Năm 2020 là năm có nhiều sự kiện, ngày kỷ niệm quan trọng, đặc biệt là năm tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đây cũng là thời điểm mà các thế lực thù địch ra sức chống phá với các biện pháp tinh vi, quyết liệt.

Chúng đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tăng cường các hoạt động lợi dụng đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng, Nhà nước ta để tiến hành các hoạt động tình báo, gián điệp, nhằm phá hoại ta từ bên trong và kết hợp với bên ngoài. Chúng thường dùng luận điệu “phản biện xã hội”, đấu tranh vì “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo”, xây dựng “xã hội dân sự”, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ,… để tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng, thái độ thù địch.

{keywords}
Không ngừng nâng cao nhận thức cho các cơ quan báo chí về vai trò, tầm quan trọng, biểu dương các điển hình tiêu biểu trong việc tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, chống âm mưu diễn biến hòa bình trên lĩnh vực văn hoá. 

Bàn về công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, công tác báo chí nhằm phát huy, làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong thời gian tới, trong một bài viết gần đây, Trần Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương đã nêu ra 7 vấn đề như sau:

Thứ nhất, nhất quán nguyên tắc hoạt động báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, luôn luôn đi đầu trong việc bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phải bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng, có trách nhiệm hình thành dư luận xã hội lành mạnh góp phần tăng cường sự đoàn kết, nhất trí về tư tưởng, chính trị và tinh thần trong nhân dân. Kiên quyết đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, khắc phục các biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích và các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc khác.

Tích cực biểu dương nhân tố mới, điển hình tiên tiến, tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội, góp phần làm lành mạnh xã hội, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; thông tin truyên truyền trên báo chí phải kết hợp tốt giữa xây và chống; lấy cái đẹp để dẹp cái xấu, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực.

Người hoạt động báo chí phải theo định hướng của Đảng và pháp luật của Nhà nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tính chiến đấu cao, phẩm chất đạo đức trong sáng, kiến thức rộng, trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ ngày một cao, luôn gắn bó với thực tiễn đất nước.

Thứ hai, cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các cơ quan báo chí về vị trí vai trò, tầm quan trọng và yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền việc biểu dương, cổ vũ điển hình tiêu biểu; tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống âm mưu và hoạt động “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa.

Thứ ba, cần chú trọng biểu dương, cổ vũ điển hình tiên tiến. Đây là một nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng và định hướng hành động. Mục đích là thông qua việc nêu gương đề định hướng tư tưởng, dẫn dắt, lôi kéo, tạo ảnh hưởng lan tỏa, hiệu ứng xã hội sâu rộng đến mọi người trong xã hội, giúp mọi người nhận thấy giá trị của hành động tốt đẹp mà tiếp tục phấn đấu, cổ vũ thành phong trào quần chúng rộng lớn để  những việc tốt, hành động tốt ngày càng nhiều lên, dầy lên trong xã hội; hành vi tiệc cực, việc làm xấu ngày càng bị đẩy lùi, thu hẹp.

Không chỉ dừng lại ở phát hiện, cổ vũ, mà báo chí cần phải có trách nhiệm bảo vệ nhân tố mới, điển hình tiên tiến để chúng được nuôi dưỡng, phát triển mạnh mẽ. Chủ động tìm tòi đối mới, sáng tạo cách thể hiện chủ đề này để những tấm gương điển hình tiên tiến được đề cập không chỉ mang tính phản ánh mà mục đích cuối cùng là lan tỏa, cổ vũ động viên mọi người noi theo. Các bài viết phản ánh, cổ vũ, biểu dương nhân tố mới, điển hình tiên tiến cần thể hiện một cách chân thật, khách quan, không tô hồng, cường điệu hóa; thể hiện rõ cái tâm của người cầm bút, không bị chi phối bởi lợi ích kinh tế mà tô hồng nhân vật, không “lăng xê”, “đánh bóng tên tuổi” cho doanh nghiệp hay cá nhân nào.

Tăng cường xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chương trình, thời lượng thông tin tuyên truyền cổ vũ, biểu dương điển hình tiên tiến; đấu tranh phản bác, vạch rõ tính chất phản động, phản khoa học của các quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc, nhằm chia rẽ Đảng, Nhà nước và nhân dân… Làm tốt việc biểu dương gương điển hình tiên tiến cũng chính là cách đáp trả xác đáng nhất đối với những thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc về tình hình đất nước của các phần tử cơ hội chính trị, thế lực thù địch.

Thứ tư, triển khai đồng bộ các giải pháp, cả về tổ chức, lực lượng, nội dung, hình thức, phương tiện để nâng cao hiệu quả đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, coi đây nhiệm vụ chính trị cần đặc biệt coi trọng. Nội dung các tuyến bài viết, chương trình cần chú trọng tập trung vào những vấn đề “nóng” mà các thế lực thù địch thường lợi dụng để xuyên tạc, chống phá: nhân quyền, tự do ngôn luận, vai trò lãnh đạo của Đảng, chủ quyền quốc gia, quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng, các nước lớn… với các luận điểm sắc sảo, có tính chiến đấu cao, có cơ sở lý luận và thực tiễn thuyết phục.

Thứ năm, chủ động tìm tòi, nghiên cứu để đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền, tạo sức mạnh tổng hợp trong tuyên truyền gương điển hình tiên tiến, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Huy động sự tham gia thống nhất, hiệp đồng tác chiến của các loại hình báo chí. Bám sát các sự kiện, nắm bắt thủ đoạn chống phá của các thế lực địch để có bài viết cung cấp thông tin chính xác, định hướng dư luận. Tăng cường xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chương trình, thời lượng thông tin tuyên truyền cổ vũ, biểu dương điển hình tiên tiến; đấu tranh phản bác, vạch rõ tính chất phản động, phản khoa học của các quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc, nhằm chia rẽ Đảng, Nhà nước và nhân dân của các thế lực thù địch, phản động.

Thứ sáu, quan tâm đến việc tuyên truyền nhằm xây dựng nền tảng tinh thần của con người và xã hội, trong đó phải làm tết việc giáo dục truyền thống, định hướng hệ giá trị, bồi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam cho thế hệ trẻ, truyền bá hệ tư tưởng Mác-Lênin, Hồ Chí Minh một cách thiết thực, sâu rộng, có tính thuyết phục cao; ngăn chặn xu hướng lai căng, pha tạp về văn hóa, coi thường các giá trị nhân văn; phê phán lối sống buông thả qua đó nâng cao khả năng đề kháng và phản bác của người dân trước những thông tin sai trái, thù địch.

Thứ bảy, chú trọng xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ lý luận cao, khả năng diễn đạt, luận chiến thuyết phục, có nhiệt huyết, dũng khí đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, cũng cần quan tâm đầu tư trang thiết bị phương tiện để những người làm báo tiếp cận được công nghệ làm báo hiện đại, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra trong tình hình mới.

Hồng Thúy