Năm nay đánh dấu 25 năm Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam -Trung Quốc và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (Nghị định thư phân giới cắm mốc; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới; Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu).

Sau 15 năm triển khai 3 văn kiện pháp lý, tình hình biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc cơ bản ổn định; an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đường biên giới hòa bình, ổn định đã góp phần tích cực thúc đẩy hợp tác, phát triển.

tuan_tra_song_phuong_voi_don_cong_an_bien_canh_khuc_thuy_trung_quoc_1.jpg
Lực lượng Việt - Trung tuần tra chung bảo vệ an ninh biên giới. Ảnh: TTXVN

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ khẳng định, hiệp ước có ý nghĩa lịch sử. Bởi đây là lần đầu tiên hai nước có đường biên giới thông suốt từ tây sang đông dài hơn 1.400km với 1970 cột mốc, được thể hiện trong hiệp ước với bản đồ kèm theo.

Để đạt được kết quả như vậy, hai bên đã trải qua đàm phán trên 30 năm, vượt qua nhiều trở ngại khó khăn nhưng với quyết tâm chính trị, sự hợp tác chân thành đã giải quyết được vấn đề biên giới.

Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, giải quyết xong vấn đề biên giới là một dấu ấn lịch sử trong quan hệ hai nước và là một thành tựu được xây đắp bằng quyết tâm chính trị, bằng trí tuệ, máu, nước mắt của biết bao thế hệ người Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là trong thời đại mới dưới sự lãnh đạo của hai Đảng Cộng sản.

W-IMG_9575.jpg
Tiến sĩ Trần Công Trục

Về ý nghĩa thứ hai, Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng Hiệp ước còn tạo nền tảng pháp lý, chính trị cho sự hợp tác, phát triển. Hiện nay trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung, hai bên đã mở 7 cửa khẩu quốc tế, 8 cửa khẩu chính, 7 lối thông quan đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa, 11 khu kinh tế cửa khẩu và một số lối mở.

Ý nghĩa thứ ba, đó chính là đã đóng góp quan trọng vào kho tàng Công pháp quốc tế về giải quyết tranh chấp biên giới, lãnh thổ giữa các quốc gia.

Tiến sĩ Trần Công Trục chia sẻ, tranh chấp biên giới đất liền giữa các quốc gia là một loại tranh chấp quốc tế phổ biến thường được ưu tiên giải quyết sau khi quan hệ ngoại giao đã được thiết lập.

Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ thông qua đàm phán hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế, trên cơ sở điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế.

anh 7 1287.jpg
Du khách Trung Quốc được chào đón tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, ngày 15/3/2023. Ảnh: TTXVN

Sau hiệp ước là các thỏa thuận được ký kết về việc phối hợp tuần tra bảo vệ, quản lý mốc giới, biên giới; việc qua lại các cửa khẩu biên giới, sử dụng nước và các tài nguyên trên các sông suối biên giới, hợp tác khai thác cảnh quan khu vực biên giới. Đây là căn cứ để lực lượng, cơ quan quản lý, bảo vệ của các bên liên quan hợp tác cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển, ổn định lâu dài.

Biên giới trên đất liền Việt - Trung ổn định, giao lưu kinh tế sôi nổi

Còn Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba nhận định, việc ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền Trung Quốc - Việt Nam đã thể hiện ý chí và quyết tâm mà hai bên nỗ lực vì hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Sự kiện này trở thành một hình mẫu thành công mà hai bên thông qua đàm phán hữu nghị, tăng cường mạnh mẽ niềm tin của hai bên về đối thoại, giải quyết tốt bất đồng đối với vấn đề biên giới và trên biển khác.

Thời gian qua, hai bên đã thực hiện tốt Hiệp ước, nhân dân ở biên giới hai nước an cư lạc nghiệp, sống chung hài hòa, gắn bó như anh em một nhà. Đại sứ khẳng định, khu vực biên giới Trung Quốc- Việt Nam đã trở thành khu vực biên giới hòa bình nhất, ổn định nhất, hài hòa nhất, giao lưu thương mại và đi lại sôi nổi nhất trên thế giới.

"Tôi vẫn nhớ rất rõ, tháng 8 năm ngoái cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Khi đó, cố Tổng Bí thư đã nhấn mạnh rằng trên thế giới chỉ có duy nhất khu vực biên giới ở đây đặt tên cửa khẩu là “Hữu Nghị”, là có một không hai trên thế giới... Một khu vực biên giới hòa bình, rất đáng để chúng ta tự hào", Đại sứ Hùng Ba kể lại.

img 4412 178 369.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đại sứ Hùng Ba thăm cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị hồi tháng 8/2023. Ảnh: TTXVN

Vùng biên của Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với vùng biên Việt Nam khi đều cách xa các trung tâm kinh tế xã hội, núi đồi hiểm trở và các dân tộc sinh sống. Cho nên, Đại sứ cho rằng hai nước có nhiều kinh nghiệm có thể chia sẻ cho nhau. 

Nói về kinh nghiệm của Trung Quốc, theo Đại sứ Hùng Ba, các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam rất coi trọng phát triển du lịch, bảo vệ môi trường, nông nghiệp sinh thái, phát huy tối đa ưu thế mở cửa vùng biên. Địa phương biên giới của Trung Quốc cũng chú trọng việc giảm nghèo và chấn hưng nông thôn.

Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông gồm đường bộ cao tốc và đường sắt cao tốc được đầu tư. Hiện tỉnh Vân Nam đã có hơn 11.000 km đường bộ cao tốc. Đường sắt cao tốc của Quảng Tây và Vân Nam đã thông tuyến đến khu vực biên giới. Điều này giúp biến khu vực biên giới nội địa thành cửa ngõ, biến những tình thế bất lợi của vùng sâu, vùng xa thành ưu thế trong giao thương.

Theo Đại sứ, hai nước có thể thúc đẩy hợp tác, kết nối vùng biên, đường bộ, đường biển, đường hàng không. Trong đó, Đại sứ nhấn mạnh việc 3 tuyến đường sắt kết nối giữa Việt Nam - Trung Quốc gồm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hải Phòng.