Gạo Việt Nam trở lại “ngôi vương”
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn NN&PTNT), cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2023 có sự tham gia của hơn 10 quốc gia và 30 mẫu gạo đã được gửi dự thi.
Năm nay, Việt Nam cử đến cuộc thi 3 doanh nghiệp với 6 loại gạo đi dự thi. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí dự thi gạo ST24, ST25; Tập đoàn Lộc Trời dự thi gạo LT28 và Nàng Hoa 9; Tập đoàn Thái Bình Seeds dự thi với hai loại gạo TBR39 -1 và nếp A Sào.
Kết quả chung cuộc, gạo Việt Nam đã trở thành gạo ngon nhất thế giới. Kết quả này thêm một lần nữa khẳng định chất lượng cũng như uy tín của gạo Việt trên thị trường quốc tế, khẳng định quá trình tái cơ cấu ngành lúa gạo của Việt Nam đã đi đúng hướng và đã gặt hái được những thành quả quan trọng.
Đây không phải lần đầu tiên gạo Việt Nam giành giải gạo ngon nhất thế giới, nhưng để giữ vững được ngôi vương là điều khó khăn. Mục tiêu đưa nông nghiệp nói chung, canh tác cây lúa nói riêng theo hướng xanh, sạch, hữu cơ; đưa được nông sản Việt tiến gần hơn với thị trường quốc tế, lên được bàn ăn của người tiêu dùng toàn cầu sẽ là sự phấn đấu bền bỉ.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2023 đạt 4,41 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, giá gạo Việt Nam đã vươn lên vị trí cao nhất thế giới trong bối cảnh thị trường lương thực toàn cầu đang có những biến động bởi các cuộc xung đột. Do đó, thông tin gạo Việt Nam được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến hình ảnh gạo Việt, cũng như nâng cao được vị thế xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Nâng cao vai trò của các hợp tác xã trồng lúa
Quay lại với người nông dân trồng lúa và vai trò của các HTX nông nghiệp – nơi những hạt gạo ngon nhất thế giới được tôn vinh có bàn tay canh tác của họ, dù xuất khẩu dưới các thương hiệu của các doanh nghiệp. Các cụ thường nói “nông vi bản”, trong nghề nông thì nông dân vẫn là lực lượng lao động chính dù sản xuất nông nghiệp đang ngày càng được cơ giới hóa khi máy móc thay thế con người. Việc liên kết 4 nhà: Nhà nước - Nhà nông – Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp là bất biến, trong đó vai trò của các HTX nông nghiệp có vai trò trung tâm.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chính thức phê duyệt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Trong đề án này, ngoài giữ vững được diện tích trồng lúa chất lượng cao (1 triệu ha), xây dựng được các thương hiệu gạo mạnh như: ST24, ST25, Hạt Ngọc trời, Nàng Hoa 9; TBR39 -1 hay nếp A Sào… thì việc xây dựng các HTX nông nghiệp đủ mạnh để có thể triển khai sản xuất lúa gạo theo hướng công nghiệp/cơ giới hóa (cánh đồng mẫu lớn) nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ, sản xuất xanh. Bên cạnh đó, chỉ khi đảm bảo được vùng trồng lúa tiêu chuẩn chất lượng cao thì khi đó, công việc bảo vệ thương hiệu nông sản, chống lại hàng nhái mới có kết quả.
Hẳn mọi người còn nhớ câu chuyện gạo ST25 bị một số doanh nghiệp tại Mỹ nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ gây xôn xao trên dư luận năm 2021; sau đó bị mất danh hiệu trong cuộc thi “gạo ngon nhất thế giới” năm 2022 để lại cho chúng ta nhiều bài học. Năm 2023 này, khi ST25 trở lại ngôi vương, ngoài câu câu chuyện bảo hộ thương hiệu, khắc phục tình trạng gạo ST25 bị nhái bày bán tràn lan trên thị trường, thì bảo vệ vùng sản xuất (xây dựng các cam kết với các HTX) là điều rất quan trọng.
Theo Ths. Vũ Xuân Trường, chuyên gia thương hiệu (Viện Nghiên cứu chiến lược cạnh tranh và thương hiệu – BCSI), bảo vệ thương hiệu nông sản chưa bao giờ là việc dễ dàng. Những trường hợp bị nhái thương hiệu, nhái sản phẩm cả ở trong nước lẫn thị trường quốc tế như cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre, cà phê Buôn Ma Thuột, gạo đặc sản… ngày càng phổ biến. Nếu ở khâu thị trường, việc bảo hộ nhãn hiệu là cuộc chiến quyền sở hữu thương mại thì khâu sản xuất, các HTX nông nghiệp liên kết với các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo phải là hậu phương vững chắc giữ được “thế trận”.
Cùng quan điểm này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ: “Từ 2021 sau vụ gạo ST25, Bộ Công thương đã kiến nghị Chính phủ xem xét, thí điểm giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, hiệp hội ngành hàng, chọn ra các sản phẩm xuất khẩu có thương hiệu tốt để hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trên các thị trường xuất khẩu trọng điểm phù hợp các quy định của WTO. Do đó, khi đã có tem nhãn xuất xứ, các biện pháp bảo hộ đẩy đủ thì vùng trồng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế sẽ là cam kết mạnh mẽ nhất, thẻ bài uy tín nhất để nông sản của bất cứ HTX nào có thể tiến vào những thị trường khó tính nhất”.