Xuất khẩu tăng cao, bất chấp đại dịch
Là một nền kinh tế có độ mở cao, xuất khẩu luôn được đánh giá là thế mạnh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Khi Covid-19 lan rộng ở Bắc Ninh, Bắc Giang hồi tháng 5 và các tỉnh phía Nam từ tháng 6 đến nay, xuất khẩu vẫn có được những kết quả ấn tượng.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam dự kiến đạt 428,82 tỷ USD, tăng mạnh 27,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% và trị giá nhập khẩu ước đạt 216,27 tỷ USD, tăng 33,8%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 8 tháng năm 2021 tăng so cao với cùng kỳ năm trước: Thép cán tăng 48,3%; linh kiện điện thoại tăng 43,9%; ô tô tăng 27,9%; sắt, thép thô tăng 13,7%; giày, dép da tăng 12,5%...
Ở một số địa phương như Quảng Ninh, sản xuất trang phục tăng gấp 9,3 lần nhờ bổ sung sản phẩm từ doanh nghiệp mới Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long. Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng gấp 8-9 lần do các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đi vào hoạt động từ quý IV/2020, tăng cường và mở rộng sản xuất trong 8 tháng năm 2021 như công ty Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly, Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Pully, Công ty BUMJIN ELECTRONIC VINA, Công ty TNHH Competition; công ty TNHH Electronic Vina,...
Đạt được kết quả trên là do các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc,... đã phần nào kiểm soát được dịch bệnh, nhu cầu thế giới tăng cao, đặc biệt là giá cả nhiều loại hàng xuất khẩu tăng mạnh.
Song, xuất khẩu của Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, bạn hàng đắn đo hợp tác vì dịch bệnh Covid-19 trong nước, nhất là các tỉnh phía Nam vẫn phức tạp. Điều này đòi hỏi công tác phòng chống dịch bệnh, kết hợp với duy trì sản xuất đang gặp thách thức lớn.
Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng đóng cửa do không đáp ứng được sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, dịch vụ logistics bị gián đoạn do mỗi địa phương còn những cách áp dụng khác nhau đối với hàng hóa... khiến hoạt động xuất khẩu từ tháng 8 cũng bộc lộ sự “đuối sức” khi trị giá xuất khẩu giảm nhẹ 6%.
Nhìn chung, nếu sớm kiểm soát được các đợt bùng phát dịch trước ngày 15/9 thì cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 vẫn còn rất lớn. Đó cũng là động lực để cán cân thương mại xoay chiều, thay vì mức nhập siêu khá cao là 3,71 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm nay. Câu chuyện "hồi sinh" của Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc,... trong những tháng gần đây là bằng chứng rõ rệt.
Một con số khả quan khác là dòng vốn FDI vẫn đang chọn Việt Nam là điểm đến. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/8, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đạt 19,12 tỷ USD, chỉ giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, số vốn đăng ký cấp mới dù giảm 36,8% về số dự án nhưng vẫn tăng 16,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước, điều này cho thấy quy mô dự án FDI có dấu hiệu tăng lên.
Tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 sẽ quyết định kết quả kiểm soát dịch Covid-19, đưa nền kinh tế sang trạng thái bình thường mới. Ảnh: Đoàn Bổng |
Thu ngân sách cả nước vượt 1 triệu tỷ, tăng mạnh
Xuất nhập khẩu sôi động trong những tháng đầu năm giúp số thu ngân sách từ hoạt động này cũng tăng mạnh. Theo Tổng cục Hải quan, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu tính đến 30/8 đạt 256.920 tỷ đồng, bằng 81,56% dự toán được giao, bằng 77,6% chỉ tiêu phấn đấu, tăng tới 29,35% so với cùng kỳ năm trước.
Số thu từ xuất nhập khẩu không phải là con số duy nhất có mức tăng trưởng mạnh.
Bộ Tài chính cho hay, lũy kế thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm ước đạt trên 1 triệu tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020 (ngân sách trung ương ước đạt 71,4% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 78,9% dự toán).
Trong đó, thu nội địa 8 tháng ước đạt 820,4 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, tăng 12% so cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 đạt 57,9% dự toán, giảm 9,9%).
Con số thu ngân sách nêu trên càng tích cực hơn khi từ đầu năm đến nay, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã có nhiều chính sách miễn giảm thuế, phí; giãn nộp tiền thuế, tiền thuê đất... cho người dân, doanh nghiệp. Đây đều là những yếu tố làm giảm thu ngân sách.
Điều đó cho thấy các hoạt động kinh tế trong nước những tháng đầu năm còn khá sôi động, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã góp phần “hà hơi tiếp sức” cho các doanh nghiệp trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh.
Bộ Tài chính cho rằng, kết quả thu 8 tháng như trên là tích cực nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020, một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, duy trì được mức tăng trưởng khả quan (như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản,... ) tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Song, tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp. Đáng chú ý, do ảnh hưởng của đợt dịch tái bùng phát từ tháng 4, diễn biến thu nội địa giảm dần từ tháng 4 đến nay, dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong các tháng tới.
Dù sao, khi ngân sách vẫn còn tăng trưởng thì đó vẫn là điều đáng vui mừng. Bởi, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đang cần rất nhiều nguồn lực để phòng chống dịch bệnh. Điều này cũng làm giảm áp lực chi trả nợ vay, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho hàng triệu người dân bị ảnh hưởng vì phải chịu giãn cách xã hội.
Từ nay cho đến khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất được diễn ra trong trạng thái bình thường mới, nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ chịu những rủi ro. Sự quyết liệt trong việc phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin Covid-19, tinh thần vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, người dân sẽ giúp nền kinh tế sớm lấy lại đà tăng trưởng, tạo nền tảng để đi lên.
Hà Duy
Điều kiện mở dần, để nền kinh tế sớm thoát 'tổn thương'
Những dữ liệu về kinh tế đang xấu đi khiến không ít người sốt ruột. Việc giãn cách xã hội như thế nào, ra sao, bao lâu và cách nào thoát khỏi tình trạng này là điều nhiều người quan tâm.