Giải pháp của người Thái Lan chuẩn bị cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một bài học đáng phân tích.
Theo ông Trương Đình Tuyển, dù đã đạt được thỏa thuận về những hiệp định tự do quan trọng trong 2015, nhưng con đường phía trước rất gian nan.
Thực chất, nếu chỉ xét hiện tại thì Việt Nam không cần Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) bằng TPP cần Việt Nam, bởi các điều khoản trong TPP là quá khắt khe và khó đáp ứng. Tuy nhiên, việc một quốc gia đang phát triển như Việt Nam tham gia TPP và có thể đáp ứng các yêu cầu của thể chế này sẽ mang ý nghĩa rất lớn trong dài hạn, giúp chúng ta đáp ứng yêu cầu từ các cơ chế hội nhập khác.
Quan trọng hơn, đây sẽ là minh chứng cho các thể chế hội nhập sâu hơn. Điều này đúng trên cả hai góc nhìn, cả với doanh nghiệp, lẫn ở khía cạnh định vị lại vai trò của Chính phủ trong một thị trường hội nhập toàn cầu.
Hội nhập đặt ra nhiều thách thức với DN Việt, Ảnh minh họa, nguồn: Việt Dũng/ SGGP |
Điểm nghẽn chuỗi giá trị
Theo một báo cáo của ADB[1], tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới chuỗi sản xuất định hướng xuất khẩu (cả trực tiếp và gián tiếp) chỉ là 36%, trong khi Malaysia và Thái Lan là 60%.
Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam hiện cũng chỉ có 21%, trong khi Thái Lan là 30%, còn Malaysia là 46%. Chưa kể phần lớn sự tham gia của các doanh nghiệp vào chuỗi giá trị là trong nhóm cơ bản, lợi nhuận thấp và có thể thay thế được.
Nguyên nhân chính cũng lại dẫn về quy mô nhỏ và thiếu vốn, dẫn đến hạn chế về hoạt động kinh tế theo quy mô (economy of scale), không đảm bảo được vai trò vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn. Khảo sát cho thấy có rất ít liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ với các doanh nghiệp có quy mô lớn.
Đáng chú ý là mấy năm gần đây, vốn DN đổ rất nhiều vào bất động sản, ngân hàng, xây dựng… những ngành có năng suất rất thấp và đồng vốn ảo. Trong khi những ngành dệt may, chế biến thực phẩm, bán buôn bán lẻ… có năng suất cao và nằm trong các chuỗi giá trị toàn cầu, lại nhận vốn đầu tư rất ít.
Các cụm công nghiệp cũng không thúc đẩy được kết nối kinh doanh của các công ty. Theo chuyên gia Phạm Chi Lan[2], một phần là do DN của ta thiếu niềm tin vào các đối tác trong nước, mà thích hợp tác với các đối tác nước ngoài, quy mô vốn lớn. Có những DN xuất khẩu trong nước nhận được hợp đồng hàng triệu sản phẩm nhưng không dám làm, vì không thể kịp tiến độ, nhưng lại ngại hợp tác với DN cùng ngành trong nước do sợ không đảm bảo chất lượng.
Cần Nhà nước, nhưng cần như thế nào?Theo TS. Trần Toàn Thắng, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ KH & ĐT, hỗ trợ doanh nghiệp tuy là bài toán đã cũ, song trước giờ vẫn vậy. Như việc hỏi ngân hàng về lãi suất doanh nghiệp, họ nói lãi suất cho doanh nghiệp Việt Nam bằng hoặc thậm chí là cao hơn so với doanh nghiệp lớn, vì tính rủi ro cao hơn.
Vậy nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp ở đâu? Câu trả lời là Nhà nước hỗ trợ thông qua việc doanh nghiệp lớn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, và tiền thực hiện chính là tiền hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp lớn.
Giải pháp của người Thái Lan chuẩn bị cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một bài học đáng phân tích. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, bí quyết nằm ở phương châm phát huy hết tất cả các nguồn lực hỗ trợ DNVVN.
Việc các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Thái đứng ra cam kết cùng chính phủ hỗ trợ DNVVN là một phần của dự án lớn của chính phủ Thái “Pracha Rath” có nghĩa là “Đất nước của người dân”. Qua đó họ thúc đẩy SME sản xuất kinh doanh nội địa và đầu tư xuất khẩu.
Chương trình hợp tác công tư gồm 4 thành tố: Doanh nghiệp lớn, DNVVN, các bộ ngành Chính phủ và các ngân hàng. Ngày 8/8/2015, chính phủ Thái Lan đã chấp thuận lập quỹ liên doanh trị giá 2 tỷ Baht (tương đương 57 triệu USD) do một số ngân hàng Thái Lan để giảm thuế cho DNVVN và miễn thuế cho doanh nghiệp Thái khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, thay vì dùng tiền của Chính phủ trực tiếp hỗ trợ, họ sử dụng nguồn vốn từ các doanh nghiệp lớn. Ví dụ, Tập đoàn Jacker của Thái Lan đã có cam kết với chính phủ là đưa sản phẩm của các DNVVN của nước này sang thị trường Việt Nam. Nên sau khi mua được Metro, họ đã dần đẩy sản phẩm của người Việt ra ngoài, và chiếm lĩnh bằng hàng Thái Lan.
Đồ gia dụng Thái Lan tràn ngập trong Metro. Ảnh: Kinhtedothi.vn |
Vừa qua, Chính phủ cùng với các cơ quan có liên quan đang rà soát lại giấy phép con và những điều kiện kinh doanh vô lý. Đây là một bước đi tích cực để thúc đẩy môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, một hỗ trợ mang tính vĩ mô.
Tuy nhiên, như ông Trương Đình Tuyển từng nói, vào TPP lo cho doanh nghiệp thì ít, mà lo cho Chính phủ thì nhiều. Để đáp ứng được các điều khoản trong 20 chương ngoài vấn đề thương mại sẽ đòi hỏi khả năng quản lý và chính sách tốt. Và nó không chỉ là câu chuyện của một hai lời phát biểu hay ý chí từ trên xuống, mà phải thật sự là một thay đổi lớn về tư duy đi cùng với các hành động rà soát, kiểm tra và chế tài cụ thể.
Trần Thắng
----------