Mới đây, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức hội nghị công bố Đề án Chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án gần 1.300 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bến Tre Trịnh Minh Châu, Đề án đề ra mục tiêu chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Đề án còn đặt mục tiêu ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường đồng thời, xây dựng Bến Tre trở thành trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghệ số, đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, là địa phương tiêu biểu về chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch và nông nghiệp.

{keywords}
Trước mắt, Bến Tre sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trên một số lĩnh vực ưu tiên như: y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp.

Theo đó, giai đoạn 2020-2025, tỉnh Bến Tre phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến đảm bảo mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

60% dữ liệu quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã được số hóa, lưu trữ tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh và đưa vào khai thác hiệu quả; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý…

Đến năm 2025, Bến Tre thuộc nhóm 30 tỉnh dẫn đầu trong xếp hạng về công nghệ thông tin; kinh tế số chiếm tối thiểu 10% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 5%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 5%.

Ngoài ra, tỉnh phấn đấu hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có khoản thanh toán điện tử trên 50%.

Tỉnh Bến Tre phấn đấu đến năm 2030, 100% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% dữ liệu quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã được số hóa, lưu trữ tập trung tại trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh và đưa vào khai thác hiệu quả….

Ông Trịnh Minh Châu cho hay, để Đề án đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực, tỉnh đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện như: Phát triển nền tảng cho chuyển đổi số; phát triển chính quyền số; phát triển kinh tế số; phát triển Xã hội số và chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên.

Cụ thể, tỉnh Bến Tre yêu cầu người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách; tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân, doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số.

Trước mắt, Bến Tre sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trên một số lĩnh vực ưu tiên như: y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp.

Lê Thuý