Tôi rất đồng tình với bài “Những ai băm nát quy hoạch Thủ đô?” trên Tuần Việt Nam. Cả nước có gần 1.400 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1-6 lần và luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa không gian công cộng và lợi ích của người dân là một thực tế rất báo động. 

Cứ mỗi lần lập rồi điều chỉnh hàng trăm, hàng ngàn quy hoạch là gây tổn thất về mặt xã hội, thiệt hại cho người dân, làm mất hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước cho chi phí tư vấn để khảo sát, tổng hợp, lập và điều chỉnh. 

Nhưng quan trọng nhất, tình trạng đề án quy hoạch, hay điều chỉnh quy hoạch bằng “đầu cơ”, “đi đêm”, "thông đồng" gây bức xúc dư luận nhân dân, phá vỡ không gian sinh tồn và phát triển cho nhiều thế hệ. 

{keywords}
Hà Nội giờ tan tầm

Hà Nội chật như nêm cối

 Nhân bài viết nói đến chuyện Hà Nội, tôi xin bổ sung thêm chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây yêu cầu xử lý vấn đề từ những phản ánh liên quan tới điều chỉnh quy hoạch nhiều khu đô thị ở Thủ đôi. 

Cụ thể theo các hộ dân trong khu đô thị Ciputra kiến nghị khẩn cấp, dự án này đã điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số lô đất thương mại, sân, vườn và đường nội bộ thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng. 

Theo đó, đồ án điều chỉnh quy hoạch trong khu đô thị này do chủ đầu tư xây dựng, khu đất trước đây quy hoạch chỉ 5 tòa nhà với chiều cao từ 5 đến 47 tầng thì nay được đề xuất điều chỉnh tăng thành 8 tòa cao từ 45 đến 68 tầng. 

Một khu đất khác có diện tích gần 13.400 m2 dành làm bãi đỗ xe, nay xin chuyển sang hạ ngầm bãi đỗ xe và kết hợp kinh doanh thương mại. Còn tại ô đất TM-13 gần 55.000 m2, vốn quy hoạch làm khu thương mại hỗn hợp, sân, vườn và đường nội bộ thì nay xin chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng với dân số gần 3.000 người. 

Hà Nội không thiếu đất, sau khi mở rộng đã tăng diện tích lên 3.344km2 nhưng nội thành có mật độ xây dựng cực kỳ cao đã tập trung quá tải dân cư với rất nhiều cao ốc thương mại mọc lên dẫn đến kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, rối rắm cảnh quan kiến trúc. 

TP.HCM kẹt xe, ngập nước hàng ngày 

Tôi cũng xin bổ sung về tình trạng quy hoạch bị băm nát, bị điều chỉnh, dẫn đến phá vỡ tổng thể ở TP.HCM gây bức xúc cho người dân. 

TP.HCM có diện tích hơn 2.100km2 nhưng quy hoạch và điều chỉnh cấp phép dày đặc các dự án bất động sản ở nội thành. Trên các trục đường bị bủa vây nhà cao tầng, hạ tầng giao thông phát triển không theo kịp. Khi đó, phải kết nối giao thông ra vào nên xung đột trực tiếp giữa các phương tiện tất gây quá tải và kẹt xe, không đảm bảo thoát nước thải cho hàng ngàn nhà dân nên gây ngập. 

Dễ thấy nhất ở các quận 1, 3, 5, 10,… chuyện ngập nước là thường xuyên xảy ra ở các đường 3/2, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên (giao với Cách Mạng Tháng Tám), Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. 

Cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất vốn đã ùn tắc giao thông, lẽ ra hạn chế hoặc cấm xây nhà cao tầng từ lâu nhưng đến nay vẫn nhiều công trình nhà cao tầng đã và đang triển khai ở đường Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng... 

Ngay các tuyến đường huyết mạch vốn kẹt xe và ngập nước lại “mọc lên” thêm nhà cao tầng như Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), Lý Thường Kiệt - Đối diện nhà thi đấu Phú Thọ (Q.11). 

Chỉ một đoạn ngắn đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) dày đặc nhà cao tầng, ban đầu là dự án Sài Gòn Pearl với một quần thể cao ốc có chiều cao lên đến 38 tầng gồm 2.200 căn hộ, khu The Menor trên 1.000 căn hộ, khách sạn cao 40 tầng với trung tâm thương mại, ước tính số dân đã hơn 10.000 người. 

