Thực phẩm bẩn không kiểm soát được khiến người dân khó ăn ngon, ngủ yên. Đơn giản là vì không biết tin vào ai.
Thực phẩm bẩn đang là nỗi ám ảnh thường nhật của người dân. Đa phần thực phẩm trên thị trường hiện nay chưa kiểm soát được chất lượng và người tiêu dùng hầu như ít có sự lựa chọn khác. Đơn giản vì không biết phải tin vào ai.
Chuyện mỗi gia đình tại vùng nông thôn có một mảnh vườn nhỏ được quây riêng để trồng rau sạch phục vụ trong nhà, còn phần lớn diện tích thì trồng rau có phun thuốc bảo vệ thực vật để bán ra thị trường từ lâu đã không còn xa lạ. Để kiếm tiền bằng mọi giá người ta cứ bơm, tiêm các chất cấm vào heo trước khi xuất chuồng; Dùng hóa chất tẩy trắng miến dong...
Ai cũng biết, nhiều nhà sản xuất cố tình phớt lờ các nguyên tắc sống tử tế. Để kiếm lợi, họ cố tình đạp lên rủi ro về sức khỏe lên khách hàng theo kiểu “sống chết mặc bay”.
Cũng chính vì lợi nhuận, một số hệ thống phân phối sản phẩm sạch như báo chí đã khui ra, cũng sẵn sàng đánh đổi chữ tín để nhập và bán các sản phẩm không đạt chuẩn.
Còn người tiêu dùng do nhiều lần bị lợi dụng nên dần mất hết lòng tin. Nhiều người mặc định đắt rẻ gì cũng là đồ không sạch, nên không dại gì phải trả thêm tiền cho những thứ không xứng đáng.
Vệ sinh an toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng dầu của các gia đình. Ảnh: Hoàng Hường |
Để có một môi trường sống an toàn, nếu chỉ kêu gọi sự thức tỉnh và lương tâm của những người đang sản xuất và buôn bán thực phẩm bẩn là cần thiết, nhưng e rằng chưa đủ. Sẽ không thể giải quyết triệt để vấn nạn thực phẩm bẩn nếu chúng ta chỉ áp dụng các giải pháp cấm đoán và xử phạt nhẹ nhàng hiện nay.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, các cơ quan thanh tra độc lập với các vai trò khác nhau trong toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm, cùng sự giám sát của các tổ chức xã hội công dân sẽ tiếp sức hiệu quả cho các nhà quản lý trong việc tìm và đối phó với vấn nạn này.
Bên cạnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã ban hành hiện nay, các người sản xuất cũng phải chịu trách nhiệm giải trình cho những thông tin ghi chép và lưu giữ trong nhật ký sản xuất. Các thông tin này cần được cung cấp đầy đủ khi được các thanh tra viên hay kiểm toán viên yêu cầu. Cơ chế giám sát dựa trên quy trình – không chỉ quan tâm đến làm gì mà còn là làm như thế nào cần được áp dụng trong mỗi công đoạn cụ thể.
Ở cấp độ thị trường, các cá nhân và doanh nghiệp thu mua, phân phối sản phẩm trên thị trường cũng cần phải chịu trách nhiệm giải trình về các thông tin liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, ngày giờ thu hoạch, tập kết, phương tiện vận chuyển, đầu mối giao nhận và kể cả công đoạn sơ chế (nếu có). Hệ thống phân phối mạch lạc sẽ giúp người mua tìm kiếm và truy suất thông tin sản phẩm khi cần.
Ngoài ra, việc các đơn vị thu mua, phân phối sản phẩm xây dựng và áp dụng hệ thống kiếm soát nội bộ cũng sẽ góp phần tích cực trong giám sát chéo lẫn nhau.
Trên tất cả là trách nhiệm xã hội của cả người bán và người mua. Người tiêu dùng thông thái là người biết định vị vị thế của mình trong mối quan hệ sản xuất – phân phối – tiêu dùng. Chính người mua mới là người nắm giữ bảo bối “nhu cầu cần gì” và “muốn mua gì”.
Quyền quyết định nằm ở chính chúng ta- những người tiêu dùng thông thái, những người luôn khắt khe khi chọn lựa sản phẩm tiêu dùng cho mình và gia đình.
Trần Văn Tuấn