Dự thảo về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam nêu quan điểm về sự cần thiết duy trì quản lý của nhà nước, giám sát về phát triển ĐMTMN.
Theo đó, chỉ khuyến khích ĐMTMN tại nhà dân, công sở; không đưa các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, cảng hàng không, cảng biển, ga đường sắt, bến xe... vào đối tượng phát triển ĐMTMN.
Đặt trách nhiệm cho… hộ gia đình
Đây là sự lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên của quốc gia trong phát triển nguồn điện, đặc biệt trong bối cảnh các tỉnh, thành miền Bắc đang thiếu nguồn điện trầm trọng.
Bản Dự thảo cũng không cho phép các nhà đầu tư hợp tác với người dân, tổ chức sở hữu/sử dụng nhà, tòa nhà công sở để lắp đặt ĐMTMN tự sản, tự tiêu theo thỏa thuận giữa hai bên với lý do lắp đặt ĐMTMN để tự sử dụng, không nhằm mục tiêu kinh doanh.
Đây là sự cấm đoán rất phi lý, thậm chí không tương thích với Quy hoạch điện VIII vừa được thông qua vốn khuyến khích có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đến năm 2030.
Cơ quan soạn thảo bản Dự thảo nhấn mạnh là không cần ban hành cơ chế khuyến khích để lắp đặt ĐMTMN, với lý do chỉ cần khoảng 12,5% nhà dân trên cả nước lắp mỗi gia đình 1 kW trong năm 2023 là đã hoàn thành mục tiêu tăng thêm về điện mặt trời mái nhà cho cả kỳ quy hoạch (năm 2021 - 2030). Đây là chưa kể ĐMTMN của cơ quan công sở, ĐMT tự sản, tự tiêu đã có thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM trước đó.
Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, liên quan đến cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở tại Việt Nam, Bộ Công thương cho hay, tại Quyết định số 500 phê duyệt Quy hoạch điện 8 có đặt ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng ĐMTMN tự sản, tự tiêu với công suất 2.600 MW, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia.
Theo Bộ Công thương, vẫn cần thiết có sự quản lý của nhà nước, giám sát về phát triển ĐMTMN đúng với cơ cấu nguồn và phù hợp với Quy hoạch điện VIII được phê duyệt. Thế nên, Bộ này kiến nghị cho phép ĐMTMN tự sản, tự tiêu, tự sử dụng được liên kết với lưới điện (đấu nối sau công tơ mua điện), nhưng không phát điện lên lưới. Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành cơ chế khuyến khích.
Như vậy, cơ chế khuyến khích ĐMTMN đặt trọng tâm vào hộ gia đình, hay nói cách khác, 50% hộ gia đình ở Việt Nam được khuyến khích lo phát triển ĐMTMN để tự sản, tự tiêu với tổng công suất chỉ gần gấp rưỡi công suất nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Vai trò, quyền lợi của doanh nghiệp ở đâu?
Ngay sau khi có thông tin Bộ Công Thương chỉ khuyến khích ĐTMMN của nhà dân và công sở, một nhà đầu tư năng lượng tái tạo đã bày tỏ sự khó hiểu với VietNamNet về sự khó hiểu đến vô lý đó.
Trong khi, lợi ích từ ĐMTMN ở các khu công nghiệp là rất lớn cho cả Nhà nước, EVN, doanh nghiệp mua điện và doanh nghiệp đầu tư điện, đặc biệt là khi miền Bắc đang trong tình trạng thiếu điện như hiện nay.
Bộ Công Thương - với vai trò và nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung điện và dẫn dắt ngành năng lượng phát triển - lại đang “được” các bộ khác đề nghị về việc cần có chính sách ưu đãi thật sự để có thể khai thác được lợi ích của mô hình này. Bản thân EVN cũng nhiều lần đề xuất với Bộ Công Thương về việc ban hành chính sách đó, nhà đầu tư trên tiếp tục thắc mắc.
Các bộ, ngành khi góp ý cho cơ chế khuyến khích ĐMTMN của Bộ Công thương, đều muốn mở rộng đối tượng lắp đặt như trường học, bệnh viện, công trình tăng gia sản xuất, hộ nông dân có trang trại, nhà kho gắn liền với nhà ở được hưởng chính sách hỗ trợ, trụ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, cảng hàng không, ga đường sắt, bến xe, cảng,...
Đáp lại, Bộ Công Thương giải thích ngắn gọn rằng: Đối tượng Bộ Công Thương thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Thông báo số 219/TB-VPCP.
GS Lê Chí Hiệp, Đại học Bách khoa TP.HCM bày tỏ đồng tình với chủ trương "điện mặt trời áp mái phải tự sản tự tiêu" trong quy hoạch điện VIII, nhưng nhấn mạnh: Nếu không quy định cụ thể khái niệm này sẽ dẫn đến việc không thành công.
"Nếu chỉ nghĩ đến làm ĐMTMN ở các hộ dân, công sở thì không giải quyết được vấn đề gì. Muốn có kết quả, đóng góp sản lượng lớn vào hệ thống điện quốc gia thì phải suy nghĩ về quy mô của điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp. Chúng ta cũng phải tổ chức xây dựng hệ thống liên kết thế nào giữa các doanh nghiệp trong một khu công nghiệp”, ông Hiệp chia sẻ.