Trước đây, tham dự hội thảo quy hoạch giao thông, tôi nghe một chuyên gia người Nhật Bản cảnh báo: “Bờ sông dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh còn là cảnh quan, đối lưu không khí, hãy ưu tiên làm nơi sinh hoạt vui chơ giải trí cho cộng đồng, đừng xây nhà cao tầng, làm trung tâm thương mại thì ngầm dưới lòng đất”. Vậy mà giờ đây, khu vực này dày đặc nhà cao tầng, kéo theo hệ lụy kẹt xe và ngập nước trầm trọng nhất tại TP.HCM. 

Trong khi đó, khu vực ngoại thành và vùng ven có rất nhiều đất trống như các huyện Hóc Môn, Bình Tân, Nhà Bè, Cần Giờ… Riêng huyện Củ Chi là vùng đất đầy tiềm năng, có diện tích gần 500km2 bằng 1/4 tổng diện tích của thành phố nhưng dân số chỉ chừng 400.000 người (bằng 3 phường trong nội thành). TP.HCM cũng đã có kế hoạch chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ, thương mại, bất động sản. Nội thành kẹt cứng, trong khi những khu bên ngoài đất trống còn nhiều mà Thành phố không biết kết nối để phát triển. 

{keywords}
TP.HCM đang trả giá rất đắt vì quy hoạch kém.

Cần nhà quy hoạch có tầm và có tài 

Quy hoạch xây dựng có bản chất là tạo hành lang pháp lý phục vụ cho công tác quản lý và phát triển đô thị, kinh tế, xã hội… Thật nguy hiểm khi để bị trục lợi cho cá nhân, lợi ích nhóm. Cái giá phải trả rất lớn cho sự tùy tiện điều chỉnh quy hoạch theo hướng tiêu cực có thể thiệt hại cho nhiều thế hệ, khắc phục tổn thất để lại là hết sức khó khăn và lắm khi là không thể. Đó là nỗi bức xúc của người dân sống trong cảnh ô nhiễm, kẹt xe và ngập nước ở các đô thị. 

Nhiều nước trên thế giới không bao giờ để cho một kiến trúc sư hay một tổ chức nào đó đơn độc trong công tác lập và điều chỉnh quy hoạch mà đều có tham gia của các nhà phản biện xã hội, chuyên gia xây dựng, nhà văn hóa học, nhà đô thị học, thậm chí lấy ý kiến rộng rãi. 

Hàn Quốc kiểm soát rất chặt quy hoạch đô thị. Như ở Seoul, họ hạn chế xây nhà trong nội thành, quy hoạch các thành phố vệ tinh và làm trước hạ tầng giao thông để thu hút nhà đầu tư theo hướng “rải thóc nhử bồ câu đến”, nhà đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch là không đơn giản. 

Phát hiện quy hoạch và những điều chỉnh bất hợp lý là không khó, nhất là đối với người làm quản lý chuyên ngành. Đó là căn cứ cơ sở khoa học, quy định xây dựng, pháp luật liên quan, quy trình thiết kế đồ án, tiêu chuẩn ngành, hơn nữa là có lợi cho ai và đối tượng cụ thể nào? 

Có lần tôi được nghe vị lãnh đạo ngành kiến trúc phát biểu: Chỉ cần một trong số những người có trách nhiệm quản lý quy hoạch nơi đó có tầm và có tài thì những đồ án quy hoạch hay điều chỉnh quy hoạch bất hợp lý khó có thể tùy tiện chấp thuận thông qua, phê duyệt.  

Dễ nhận biết những đồ án quy hoạch bài bản, phục vụ phát triển vì lợi ích chung. Đó là tuân thủ quy định liên quan sẽ có đối chiếu giữa thực trạng và nhu cầu cùng với kết quả khảo sát, phân tích, phân loại, đánh giá, so sánh giữa các mô hình đồ án quy hoạch để tính toán tỉ trọng các hạng mục chức năng phù hợp đời sống sinh hoạt người thụ hưởng sao cho an toàn và tiện ích từ giao thông, y tế, giáo dục, du lịch, công nghiệp, kiến trúc, lịch sử… Qua đó sẽ thể hiện cụ thể vị trí và số liệu đất xây dựng, đất dành cho cộng đồng, không gian kiến trúc.

