Tháng 8/2022, Trung ương quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Chỉ trong thời gian ngắn, cả 63 tỉnh thành đã thành lập Ban Chỉ đạo. Qua 1 năm hoạt động, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã chuyển 286 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Võ Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương cho biết, trong 1 năm qua, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi. Qua đó đã lực lượng chức năng đã khởi tố mới 530 vụ án/1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can.

Đại biểu dự hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Ảnh: Đăng Khoa

Theo ông Dũng, sau 1 năm thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt những kết quả bước đầu quan trọng, được thực hiện nghiêm theo chủ trương ‘xử lý không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ’.

Hà Nội là địa phương đầu tiên thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đến nay, có 54 vụ việc, vụ án được Ban Chỉ đạo của TP. Hà Nội đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho hay, trong 6 tháng đầu năm nay đã phát sinh nhiều vụ việc, vụ án được đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc. “Tại hội nghị sơ kết vừa qua, Trung ương đánh giá Ban Chỉ đạo của thành phố hoạt động hiệu quả”, ông Đinh Tiến Dũng nói.

Đề cao trách nhiệm của địa phương 

Đánh giá kết quả sau một năm thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, chủ trương trên đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

“Xưa nay, những vụ án tham nhũng lớn đều do Trung ương chỉ đạo, Bộ Công an điều tra, xử lý. Còn ở địa phương có thực trạng các vụ tham nhũng, tiêu cực dường như không ai biết, không ai hay, đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện, vào cuộc thì mới vỡ lẽ”, ông Nguyễn Trọng Phúc nói.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực không phải là việc riêng của Trung ương và Trung ương cũng không "ôm" được hết các vụ việc ở địa phương.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.

Từ thực trạng đó, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là hoàn toàn hợp lý. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh như ‘cánh tay nối dài’ của Trung ương trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Hơn ai hết, lãnh đạo ở các tỉnh, thành là người sát với thực tế, hiểu rõ cán bộ của mình nhất. Do vậy, họ mới người phát hiện ra những vụ việc tham nhũng, tiêu cực sớm nhất.

“Chỉ trong thời gian ngắn, tất cả 63 tỉnh, thành đều đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Điều đó cho thấy các tỉnh thành đã triển khai rất nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và thể hiện quyết tâm cao trong việc đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực”, ông Phúc đánh giá.

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhận định, sau một năm thành lập, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thực sự đã làm được ‘khá nhiều việc’. Cụ thể, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã trực tiếp tiến hành gần 150 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Một số Ban Chỉ đạo tiến hành được nhiều cuộc kiểm tra, giám sát, qua đó phát hiện nhiều sai phạm; kiến nghị xử lý nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

"Hàng loạt vụ việc được Ban Chỉ đạo cấp tỉnh kiểm tra, xử lý đã trả lời cho những băn khoăn - đó là khi bàn về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo có ý kiến nói rằng, ở phạm vi địa phương thường bị chi phối bởi các mối quan hệ thân quen", ông Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ.

Theo ông Phúc, khi Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy là người đứng đầu Ban Chỉ đạo thì không có vụ việc phức tạp nào ở địa phương là không xử lý được. “Bí thư tỉnh mà làm hết trách nhiệm của người đứng đầu thì công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương đó sẽ thành công”, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói.

Ông Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thành được thành lập đã nâng cao trách nhiệm phòng chống tham nhũng, tiêu cực của những cán bộ chủ chốt ở địa phương. Bên cạnh đó nó còn có tác dụng giáo dục, răn đe với cán bộ, công chức chưa biết sợ, vẫn muốn kiếm tiền, làm giàu một cách bất chính.

Ngoài ra, theo ông Phúc, cũng giống như Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần công khai các vụ việc, vụ án vào diện theo dõi, chỉ đạo để nhân dân cùng giám sát kết quả thực hiện. “Với những vụ việc đã rõ tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần công khai để nhân dân được biết”, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói thêm.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Còn đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) đánh giá, sau một năm thành lập, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã thể hiện vai trò, trách nhiệm trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Bằng chứng cho việc này là nhiều vụ việc, vụ án của tỉnh, thành được Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, đôn đốc.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, Trung ương cũng rất sáng suốt khi để Bí thư tỉnh thành làm Trưởng Ban Chỉ đạo, các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh uỷ cùng người đứng đầu cơ quan pháp luật, tư pháp làm thành viên.

“Thực tiễn đã chứng minh họ làm việc rất hiệu quả. Tôi cũng chưa thấy thành viên trong Ban Chỉ đạo bao che, chống lưng cho những thế lực nào đó trong cơ quan, đơn vị thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực”, ông Hòa nói.

Ban chỉ đạo cần vào cuộc, xử lý nghiêm tham nhũng vặt

Một trong những điều PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc mong muốn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh vào cuộc xử lý quyết liệt hơn nạn tham nhũng vặt.

“Tham nhũng vặt cũng rất nguy hiểm, nó làm tha hóa, hư hỏng một bộ phận cán bộ, đảng viên, thậm chí cả công chức bình thường. Tham nhũng vặt còn khiến cho công việc của người dân, doanh nghiệp bị ách tắc”, ông Phúc lo ngại.