6h6 phút sáng ngày 8/11, tổng đài trực cấp cứu Bệnh viện E kêu vang. Thạc sĩ điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Loan, Tổ Chăm sóc khách hàng - Phòng Công tác xã hội trực tổng đài, trả lời: “Alo, Cấp cứu ngoại viện Bệnh viện E xin nghe!”. Sau khi tiếp nhận thông tin ban đầu của người bệnh từ Trung tâm cấp cứu 115, chị Loan gọi báo cho ca trực cấp cứu. Ngay lập tức, hệ thống cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện E khởi động: xe cấp cứu được điều động, một kíp trực cấp cứu (gồm 1 bác sĩ, điều dưỡng) tức tốc đến hiện trường… vào lúc 6h10 phút.

Địa chỉ nhà người bệnh cách Bệnh viện E khoảng 5km. Chỉ 10 phút sau, xe cấp cứu đã có mặt (6h20 phút). Ê-kíp bác sĩ nhanh chóng tiếp nhận người bệnh, sơ cứu tại chỗ, đánh giá dấu hiệu sinh tồn.

400111866 786976586771949 8862524242080707846 n.jpg
Bệnh nhân được cấp cứu tại Bệnh viện E. Ảnh: BVCC. 

6h25 phút, người bệnh được đưa lên xe cấp cứu, cho thở oxy và chuyển đến bệnh viện theo đúng chuyên khoa.

6h35 phút, kíp cấp cứu đã đưa người bệnh vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện E. Tại đây, các bác sĩ tiếp tục tiến hành cấp cứu, đánh giá lại dấu hiệu sinh tồn và chỉ định các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, sử dụng thuốc cấp cứu giúp người bệnh qua cơn nguy kịch…

Bác sĩ Vũ Việt Sơn, Khoa Nội Gan mật, Bệnh viện E, người tham gia trực tiếp cấp cứu, cho biết bệnh nhân may mắn là người đầu tiên được sử dụng hoạt động “vận chuyển người bệnh cấp cứu ngoại viện”. Đây là người bệnh có tiền sử xơ gan do uống rượu nhiều, viêm gan B từ nhiều năm nay. Người bệnh đã từng điều trị tại khoa Nội Gan mật, Bệnh viện E.

Trước đó, tối 7/11, người bệnh có biểu hiện chướng bụng, sốt cao, khó thở, tiểu ít… Rạng sáng 8/11, tình trạng bệnh nhân càng trầm trọng, người nhà đã gọi 115, đưa người đàn ông này vào Bệnh viện E. Các bác sĩ đánh giá người bệnh có tiên lượng rất nặng, với hiện tượng sốc, huyết áp tụt, mạch chậm, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong. 

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Xuân Hiếu, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện E, cho biết từ ngày 1/11, Bệnh viện E phối hợp với Trung tâm cấp cứu 115 triển khai chương trình cấp cứu ngoại viện. Tổ cấp cứu ngoại viện đã tiếp nhận thông tin cuộc gọi của người dân và xử lý cấp cứu kịp thời cho người bệnh.

Theo bác sĩ này, việc cấp cứu trong thời gian và có sự hỗ trợ chuyên môn của nhân viên y tế sẽ giúp tăng tỷ lệ cứu sống người bệnh. Ví dụ, đối với người bệnh đột quỵ (đột quỵ não và đột quỵ tim), khoảng thời gian vàng cho việc cấp cứu là 3-4 giờ đầu sau khi khởi phát. Nếu người bệnh được cấp cứu kịp thời và đưa đến bệnh viện đúng lúc, cơ hội sống và phục hồi rất cao.

Thực tế, nhiều trường hợp chấn thương do tai nạn, thảm họa… không được xử trí cấp cứu ban đầu, không được kiểm soát các chức năng sống (đường thở, hô hấp, tuần hoàn), không được băng bó, cầm máu, cố định xương gãy đúng cách… đã làm mất cơ hội cứu chữa, thậm chí tử vong trước khi được đưa đến viện.