Tại buổi lễ, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ về vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của chính sách BHXH, BHYT; đồng thời thông tin những kết quả ấn tượng trong thực hiện các chính sách này thời gian qua với diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng tăng.
Đặc biệt, năm 2022, số người tham gia BHYT gần 91,1 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số và là 1 trong 7 chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch năm 2022 được Quốc hội, Chính phủ giao. Khối lượng công việc của ngành phục vụ người dân ngày càng tăng. Chất lượng dịch vụ về BHXH, BHYT của ngành được cải thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện với người tham gia, với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”.
Để đạt được những kết quả đó, công tác phối hợp triển khai chính sách BHXH, BHYT, BHTN giữa cơ quan BHXH Việt Nam và các bộ, ban, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có Tổng LĐLĐ Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, việc phối hợp chặt chẽ của 2 cơ quan thời gian qua đã giúp phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống, góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức, giúp người dân nói chung và các Đoàn viên Công đoàn nói riêng thực hiện tốt nghĩa vụ và được đảm bảo quyền lợi chính đáng về BHXH, BHYT.
Phát huy những kết quả đạt được, tại hội nghị, BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam ký Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2023-2028. Quy chế này có 3 Chương, 15 Điều được xây dựng trên cơ sở Quy chế phối hợp giai đoạn 2015-2020, khắc phục những hạn chế trong việc triển khai quy chế cũ và giải quyết những vấn đề mới, nảy sinh trong thực tiễn; đồng thời nhằm cụ thể hoá quan điểm của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH; Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới…
Theo Quy chế phối hợp, giai đoạn 2023-2028, BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tập trung triển khai, thực hiện 11 nội dung phối hợp như: nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất, kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; thông tin, truyền thông chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; chỉ đạo, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN, bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN;
Giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết đơn, thư về BHXH, BHYT, BHTN; thực hiện khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; báo cáo, trao đổi thông tin, nội dung phục vụ công tác quản lý; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học về BHXH, BHTN, BHYT; hợp tác quốc tế về lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT; trao đổi thông tin về các đơn vị tham gia BHXH và các đơn vị mới thành lập tổ chức công đoàn.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tin tưởng rằng, thời gian tới, hai cơ quan sẽ tiếp tục phát huy và triển khai thành công quy chế phối hợp giữa hai bên, mang lại hiệu quả cao hơn, góp phần để ngày càng có nhiều người dân, người lao động được tham gia vào “lưới” an sinh để được đảm bảo, thụ hưởng quyền lợi an sinh xã hội.
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, giai đoạn 2023-2028, hai cơ quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nội dung phối hợp; đặc biệt là nghiên cứu, đề xuất được những giải pháp căn cơ nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thời gian qua; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên tham gia BHXH, BHYT, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người lao động được tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT theo quy định.
Thuý Ngà