Bão số 2 (Prapiroon) đã đổ bộ vào bờ biển tỉnh Quảng Ninh rạng sáng nay (23/7), kết thúc chuỗi ngày kỷ lục, hơn 640 ngày không có bão đổ bộ đất liền. 

Chiều nay, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 2) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực các tỉnh Lạng Sơn - Quảng Ninh. Tuy nhiên, do hoàn lưu bão, tình hình mưa lớn ở các tỉnh miền Bắc còn rất phức tạp.

W-Ành 13.JPG.jpg
Công nhân môi trường dọn dẹp cây đổ sau bão sáng 23/7 tại TP Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh: Phạm Công

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão số 2 là một cơn bão phức tạp bởi nó hình thành từ áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Sự phức tạp của bão thể hiện ở 3 điểm về cường độ, tốc độ và hướng di chuyển. Cụ thể, từ khi hình thành cho đến khi đổ bộ vào Quảng Ninh, chưa đầy 36 tiếng, bão đã 4-5 lần thay đổi về quỹ đạo và 3-4 lần thay đổi về cường độ.

Theo các chuyên gia, cơn bão này tương đối mạnh trên biển với trạm Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) ghi nhận sức gió mạnh cấp 10, giật trên cấp 12. Khi vào đến gần bờ, cường độ bão suy giảm; thời điểm cập bờ ghi nhận cấp 6-7, giật cấp 8-9.

Đáng lưu ý, ông Khiêm nhận định: "Hoàn lưu bão gây mưa rất lớn, có nơi đã trên 200mm. Như vậy, hàm lượng hơi nước này rất nhiều, trong 2 ngày tới ở khu vực đất liền, đặc biệt ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, lượng mưa có nơi 200-300mm". 

"Với lượng mưa lớn trong thời gian ngắn, cần đề phòng ngập úng ở khu vực đô thị, vùng thấp. Tiếp đó là nguy cơ rất cao dẫn đến lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi”, ông Khiêm nhấn mạnh.

Nhận định khí hậu trong thời kỳ 1 tháng tới (đến 20/8/2024), Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lượng mưa khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ ở mức xấp xỉ trên so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ (cao hơn TBNN từ 5-20%); khu vực Trung Bộ mức thấp hơn từ 20-40%.

Cảnh báo về thiên tai, cơ quan khí tượng dự báo, đây là thời kỳ bão/áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện 1-2 cơn trên Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực đất liền.

Riêng về nắng nóng, dù mưa nhiều nhưng thời kỳ này vẫn là giai đoạn còn nhiều nắng nóng, đặc biệt ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Ngoài ra, trong thời kỳ dự báo, ngoại trừ khu vực Trung và Nam Trung Bộ, các khu vực khác sẽ có nhiều ngày mưa rào và giông; trong đó có khả năng xuất hiện một số đợt mưa vừa, mưa to diện rộng kéo dài khoảng 2-4 ngày.

Trên phạm vi cả nước tiếp tục đề phòng các hiện tượng giông, lốc, sét, mưa đá.

Thiên tai khắc nghiệt: Mưa, bão dồn dập vào cuối mùa

Cơ quan khí tượng nhận định, từ nay đến cuối năm thiên tai sẽ còn diễn biến phức tạp và cực đoan hơn khi chịu tác động của hiện tượng La Nina.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, dự báo từ nay đến tháng 9/2024, ENSO có thể chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 65-75% và có khả năng tiếp tục duy trì trong các tháng cuối năm và đầu năm 2025. 

La Nina xuất hiện rơi vào thời điểm mùa mưa ở khu vực Bắc Bộ cũng như miền Trung. Mùa mưa ở Bắc Bộ diễn ra khoảng từ tháng 7-9, Trung Bộ từ tháng 9-11.

Trong mùa mưa, với tổng lượng mưa lớn, cao hơn TBNN từ 10-30% sẽ gây nguy hiểm; đồng thời cũng làm gia tăng hiện tượng mưa lũ cục bộ, nguy cơ cao gây sạt lở và lũ quét ở vùng núi, ngập úng đô thị.

W-mua-lon-o-da-nang-1-1.jpg
Mưa lũ gây ngập úng nhiều nơi ở Đà Nẵng hồi tháng 10/2023. Ảnh: Hồ Giáp

Về bão và áp thấp nhiệt đới, theo đánh giá của cơ quan khí tượng, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng bão đang ít hơn so với trung bình; nhưng với sự xuất hiện của hiện tượng La Nina, thì sẽ nhiều lên.

Ông Hưởng cho biết: "Chúng tôi dự báo trong khoảng từ nay đến cuối năm 2024 có khoảng từ 11-12 cơn bão/áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên khu vực Biển Đông và có khoảng một nửa trong số đó có khả năng tác động đến đất liền nước ta. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng tập trung vào nửa cuối mùa bão".

“Đề phòng khả năng bão/áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông”, ông Hưởng nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm cũng cho biết, từ tháng 11/2024 - 1/2025, ENSO sẽ duy trì ở trạng thái La Nina với xác suất khoảng 70-80%. 

Với xu thế trên, dự báo thời kỳ này, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 3-4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; trong đó có khoảng 1-2 cơn đổ bộ vào đất liền. 

Ngoài ra, không khí lạnh bắt đầu hoạt động từ tháng 9-10/2024 và gia tăng cường độ, tần suất trong tháng 12/2024, tháng 1/2025, cũng khả năng xuất hiện rét đậm, rét hại...