Ngày 25/11, tại phiên giải trình về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị tại bãi bồi sông Hồng, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên đã thống nhất báo cáo UBND Thành phố cho phép lập đề án "Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng", kinh phí từ ngân sách các quận.

Bãi giữa sông Hồng khu vực cầu Long Biên. Ảnh: Thạch Thảo.

Đây không phải lần đầu tiên đề xuất này được đưa ra. Trước đó, vào tháng 3 vừa qua, quận Hoàn Kiếm từng lập đề án xây dựng bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch. Sau đó quận phối hợp với quận Long Biên để cùng xây dựng đề án, diện tích bãi giữa sông Hồng thuộc quận Long Biên khoảng 1ha.

Tuy nhiên, các cơ quan chuyên môn của Thành phố cho rằng quy hoạch công viên bãi giữa sông Hồng phải phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và việc nghiên cứu khu bãi giữa, bãi bồi và hai bờ sông Hồng nên thực hiện với toàn bộ quận có sông Hồng chảy qua. Do đó, quận Hoàn Kiếm đã họp bàn với 3 quận Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên và cùng đề xuất Thành phố lập đề án.

Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề này, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá, về ý tưởng là tốt bởi trong tương lai gần bãi giữa sông Hồng sẽ trở thành không gian xanh và có thể là công viên mở. Tuy nhiên từ đề xuất đến việc thực hiện còn rất nhiều vấn đề cần xem xét, quan tâm. 

Cỏ dại mọc tốt um trong Công viên Chu Văn An (Ảnh: Đình Hiếu)

“Hiện nay quy hoạch phân khu đã được duyệt nhưng từ đó thể hiện ra những vị trí cụ thể để có quy hoạch tỷ lệ 1/500 thì còn nhiều quá trình. Công viên văn hoá đa năng sẽ gồm những gì. Sự kết nối của công viên đó với khu vực dân cư hiện hữu ra sao. Việc thực hiện phải liên quan đến các đồ án chi tiết, sự kết nối của các hạ tầng giao thông cùng với cảnh quan chung chứ không thể làm đơn lẻ được” – ông Tùng nói.

Ngay khi đề xuất làm công viên ở bãi giữa sông Hồng được đưa ra đã có những ý kiến nêu lên lo ngại có thể gây ra lãng phí khi nhiều công viên trong nội đô chưa được khai thác hết công năng sử dụng. 

Thực tế cho thấy, tại Hà Nội, nhiều dự án công viên mới vẫn nằm trên giấy hoặc khởi công rồi ‘đắp chiếu’, công viên cũ vẫn cảnh bị “xẻ thịt”, lấn chiếm. 

Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (100ha) ở Đông Anh được khởi công từ năm 2016 đến nay đã giải phóng được trên 99ha; Công viên khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An ở huyện Thanh Trì (50,9ha), sau nhiều năm triển khai đến nay đã hoàn thành một số tuyến đường vào công viên và tu bổ đình, chùa, nhiều diện tích cỏ dại mọc tốt um. 

Nhiều hạng mục tại công viên Tuổi Trẻ ( Hai Bà Trưng) bị bỏ hoang, hoen rỉ (Ảnh: Đình Hiếu)

Công viên Đống Đa (7,09ha) dự án được quy hoạch gần 20 năm nhưng chưa được giải phóng mặt bằng; Công viên hồ điều hòa CV1 ở quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm (27,7ha) được khởi công từ năm 2016 đến nay chưa hoàn thành.

Tại các công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Tuổi Trẻ, nhiều hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng…

Từ thực tế trên, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng cần phải xem xét lại và nhìn nhận thật nghiêm túc. 

“Việc xây dựng công viên không thể để theo kiểu xôi đỗ. Phải tránh tư duy muốn phát triển nhanh, cái gì cũng muốn làm nhưng không làm đến nơi đến chốn. Vừa qua, lãnh đạo Hà Nội đã nêu quyết tâm, trong năm 2023 Thành phố sẽ làm "sống lại" các công viên trên địa bàn để người dân được hưởng lợi một cách công bằng và tự do tiếp cận. Quyết tâm chính trị của Hà Nội là rất đúng. Phải làm đến đâu được đến đấy. 

Tôi cho rằng, vấn đề bây giờ Hà Nội cần tập trung cải tạo, xây mới các công viên theo kế hoạch đã đề ra với 9 công viên mới và 3 công viên cũ trong nội thành như: Công viên Kim Quy, Công viên Chu Văn An, Công viên Thiên Văn học, Công viên Thống Nhất, Công viên Bách Thảo… Làm được rồi sau đó lại làm tiếp” – ông Tùng nêu ý kiến. 

Với đề xuất làm công viên ở bãi giữa sông Hồng, vị Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, chúng ta ghi nhận cố gắng mong muốn nhưng những mong muốn đó phải phù hợp với thực tế và sự phát triển đồng bộ của đô thị phía Bắc sông Hồng. Khi đồ án phân khu đô thị sông Hồng được thực hiện sẽ trở thành sức hút lan toả tạo động lực hấp dẫn cho phía Đông phát triển, phải thành một chuỗi tạo thành một không gian đáng sống, sống bền vững, an toàn

Cũng theo vị này, làm công viên bãi giữa là tốn kém hơn, bài toán quan trọng cần giải quyết là việc kết nối giao thông, hạ tầng với xung quanh. Từ lâu nay, vấn đề đi lại ở khu vực này vẫn còn bất cập. Cùng với đó, phải phù hợp với cảnh quan. Không thể để xung quanh công viên vẫn lụp xụp rồi mọc lên công viên thì ai hưởng thụ ở đó.