn’ xét về lịch sử thì không chỉ có 09 đoạn, mà là 11 đoạn. ‘Đường chín đoạn’ chính là hình thành vào 70 năm trước để phân định sau Chiến tranh Thế giới lần Thứ hai(!). Rằng, Trung Quốc có lịch sử 2000 năm phát hiện, đặt tên và sử dụng đường này. Rằng, năm 1946 - theo nguyên tắc do Tuyên ngôn Cairo Boston đưa ra - Trung Quốc thu hồi các hòn đảo Biển Đông và Biển Tây từ tay Nhật Bản. Và đến tháng 12/1947 Trung Quốc “vẽ ra” đường 11 đoạn trên bản đồ, xác định rằng chủ quyền với các hòn đảo này.
Nhưng ông Lý Quốc Cường cũng phải thừa nhận: Tất nhiên TQ là một thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, chúng tôi sẽ tuân thủ công ước. Vì vậy làm thế nào để ‘Đường chín đoạn’ đã hình thành trong lịch sử khớp với Luật biển hiện nay và để giải quyết thỏa đáng cần có sự cố gắng của Trung Quốc và các nước có liên quan (???)
TS. Denny Roy. Ảnh: Jim Gomez |
Tuy nhiên, lịch sử không thể “vẽ ra”, tưởng tượng, dựa trên lợi ích riêng của bất cứ quốc gia nào, bất chấp lợi ích các quốc gia khác có trong khu vực.
Dựa trên những nghiên cứu của mình, ông Denny Roy thẳng thắn và khách quan khi mổ xẻ quan điểm của học giả Lý Quốc Cường : ‘Đường chín đoạn’, thực ra bây giờ là ‘đường mười đoạn’ được đưa ra trên cơ sở một khát vọng truyền thống của Trung Quốc, nhưng không có cơ sở pháp lý cơ bản trong luật pháp quốc tế hiện đại. Cơ sở lập luận rằng, Trung Quốc khám phá và sử dụng các đảo trên Biển Đông trước tất cả các nước khác, và do đó Trung Quốc có quyền sở hữu vùng biển xung quanh các đảo đó. Trung Quốc có thể có khả năng đưa ra những bằng chứng rằng các thuỷ thủ Trung Quốc từng đến và thậm chí đã từng khai thác Biển Đông và thậm chí thi thoảng khai thác các đảo trên Biển Đông; nhưng theo luật pháp quốc tế, điều đó không có nghĩa chứng minh quyền sở hữu.
Và ông Denny Roy cũng cho rằng, những nước Châu Á – Thái Bình Dương nên tạo áp lực mạnh đến Bắc Kinh, để họ giải thích, nếu không từ bỏ các tuyên bố về ‘đường chín đoạn’ khiến Trung Quốc đòi kiểm soát hầu hết Biển Đông.
Chia sẻ quan điểm này, bà Sherry nêu rõ, Trung Quốc nhập nhằng về ý nghĩa chính xác của ‘đường chín đoạn’ nên chưa bao giờ bày tỏ một sự giải thích, làm rõ về lập luận này. Cho dù bản đồ đường chín đoạn có thể được tính toán lần đầu vào năm 1948 hoặc 1949, nó không được sử dụng đến năm 1999. Năm 2009, Trung Quốc trình bày “miệng” với Đại diện Liên Hợp Quốc cho rằng đường chín đoạn là mục đích quốc phòng trên toàn vùng Biển Đông, với lập luận rằng Trung Quốc đã có lịch sử sử dụng, và do đó có quyền trên vùng Biển Đông..
Tuy nhiên, dưới góc độ luật biển quốc tế UNCLOS, lập luận này không có giá trị.
Hơn nữa các nước khác trong khu vực cũng có thể đưa ra những bằng chứng tương tự. Sự xuất hiện của các ngư dân hay thuỷ thủ đều không có giá trị trong việc đòi chủ quyền của Trung Quốc hay bất cứ nước nào. Cả luật pháp quốc tế cũng như quyền chủ quyền quốc tế đều không công nhận việc đòi chủ quyền này bên ngoài khu vực 300 hải lý.
Điều 121 của UNCLOS từng được diễn giải rất nhiều lần về vài trường hợp cụ thể trước khi có toà án quốc tế. Điều rõ ràng là những quần thể không nên được coi là các đảo. Các đảo không có người ở chỉ có thể được công nhận trong khu vực 12 hải lý.
Một vài khu vực công năng trên mặt biển và đáy biển, không được coi là đảo và không được dẫn đến bất kỳ vùng biển nào. Do đó lập luận của Trung Quốc ở điểm này cũng không có giá trị với UNCLOS.
- TS Denny Roy từng giảng dạy ngành Trung Quốc học, lịch sử Châu Á, và chính trị Đông Nam Á tại Trường Cao học Hải quân Monterey, California từ năm 1998 – 2000; nghiên cứu về an ninh – quốc phòng tại Đại học Canberra, Australia; dạy Khoa học Chính trị tại trường Singapore và Anh trước khi trở thành nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Đông – Tây tại Honolulu, Hawaii, Mỹ đến nay. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu như: The Pacific War and Its Political Legacies; Taiwan: A Political Policy và China’s Foreign Relations cùng nhiều bài viết trên các tạp chí khoa học – chính trị. - GS Sherry P. Broder hiện giảng dạy tại trường luật William S. Richardson, Đại học Hawaiil, tại Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ. Lĩnh vực giảng dạy nghiên cứu chính của bà là luật quốc tế, luật đại dương, luật môi trường và quyền con người. Ngoài ra bà còn là cố vấn truyền thông, trọng tài luật cho bang Hawaii. Bà là người sáng lập và là giám đốc điều hành của Viện Luật và Công lý Quốc tế Jon Van Dyke, nơi thường xuyên tổ chức các hội thảo và các sự kiện liên quan đến Luật biển quốc tế, Luật môi trường quốc tế và Quyền con người. - TS. Lý Quốc Cường là nhà nghiên cứu về lĩnh vực triết học và khoa học xã hội. Hiện ông làm việc tại Trung tâm nghiên cứu biên giới tại CASS, Trung Quốc. |
(Còn nữa)
Hoàng Hường
* Loạt bài được thực hiện trong chương trình Jefferson Fellowships do Trung tâm Đông - Tây (East - West Center) của Mỹ tổ chức tại Hawaii (Mỹ), Bắc Kinh, Hải Nam (Trung Quốc), Masinloc, Manila (Philippines) và Singapore. Tuần Việt Nam giữ Bản quyền đặc biệt, đề nghị các báo không sao chép.