Trong cuộc họp mới nhất của Chính phủ hôm 4/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp: Phải xây dựng chính phủ trong sạch.
Ông cho rằng sau khi đã kiện toàn 21 thành viên của Chính phủ thì nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề. Ưu tiên hàng đầu là tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các chỉ tiêu mà Nghị quyết của Đảng đã đặt ra.
Về phần Chính phủ, ông “Đề nghị Chính phủ phấn đấu xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính, nói không với tham nhũng, tiêu cực và không lãng phí, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ phải làm gương cho xã hội; rà soát lại những sơ hở trong quản lý, điều hành để xảy ra tham nhũng, lãng phí”.
Có thể nói Nghị quyết của Đảng có được thực hiện phải bắt đầu từ Chính phủ, trong đó công tác xây dựng thể chế, đặc biệt là thể chế phù hợp với sự phát triển của trình độ công nghệ, của quy luật kinh tế. Một Chính phủ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nghĩa là một chính phủ kiến tạo phát triển.
Ông cũng yêu cầu Chính phủ đặt 2016 là năm khởi nghiệp quốc gia, nhất là với người trẻ. Chính phủ bảo hộ quyền kinh doanh, quyền tài sản của nhân dân, củng cố niềm tin thị trường để doanh nghiệp yên tâm hoạt động.
Có thể thấy hai việc mà Thủ trướng đã tập trung chỉ đạo quyết liệt đó là coi doanh nghiệp là đầu tàu là hạt nhân của sự phát triển. Chính cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là phát súng mở đầu cho một Chính phủ “kiến tạo phát triển”. Việc thứ hai tức là phải sửa mình, phải bắt đầu từ Chính phủ.
Chúng ta nói nhiều đến kinh tế chậm phát triển, tham nhũng tràn lan vẫn “phát triển ổn định”, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt…và nhiều hệ lụy khác cần tháo gỡ thì có lẽ nơi chịu nhận trách nhiệm giải quyết trước tiên phải bắt đầu từ Chính phủ, các thành viên của Chính phủ.
Tại sao lại là Chính phủ?
Phiên họp Chính phủ đầu tiên dưới sự điều hành của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điều hành. |
Các doanh nghiệp khó khăn, giải quyết thế nào? Nông nghiệp muốn phát triển bền vững ra sao, cần đến chính sách và chỉ đạo của Chính phủ. Tham nhũng, trật tự an toàn xã hội bất an- Chính phủ phải rà soát xem lại thông tư, nghị định, chính sách và dội quân thực hiện của mình…Đảng có nghị quyết đó là cương lĩnh thứ nhất, tổ chức thực hiện thế nào là cương lĩnh thứ hai mà điều đó chỉ có thể là chỉ đạo của Chính phủ.
Một chính phủ có đủ năng lực, một chính phủ kiến tạo, một chính phủ có các thành viên không tham nhũng chắc chắn sẽ là đầu tàu để đưa đất nước phát triển.
Từ lâu chúng ta đã có phân cấp quản lý song cách thức làm việc chưa phát huy vai trò cá nhân. Thành tích thì của cá nhân nhưng khi có khuyết điểm thì tập thể chung chung chẳng ai chịu trách nhiệm. Ta hay nói quả bóng trách nhiệm khi có vụ việc được đá đi khắp nơi mà không có địa chỉ cụ thể, không ai chịu trách nhiệm, không ai từ chức. Nhân dân thường nói mỉa mai: Sao sợi dây trách nhiệm dài thế rút mãi không hết. Khi có sai trong thực tiễn nhưng kiểm điểm lại tất cả đều hoàn thành nhiệm vụ.
Câu nói của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ về an toàn thực phẩm rất chí lý. Không đồng tình với phát biểu của 2 bộ trưởng, Bí thư TP HCM Đinh La Thăng thẳng thắn nói: “Thưa anh Phát và chị Tiến, anh chị nói rằng các bộ phối hợp với nhau rất tốt, nhưng dân bây giờ vẫn ăn bẩn thì tốt cái gì? Nói thế không được. Nói thế thì tức là bảo dân cứ tạm thời ăn bẩn đi, chúng tôi còn phải có lộ trình à? Cần phải có biện pháp rất nhanh”.
Thật ra tham nhũng chẳng đâu xa và cũng không đến mức khó tìm, khó giải quyết. Tất cả người đứng đầu 1 bộ, một tỉnh thành khi đã trong sạch không tham nhũng như mục tiêu mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra xây dựng một chính phủ trong sạch thì chắc chắn cấp dưới phải chùn tay, những kẻ chuyên ăn bẩn sẽ phải coi chừng. Một chính phủ mạnh, một chính phủ trong sạch là phải bắt đầu từ các bộ phải trong sạch phải mạnh và bắt đầu từ người đứng đầu. Chỉ có họ mới biết được những thông tư những quy định trong bộ ngành mình còn có kẽ hở nào, có quy định nào để kẻ gian lợi dụng.
Ở ta vấn đề “hoa hồng” trong các dự án, trong các phi vụ làm ăn đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Chính vì thế các dự án “chưa cần thiết hoặc có cũng được không có chẳng sao” đua nhau nở rộ. Có dự án là có “hoa hồng”. Và người đi ký được hưởng “hoa hồng”, “lại quả” như một lẽ đương nhiên. Và điều đó lý giải vì sao nhiều dự án không phát huy hiệu quả, làm ô nhiễm môi trường…vẫn cứ được nhập về. Những ụ nổi, xi măng lò đứng, công nghệ lạc hậu hàng chục năm, hàng 20 năm vẫn cứ được mua. May vừa rồi phi vụ nhập hàng trăm toa xe, khối rác khổng lồ mà người ta đã sử dụng 20 năm chuẩn bị thải sang Việt Nam bị chặn lại.
Còn mấy phi vụ quan chức ta phải vào tù bởi cái thứ “lại quả”, “Hoa hồng” không phải là văn hóa xứ người nên bị họ phanh phui.
Nói như vậy là để thấy, muốn có Chính phủ sạch phải bắt đầu từ người đứng đầu các bộ, các tỉnh thành. Nghị định, chủ trương, dự án… cũng từ đó mà ra. Kẽ hở cũng từ đó mà ra.
Động lực là doanh nghiệp, cần phải cởi trói, cần phải tạo điều kiện. Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế là thông điệp gần dân của Thủ tưởng Chính phủ đã thực hiện trong thời gian vừa qua. Và đến lượt mình, tức Chính phủ ông yêu cầu cần xây dựng một Chính phủ kiến tạo, chính phủ trong sạch không tham nhũng cũng chính là những bước đi phù hợp, là những nút mở cho sự phát triển.
Và vấn đề còn lại là thực hiện.
Nguyễn Đăng Tấn