Theo BHXH Việt Nam, nhiều độc giả và người dân hỏi về chế độ BHYT cho NCT, nhất là những người không có BHXH cũng như các chế độ trợ cấp. Đặc biệt, có trường hợp anh Đồng Văn Thân (Hưng Yên) có hỏi: Bố mẹ anh đã 65 tuổi, tham gia BHYT được 2 năm, đến hết tháng 9/2023 vừa qua BHYT đã hết hạn và phải mua lại. 

Cụ thể, do trước đây khi mua BHYT thì bố mẹ anh chưa có bệnh nền và các bệnh theo danh mục bệnh hiểm nghèo nên không được đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu là bệnh viện tuyến tỉnh. Nay, bố mẹ anh do làm nông nghiệp nên không có lương hưu, cũng chưa đến tuổi được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng thì việc mua BHYT tự nguyện có được miễn, giảm hay ưu tiên gì không? Nếu mua thì sẽ có những quyền lợi gì và những lưu ý gì khi mua BHYT tự nguyện đợt tiếp theo cho bố mẹ anh? 

Trả lời vấn đề này, BHXH Việt Nam có hướng dẫn như sau: Căn cứ Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế về việc Quy định đăng ký khám chữa bệnh (KCB) BHYT ban đầu, thì những trường hợp người tham gia BHYT được đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện tuyến tỉnh như: Đối tượng thuộc diện được quản lý, bảo vệ sức khỏe cán bộ của tỉnh; Người có công với cách mạng, người từ đủ 80 tuổi trở lên; Trẻ em dưới 6 tuổi đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện Sản - Nhi.

anh 16.jpg
Tham gia bảo hiểm y tế, người cao tuổi được nhiều hỗ trợ khi khám chữa bệnh.

Đặc biệt, để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT trên địa bàn các tỉnh, thành đối với những người mắc một trong 62 bệnh cần phải điều trị dài ngày ban hành kèm theo Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế được thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu tại tuyến tỉnh và tương đương trên địa bàn các tỉnh thành, theo nhu cầu của người tham gia BHYT khi cung cấp hồ sơ như: toa thuốc, giấy ra viện, sổ KCB hoặc bảng kê mẫu 01/KBCB cho cơ quan BHXH để đối chiếu làm căn cứ thực hiện chuyển nơi đăng ký KCB vào tháng đầu hàng quý.

Trong khi đó, tại khoản 5 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ cũng quy định khá chi tiết đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng cụ thể sau đây:

a) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;

b) Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;

c) Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;

d) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP có quy định đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được cấp thẻ BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT.

Như vậy, theo quy định trên người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu thì thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Do đó, nếu cha của anh Đồng Văn Thân hiện nay mới 65 tuổi mà không có lương hưu, chưa được hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng thì cần được mua/cấp thẻ BHYT theo quy định. 

Với các quy định về mua BHYT cho NCT, nhiều địa phương có chế độ hỗ trợ từ 50-100%. Do đó, gia đình anh Đồng Văn Thân có thể liên hệ với UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể cách thức mua, tỉ lệ được hỗ trợ (theo điều kiện của từng địa phương). Nếu mua BHYT tự nguyện theo hộ gia đình (chiếu theo khoản 5 Điều 5 và khoản 1 Điều 9 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP) thì cần làm một vài giấy tờ cần thiết là có thể dễ dàng thực hiện và hưởng các mức ưu đãi nhất định. 

Quy định chi tiết sẽ do BHXH tỉnh Hưng Yên hướng dẫn cụ thể, để bố anh Đồng Văn Thân tiếp tục tham gia BHYT liên tục tránh bị gián đoạn, ảnh hưởng đến quyền lợi khi đi khám chữa bệnh theo quy định hiện hành.

Vũ Huệ và nhóm PV, BTV