Trên VietNamNet, TS. Lê Hải Hưng, Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, đánh giá thẳng thắn: Đề xuất của Bộ Công Thương là “không ổn”, thậm chí “không phù hợp Quy hoạch điện VIII”.
“Quy hoạch điện VIII khuyến khích ĐMTMN tự sản tự tiêu. Nếu tự sản tự tiêu được tại sao không cho nhiều đối tượng lắp đặt điện mái nhà. Bộ Công Thương có vẻ đang lúng túng trong việc đề xuất cơ chế cho vấn đề này”, ông Hưng nói.
“Bộ Công Thương nên mở rộng cho mọi đối tượng muốn lắp đặt ĐMTMN”, ông Hưng đề xuất và ví von: “Chúng ta muốn có một buổi hòa nhạc thật hay nhưng lại không chuẩn bị chỗ ngồi cho đông đảo khán giả vào nghe”.
TS. Lê Hải Hưng dẫn chứng: Tại TP.HCM, nơi có cường độ bức xạ mặt trời khoảng 4,5 kWh/m2/ngày, một hộ gia đình bình quân tiêu thụ điện 36kWh/ngày muốn lắp đặt một hệ điện mặt trời áp mái để tạo ra điện năng tương đương với điện năng đã sử dụng.
Tính toán cho thấy, hộ này phải lắp đặt hệ điện mặt trời áp mái công suất 8kWp (8kWp x 4,5 kWh/m2/ngày = 36kWh (36 số điện, vừa đủ điện năng gia đình dùng trong một ngày).
“Sự trớ trêu là ở chỗ, gia đình này hầu như không được sử dụng điện năng 'của nhà mình' tạo ra bởi ban sáng nhu cầu sử dụng điện nhiều thì điện mặt trời chưa phát. Ban trưa khi điện mặt trời phát tốt nhất thì không ai ở nhà. Buổi tối về nhà nhu cầu dùng điện rất cao thì hết nắng. Trạm điện mặt trời áp mái của gia đình này vô hình trung đã 'ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" - TS. Lê Hải Hưng hoài nghi việc dự báo về một làn sóng lắp đặt ĐMTMN ở nhà dân và công sở.
Góp ý cho chính sách ĐMTMN, một nhà đầu tư cho rằng: Bộ Công Thương cần khẩn trương đánh giá khoa học về tiềm năng điện mặt trời áp mái khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng điện hiện hữu để tính toán quy mô điện mặt trời áp mái tối đa cho từng khu vực, có chính sách rõ ràng cho việc đấu nối và giá mua điện mặt trời thừa (khi nhà xưởng không hoạt động vào cuối tuần, ngày lễ,... ) vừa có lợi cho EVN và vừa khuyến khích mô hình này phát triển.
Việc áp dụng cơ chế bù trừ điện năng cũng cần nghiêm túc tính đến. Những nỗ lực làm chính sách liên quan đến điện năng lượng tái tạo của Bộ Công Thương ở thời điểm hiện tại sẽ là yếu tố quyết định để mô hình này được nhân rộng, mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan, đặc biệt là cải thiện nguồn cung điện quan trọng cho miền Bắc trong vài năm tới.
Thể chế cho ĐMTMN đang bó hẹp cơ hội chính đáng của nhiều doanh nghiệp. Muốn phát triển bền vững, ổn định và hiệu quả thì chính sách cho ĐMTMN cần được cởi mở, phù hợp với quy luật thị trường, mà điều đó thì bắt đầu từ tư duy chính sách.
Phát triển nguồn điện phải gắn với cam kết COP26
Về phát triển ngành điện, Việt Nam còn cần đưa ra các chính sách và thực thi chính sách để hiện thực hóa cam kết “Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050” tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26).
Vì vậy, trong phát triển nguồn điện của Quốc gia, cần phải gắn với cam kết của Chính phủ tại COP26, tức là tập trung ưu tiên và huy động các nguồn lực phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo mà trước hết là ĐMT và điện gió.
Xin trích dẫn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 ngày 14/7/2023: “Chúng ta cũng tham gia hội nhập quốc tế, ký nhiều các Hiệp định FTA, một trong những động lực tăng trưởng của Việt Nam là xuất khẩu, nhưng xuất khẩu phải bảo đảm xanh. Đây là yêu cầu khắt khe của thế giới. Các nước đều bàn đến tăng trưởng xanh, do đó Việt Nam không có tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, bảo đảm đời sống nhân dân thì rất khó hội nhập".
Thủ tướng đã chỉ đạo: “Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện Cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và các khách hàng sử dụng điện lớn để đẩy nhanh các dự án chuyển đổi năng lượng công bằng, nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam. Việc này là hết sức cần thiết vì các cơ quan, doanh nghiệp, các khu công nghiệp, tòa nhà hành chính, hồ đập cũng rất cần các quy định này để triển khai phát triển điện mặt trời áp mái; ban hành quy định khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán/áp mái; hoàn thiện Chiến lược sản xuất hydrogen tại Việt Nam; đồng thời xây dựng một chương trong Luật Điện lực trình Chính phủ ...”.
Để đủ nguồn điện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và thực hiện cam kết của Chính phủ tại COP26, cần lấy cạnh trạnh công bằng, lành mạnh trong sản xuất kinh doanh và mục tiêu tăng trưởng xanh làm cơ sở đề ra các chủ trương, giải pháp phát triển ngành điện.
Xem lại bài 1: Cần thực hiện cơ chế ‘Khoán 10’ với ngành điện
Nguyễn Huy Viện