Big Tech run sợ trước ‘lựa chọn của Trump’

Tổng thống đắc cử Donald Trump lựa chọn Matt Gaetz làm Bộ trưởng Tư pháp và Brendan Carr làm người đứng đầu Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC). Đây là những nhân vật thường xuyên chỉ trích các hãng công nghệ lớn như Google, Apple, Meta, Amazon và Microsoft.

Người đầu tiên phải kể đến là Brendan Carr. Ông gọi một số công ty công nghệ lớn nhất là “tổ chức kiểm duyệt”.

Từng phục vụ trong FCC, Carr cho rằng FCC nên đi đầu trong việc loại bỏ Điều 230 – Đạo luật Chuẩn mực truyền thông, “tấm khiên” bảo vệ các công ty Internet trước việc chịu trách nhiệm cho những nội dung mà người dùng đăng tải.

Ngoài ra, ông Trump đề cử Matt Gaetz giữ chức Bộ trưởng Tư pháp.

Cựu nghị sỹ Matt Gaetz nhiều năm chỉ trích Big Tech. Năm 2021, không lâu sau khi ông Trump bị các mạng xã hội cấm cửa do liên quan đến bạo động đồi Capitol, ông cho rằng các công ty công nghệ đang bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của người Mỹ.

Gaetz cũng kêu gọi thực thi chống độc quyền nghiêm khắc hơn, lập trường tương tự với Chủ tịch FCC Lina Khan hiện nay.

3cdnv2mh 84611.png
Elon Musk được mời đứng đầu Bộ Hiệu quả chính phủ. Ảnh: Bloomberg

Trong khi đó, người được Trump nhắm đến cho Bộ Hiệu quả chính phủ là Elon Musk, vị tỷ phú vừa là một lãnh đạo công nghệ nhưng vừa là một tiếng nói chỉ trích nổi bật. Musk thường sử dụng tầm ảnh hưởng trên X để tấn công các đối thủ như Google.

Tỷ phú này còn tranh chấp với Apple và CEO Tim Cook. Đầu năm nay, ông dọa cấm tất cả thiết bị Apple tại các công ty của mình sau khi nhà sản xuất iPhone thông báo hợp tác với OpenAI, startup mà ông đồng sáng lập.

Một nhân vật nữa là JD Vance – người được ông Trump lựa chọn làm Phó Tổng thống – từ lâu đã muốn phá vỡ Big Tech. Ông cho biết những trải nghiệm của mình tại Silicon Valley đã dạy ông phải cảnh giác.

Ông đặc biệt điểm tên Facebook và Apple vì việc làm ăn của họ dựa vào gắn chặt người dùng với các màn hình chứa đầy quảng cáo. Ông kêu gọi giải tán Google và khen ngợi Chủ tịch FCC Lina Khan. Ông cũng vận động để loại bỏ Điều 230.

Quốc hội Mỹ ‘thổi lửa’ vào cuộc đua AI với Trung Quốc

Một ủy ban quốc hội Mỹ đã đề xuất sáng kiến theo phong cách “Dự án Manhattan” nhằm thúc đẩy tài trợ cho việc phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo thông minh tương đương hoặc hơn con người.

0 420 748 0 70 news 20220906041730 crn 14 ai artificial intelligence istock 961970568 88559.jpg
Mỹ kêu gọi nỗ lực phối hợp công - tư phát triển AI cạnh tranh với Trung Quốc. Ảnh: iTnews

Dự án Manhattan là sự hợp tác quy mô lớn giữa chính phủ Mỹ và khu vực tư nhân trong Thế chiến thứ hai đã sản xuất ra những quả bom nguyên tử đầu tiên.

Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung (USCC) nhấn mạnh quan hệ đối tác công tư là chìa khóa để thúc đẩy trí tuệ nhân tạo (AI), tương tự như dự án Manhattan mà nước này từng triển khai - ám chỉ việc thắt chặt hợp tác quy mô lớn giữa chính phủ và khu vực tư nhân.

Lưu ý rằng cơ sở hạ tầng năng lượng là nút thắt quan trọng đối với việc đào tạo các mô hình AI lớn, Helberg gợi ý việc hợp lý hóa quy trình cấp phép cho các trung tâm dữ liệu có thể là một ví dụ về cách quan hệ đối tác công tư có thể đẩy nhanh quá trình phát triển AI.

Tuần trước, OpenAI đã đề xuất kế hoạch triển khai chiến lược AI của Mỹ, đang kêu gọi chính phủ tăng trợ cấp cho lĩnh vực này.

USCC, được Quốc hội thành lập vào năm 2000, đưa ra các khuyến nghị hàng năm về quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Được biết đến với các đề xuất chính sách cứng rắn, ủy ban này nhằm mục đích hướng dẫn các nhà lập pháp về các vấn đề cạnh tranh kinh tế và chiến lược với Trung Quốc.

Huawei đặt mục tiêu sản xuất chip AI tối tân

Truyền thông đưa tin Huawei lên kế hoạch sản xuất đại trà chip AI hiện đại nhất của mình vào quý I/2025 bất chấp các lệnh cấm vận của Mỹ.

ai chips 46996.jpg
Huawei lên kế hoạch sản xuất đại trà chip Ascend 910C vào đầu năm 2025. Ảnh: Huawei

Theo nguồn tin, Huawei đã gửi một số mẫu chip Ascend 910C đến vài khách hàng và bắt đầu nhận đơn đặt trước. Con chip này do xưởng đúc lớn nhất Trung Quốc- SMIC – sản xuất trên quy trình N+2, nhưng việc thiếu máy in thạch bản tiên tiến khiến năng suất (tỷ lệ thành công khi sản xuất các đế chip trên tấm bán dẫn) chỉ đạt 20%.

Trong khi đó, chip hiện đại cần đạt năng suất hơn 70% để khả thi về mặt thương mại hóa.

Ngay cả chip mới nhất hiện nay của Huawei – Ascend 910B – cũng mới đạt năng suất khoảng 50%, buộc công ty phải giảm mục tiêu sản xuất và trì hoãn hoàn thành đơn hàng.

Do lệnh cấm vận năm 2020 của Mỹ, Trung Quốc không thể mua máy in EUV từ ASML của Hà Lan. ASML cũng dừng bán máy in thạch bản cực tím sâu DUV cho nước này sau các hạn chế xuất khẩu năm ngoái của chính quyền Mỹ. Vì không có giải pháp ngắn hạn, Huawei đang ưu tiên các đơn hàng của tổ chức và chính phủ.