Dễ dàng điều chỉnh quy hoạch

Trong khi đó, hệ thống luật pháp liên quan đến công tác quy hoạch, kiến trúc đô thị chưa chặt chẽ cũng tạo nhiều khe hở để lạm dụng.

Ví dụ, Luật Quy hoạch vẫn còn những quy định khá lỏng lẻo để chủ đầu tư lợi dụng xin điều chỉnh quy hoạch nhằm tăng tối đa hóa lợi nhuận và cán bộ công quyền được giao quản lý  có thể trục lợi trong quy hoạch, bổ sung quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, gây thiệt hại không nhỏ cho xã hội, ảnh hưởng đời sống số đông người dân. 

Chẳng hạn, theo Điều 20, chỉ cần nêu lý do quy hoạch thời kỳ trước chưa phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực được lập trước đó là có thể xin lập quy hoạch lại. 

Còn Điều 51 quy định, cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt việc điều chỉnh quy hoạch là có thể điều chỉnh quy hoạch. Quy định như vậy có thể bị tận dụng để lập, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện. 

Đã đến lúc rà soát, xem xét lại tất cả các quy hoạch ở Hà Nội và TP.HCM để xử lý từ gốc. Đó là khâu cán bộ thuộc bộ máy tham mưu, quản lý. Cần có đầu mối chịu trách nhiệm cụ thể trong công tác tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. 

Trong công tác lập, điều chỉnh quy hoạch cần những quy định chặt chẽ hơn. Như buộc phải có sự phối hợp đồng bộ trong quản lý trên cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn, ưu tiên tiện tích cho công cộng, sinh hoạt cộng đồng, lấy ý kiến người dân có liên quan và chuyên gia phản biện trên các lĩnh vực xã hội văn hóa, giao thông, môi trường… Khi lập hay điều chỉnh quy hoạch ưu tiên phát triển hạ tầng cho cộng đồng kèm các giải pháp phát triển bền vững đời sống xã hội, sao cho người thụ hưởng cảm thấy thỏa mái. 

Đồ án quy hoạch cần được quy định nêu cụ thể vị trí và diện tích đất được phép xây dựng từng hạng mục chức năng các loại dự án phù hợp với số lượng cư dân sinh sống, không gian công cộng và lộ giới các tuyến đường phục vụ nhu cầu giao thông, hệ thống thoát nước… Ngoài ra, có thể phân kỳ đầu tư phù hợp với thực trạng từng khu vực đô thị, chẳng hạn chỉ cấp phép công trình đảm bảo không gây ngập như có hệ thống thoát nước đạt yêu cầu, hồ điều tiết và có bãi giữ xe cũng như đường kết nối giao thông đã mở rộng. 

Hà Nội và TP.HCM cũng đã quy hoạch thành phố vệ tinh ở ngoại thành, vùng ven nhưng chưa thu hút nhà đầu tư vì thiếu hạ tầng dịch vụ xã hội, giao thông, thoát nước… Nhà nước không có tiền để đầu tư hết mọi thứ nhưng vẫn có thể khai thông bế tắc, định hướng phát triển. 

Ở những vùng đất sau khi quy hoạch khá lâu vẫn hoang vắng, Nhà nước chủ động đầu tư trước cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ thiết yếu để làm “mồi nhử” hấp dẫn các nhà đầu tư tìm đến, lúc đó thu hút thêm nhiều nguồn lực từ bên ngoài sẽ có đà phát triển rồi sau đó tự khu vực này tạo ra giá trị, sinh lời và lan tỏa ra các vùng lân cận.    

Còn nếu tiếp tục quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch một cách dễ dãi, bị các nhóm lợi ích tiếp tay, thì chỉ dẫn đến tình trạng kẹt xe, ngập nước, làm người dân bức xúc bất bình. Hà Nội, Thành phố Vì hòa bình không còn là nơi đáng sống; còn TP.HCM, hòn ngọc Viễn đông thủa nào, cũng chỉ là dĩ vãng mà thôi. 

Trần Văn Tường