Đi ngược cơn bão

Các doanh nghiệp Việt Nam đang có những bước đi đầu tiên mang thương hiệu của mình ra thế giới sau thời gian gây dựng tại Việt Nam. Xu hướng này đang mở ra những cơ hội mới.

Cách đây không lâu, một bài báo của Retail News Asia gây chú ý với thông tin Cộng cà phê hoàn tất việc chọn đại lý nhượng quyền độc quyền tại Hàn Quốc. Các nhân viên của cửa hàng này sẽ được đào tạo ở Việt Nam và người pha chế chính sẽ là người Việt.

Thực đơn gốc của Cộng cà phê ở Việt Nam sẽ được phục vụ tại Seoul, bao gồm món cà phê dừa đặc trưng cùng một số món ăn vặt như đậu phộng, hạt hướng dương. Với số lượng người Việt Nam đông đảo tại Hàn Quốc thì hướng đi mới của thương hiệu này là một bước chuyển mình khôn ngoan.

{keywords}
Món ăn Việt đi ra nước ngoài bằng nhượng quyền thương hiệu 

Cũng trong chiến lược vươn mình ra quốc tế, TocoToco mở chi nhánh đầu tiên tại thành phố San Jose (Mỹ), đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong mục tiêu "vươn xa biển lớn" của thương hiệu. Năm 2019, thương hiệu này sẽ mở thêm 10 cửa hàng tại hai thị trường tiềm năng là Mỹ, Australia.

Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Mặt Trời Đỏ (RedSun ITI), đơn vị sở hữu hàng loạt thương hiệu như Thai Express, Khao Lao, King BBQ... đã chính thức đưa chuỗi nhà hàng Truly Việt đến Úc. Truly Việt ra mắt nhà hàng đầu tiên tại thành phố Melbourne và hiện có bốn món Việt Nam gồm gỏi cuốn, phở, bánh mì và bún chả trong thực đơn.

Trước đó, Công ty Gói & Cuốn, chủ sở hữu thương hiệu Wrap & Roll, đã nhượng quyền thương hiệu nhà hàng bán món ăn Việt Nam này ở Singapore cho đối tác MSJ Gourmet Group.

Vào cuối năm 2017, Công ty cổ phần Ẩm thực Chảo Đỏ - tên mới của Gói & Cuốn - đã khai trương nhà hàng nhượng quyền thứ hai tại Thượng Hải (Trung Quốc), nâng tổng số nhà hàng nhượng quyền ở khu vực châu Á lên con số 6.

Theo các công ty nghiên cứu thị trường, mặc dù Việt Nam có 149.000 điểm bán ẩm thực đường phố nhưng chỉ 0,59% trong đó là những cửa hàng có thương hiệu. Tỷ lệ này tại Hồng Kông là 5%, Singapore 10%, Philippines 21% và Đài Loan là 30%. Ẩm thực Việt đang là lĩnh vực rất tiềm năng không chỉ trong nước mà cả ở cơ hội đi ra thế giới.

Một báo cáo của IFA cho thấy, những ngành như nhà hàng, thức ăn nhanh chiếm đến 33% trong top 10 ngành nhượng quyền; ngành ẩm thực bán lẻ chiếm 5%. Rõ ràng, kinh doanh ẩm thực là một ngành hứa hẹn nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là khi lớp trẻ đang có xu hướng muốn đi ăn ở ngoài nhiều hơn.

Tiềm năng nhưng không dễ

Từ lâu, ẩm thực Việt được đánh giá khá cao với du khách quốc tế. “Ẩm thực Việt Nam ngày càng phổ biến ở Hàn Quốc hơn bao giờ hết”, tờ báo Hàn khẳng định. Các quán ăn luôn đông nghịt người. Thực khách đến đây không chỉ bởi sự tò mò mà còn bởi hương vị của phở và bún chả đem lại.

Cùng với đó, số lượng người Việt định cư, sinh sống ở nước ngoài ngày càng gia tăng. Nhìn lượng kiều hối hơn 10 tỷ USD hàng năm, mấy ai biết một phần rất lớn đến từ các nhà hàng Việt khắp nơi trên thế giới. Nếu chúng ta có chiến lược rõ ràng thì chắc chắn trong tương lai, hiệu quả do ẩm thực Việt Nam đem lại sẽ lớn hơn nhiều.

{keywords}
Số lượng các thương hiệu còn quá ít so với quốc tế

Việc nhượng quyền ra quốc tế là bước đi mới đối với các doanh nghiệp, vừa khẳng định tên tuổi ẩm thực truyền thống, vừa nâng tầm thương hiệu Việt Nam trong danh sách các đơn vị nhượng quyền, cạnh tranh với ông lớn.

Tuy nhiên, số lượng các thương hiệu Việt Nam nhượng quyền ra nước ngoài còn rất ít ỏi so với xu hướng tràn vào Việt Nam của các thương hiệu trong khu vực và quốc tế do vướng nhiều rào cản. 

Đại diện một thương hiệu trà sữa cho hay, Mỹ được biết đến là một quốc gia coi trọng quyền lợi của người tiêu dùng. Trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt, họ mới được cấp phép vào thị trường này.

Hay, theo ông Lê Vũ Minh, đại diện một doanh nghiệp đồ ăn của Việt Nam, mặc dù có tiếng trên thị trường thế giới nhưng mô hình kinh doanh còn rất trẻ nếu so với Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ông Minh cho rằng, muốn ra thế giới thì chắc chắn thương hiệu đó phải mạnh ở Việt Nam. Có như vậy mới đủ tiềm lực, khả năng hỗ trợ đối tác ở nước ngoài khi có vấn đề. Ký hợp đồng cũng giống như ký vào tờ giấy kết hôn và phải cam kết trong suốt thời gian hôn nhân đó phải yêu, tin, chân thật và minh bạch với nhau.

Chuyên gia trong lĩnh vực này, bà Nguyễn Phi Vân đánh giá, thị trường kinh doanh nhượng quyền ở Việt Nam vẫn ở giai đoạn "gieo hạt giống", chưa có nhiều nhãn thành công và chưa thể coi là thị trường đã phát triển rầm rộ. Khi các nhãn nước ngoài vào Việt Nam nhiều, các công ty ở Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, chuẩn hoá và phát triển nền tảng của mình rồi mới bắt đầu thực hiện các hoạt động nhượng quyền.

Để có thể đưa thương hiệu Việt ra thế giới thì việc đầu tiên là doanh nghiệp phải có tham vọng này. Tiếp theo là phải hiểu người tiêu dùng tại quốc gia mình có ý định đến, biết rõ đối thủ trong ngành đang phát triển như thế nào.

Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp về công nghệ, ông Nguyễn Xuân Hoàng khuyến nghị, sử dụng công nghệ trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng quan trọng, với nhà hàng, quán ăn lại đặc biệt cần thiết và quan trọng hơn. Việc sử dụng công nghệ sẽ giúp các DN khởi nghiệp hạn chế được sự thiếu hụt về mặt quản lý cả về con người và tài chính.

Xu thế là các nước đang chuộng ẩm thực bản địa, người tiêu dùng trên thế giới đều mong muốn tiếp cận ẩm thực truyền thống của các nước. Những bước chân còn lẻ loi và thận trọng này nếu được hỗ trợ đúng mức sẽ có thể đi nhanh hơn, xa hơn và thành công hơn nữa.

Nam Hải