Báo chí thể hiện vai trò xung kích

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, báo chí là một trong 4 lực lượng tiên phong, các nhà báo tiếp tục thể hiện tinh thần dấn thân, cống hiến, ở đâu có hoạt động chống dịch, ở đó có báo chí. Những thước phim, tấm ảnh, những bài viết của các phóng viên đã tác động, lan tỏa mạnh mẽ trong dư luận xã hội. 

Cụ thể, báo chí đã thể hiện vai trò xung kích, chấp hành đúng các quy định pháp luật và sự chỉ đạo, định hướng thông tin của các cơ quan chức năng, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, đưa nhiều bằng chứng khẳng định Việt Nam đã và đang làm hết sức để phòng, kiểm soát Covid-19.

{keywords}
Ảnh minh họa

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 1/2 đến 31/5/2020, báo chí đã đăng tải tổng số 560.048 tin, bài về dịch COVID-19, trong đó, về sắc thái, tin tích cực chiếm tỷ lệ 41,96%; trung lập chiếm tỷ lệ 35,47%, tin tiêu cực chiếm tỷ lệ 22,56%. Khi Việt Nam bước sang trạng thái “bình thường mới”, tỷ lệ tin bài liên quan đến dịch COVID-19 vẫn được các cơ quan báo, đài tiếp tục duy trì từ 28-40% tỷ lệ tin, bài về phục hồi, phát triển kinh tế nhưng không chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Trong 5 tháng đầu năm 2020, trên không gian mạng Việt Nam có gần 17 triệu đề cập (dòng trạng thái, bình luận) liên quan tới tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam.

Cách thức truyền thông đa dạng, sinh động, vừa đảm bảo kỷ luật thông tin, không gây kích động trong xã hội, nhất là tại các đô thị lớn, nhưng lại đủ để đảm bảo người dân không chủ quan và chấp hành tốt việc phòng, chống dịch. Nhờ đó, Việt Nam có tỷ lệ lây nhiễm trên số dân thấp nhất và chi phí phòng chống dịch cũng thấp nhất. “Điều thần kỳ” và cũng là may mắn là không có ca tử vong vì Covid-19 tại Việt Nam.

Sự nỗ lực của báo chí đã được ghi nhận. Cuộc khảo sát của Tổ chức youGov (Anh) về mức độ tin tưởng của người dân một số quốc gia đối với tin tức trên báo chí về Covid-19 cho thấy, Việt Nam dẫn đầu trong số các quốc gia về niềm tin của người dân với tin tức trên báo chí, tỷ lệ lên tới 89%.

Hiếm có chiến dịch truyền thông nào triển khai với quy mô, tần xuất sâu rộng như thời gian qua với khối lượng tác phaqamr báo chí đồ sộ, xuất hiện dày đặc. Sự vào cuộc của báo chí đã khiến người dân cảnh giác hơn, có trách nhiệm hơn, tạo sự đoàn kết, đồng thuận xã hội để chống dịch thành công.

Chính vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi khảo sát của tổ chức YouGov cho thấy, Việt Nam dẫn đầu trong số quốc gia về niềm tin của người dân về thông tin trên báo chí.

Báo chí truyền năng lượng tích cực

Chuyển sang giai đoạn mới, người đọc cũng đang được tiếp sức bởi các thông tin tích cực, những thông tin về những tấm gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, cách làm ăn hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, đang chung sức đồng lòng góp phần đưa nền kinh tế đất nước sớm phục hồi sau dịch.

Trên khắp các mặt báo, tin tức tiêu cực đang được dần thay thế bởi những thông tin về những tấm gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, cách làm ăn hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, đang chung sức đồng lòng góp phần đưa nền kinh tế đất nước sớm phục hồi sau dịch.

Trong thư gửi các đại biểu tham dự Hội nghị Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu nói riêng và toàn thể cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, những năm qua, báo chí đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, phản ánh sinh động mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội; tích cực tuyên truyền các giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình, cách làm hay và tấm gương người tốt, việc tốt; đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, hòa bình, hữu nghị đến với bạn bè năm châu, bốn biển.

Các nhà báo luôn đi đầu trên mặt trận đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc cũng như bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội. Nhiều phóng viên đã không quản gian khổ, hy sinh, sẵn sàng “vào sinh, ra tử” trong “mưa bom, bão đạn” của chiến tranh hoặc đối mặt với những “hiểm nguy”, kịp thời có mặt tại những “điểm nóng”, “ổ dịch bệnh nguy hiểm” để hoàn thành sứ mệnh cao cả của người làm báo.

Để thực hiện mục tiêu kép, hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, Thủ tướng cho rằng, cần phải làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, truyền thông phải góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, công ty tốt, cách làm ăn hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch.

Truyền thông, thông tin phải góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đóng góp vào nỗ lực xử lý các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công, chú trọng phát triển thị trường trong nước đối với sức tiêu dùng gần 100 triệu dân đang tăng trưởng nhanh về thu nhập.

Chủ động thực hiện tốt thông tin đối ngoại, tuyên truyền những nỗ lực thành tựu Việt Nam, xây dựng hình ảnh Việt Nam là  điểm đến an toàn, hấp dẫn, năng động và giàu tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế.

Hồng Thúy